Không còn phòng giáo dục và đào tạo, trường THCS, tiểu học sẽ bớt áp lực?

16/04/2025 08:38
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Những thay đổi tới đây sẽ giúp cho đội ngũ giáo viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ có hành lang thông thoáng, hoạt động hiệu quả hơn.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 1581/BGDĐT-GDPT về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Công văn hướng dẫn: “Thực hiện giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp”.

Sự chuyển đổi này hoàn toàn phù hợp với thực tế vì theo lộ trình tới đây sẽ bỏ cấp huyện. Việc thay đổi này sẽ giảm đi nhiều áp lực không cần thiết khi các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non lâu nay chịu sự quản lý của phòng giáo dục và đào tạo về mặt chuyên môn, còn ủy ban nhân dân huyện thì quản lý nhà nước.

blue-welcome-to-school-library-banner-5741-3653.png
Ảnh minh họa

Cấp trung học cơ sở, tiểu học, mầm non sẽ giảm được nhiều áp lực khi không còn cấp trung gian

Tại Kết luận 137-KL/TW năm 2025, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổ chức đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập sẽ chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non.

Công văn 1581/BGDĐT-GDPT tiếp tục hướng dẫn các tỉnh, thành giữ nguyên trạng trường học, chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Công tác tuyển dụng, sắp xếp, điều động giáo viên sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo (cấp tỉnh) thực hiện, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu nhân lực cục bộ.

Với hướng dẫn này, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở về cơ bản vẫn giữ nguyên trạng cơ cấu nhân sự như hiện nay. Trước mắt, khi 2-3 xã thực hiện sáp nhập lại 1 xã sẽ có 2-3 trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non tương ứng, thậm chí một số địa phương mỗi xã có 3-4 trường tiểu học nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên.

Điều này tạo sự ổn định cho các trường học về cán bộ, giáo viên, nhân viên. Khi sáp nhập xã (phường) xong, có thể sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tại mỗi địa phương.

Việc Công văn 1581/BGDĐT-GDPT hướng dẫn công tác tuyển dụng, sắp xếp, điều động giáo viên sẽ do sở giáo dục và đào tạo đảm nhận là rất phù hợp, tránh được những hạn chế, bất cập.

Bởi lẽ, do sở giáo dục và đào tạo sẽ có cái nhìn bao quát nhất về chỗ thừa, thiếu giáo viên để tuyển dụng, điều động , nhằm tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên đang xảy ra ở như một số địa phương hiện nay.

Khi không còn cấp huyện, ranh giới hành chính sẽ được xóa bỏ, việc điều chuyển giáo viên từ xã này sang xã khác đối với giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cũng trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn.

Đặc biệt, tránh được tình trạng tiêu cực như một số trường hợp mà báo chí đã phản ánh ở thời gian qua khi một số huyện tuyển dụng, thuyên chuyển, điều động chưa minh bạch, khách quan, tạo ra những thị phi và dư luận không tốt.

Việc chỉ đạo chuyên môn có thể sẽ do bộ phận chuyên môn của sở giáo dục phụ trách thông suốt các cấp học. Và, người viết cho rằng một khi sở trực tiếp chỉ đạo, điều hành về chuyên môn sẽ nhanh chóng, hiệu quả.

Bởi lẽ, các môn học hiện nay đang có đội ngũ hội đồng cốt cán, họ sẽ là cánh tay nối dài cùng chuyên viên sở giáo dục thúc đẩy phát triển bộ môn hiệu quả hơn khi không còn cấp trung gian điều hành, chỉ đạo về chuyên môn.

Giáo viên bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập có thể sẽ “dễ thở” hơn?

Lâu nay, phòng giáo dục và đào tạo quản lý chuyên môn các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Cấp trung gian này nhiều khi tạo thêm áp lực cho giáo viên và các nhà trường khi có thêm nhiều cuộc thanh, kiểm tra chuyên môn.

Nhiều lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục và một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tham gia đoàn về các đơn vị thanh, kiểm tra chuyên môn quá nặng nề về hồ sơ sổ sách.

Mặc dù Bộ đã nhiều lần ban hành văn bản hướng dẫn hồ sơ sổ sách; chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ sổ sách nhưng khi về trường kiểm tra thì không ít cán bộ vẫn yêu cầu. Cái gì cũng đòi minh chứng, hình ảnh như cái thời hàng chục năm trước đây.

Chỉ chuyện phụ đạo học sinh chưa đạt nhưng yêu cầu tổ trưởng chuyên môn phải có kế hoạch phụ đạo, danh sách học sinh trước khi phụ đạo; danh sách thống kê sau khi phụ đạo, báo cáo sau khi phụ đạo (giữa mỗi học kỳ, cuối mỗi học kỳ), ký duyệt hồ sơ giáo viên, tập hợp hồ sơ của giáo viên đầy đủ.

Giáo viên phụ đạo phải làm kế hoạch phụ đạo, kế hoạch bài dạy, lập danh sách, cho học sinh làm đơn học thêm (phụ đạo) có chữ ký của phụ huynh, thống kê so sánh. Trong khi, việc phụ đạo cho học sinh chưa đạt thì nhiều trường không tính tiết định mức, giáo viên làm việc trên tinh thần tự nguyện mà không ít nơi bị hỏi lên, hỏi xuống.

Tới đây, khi bỏ cấp huyện, không còn phòng giáo dục thì đa phần các lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục có thể phải về cơ sở để đứng lớp vì lên sở giáo dục sẽ rất khó khi mỗi tỉnh có hàng chục huyện, thị với hàng trăm nhân sự.

Hơn nữa, tới đây 2-3 tỉnh sáp nhập thành một tỉnh thì phòng trung học, tiểu học của các sở giáo dục tận dụng hết nhân sự hiện tại của các tỉnh cũng đã là khó. Lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục sẽ không có mấy người được điều động về sở là điều dễ dàng nhìn thấy.

Không chỉ áp lực về thanh, kiểm tra mà giáo viên nhiều môn học cũng quá áp lực về các hội thi, cuộc thi được phòng giáo dục và đào tạo, hoặc kết hợp với một số phòng, ban khác phát động chồng chéo, liên miên suốt năm học.

Vì vậy, những thay đổi tới đây sẽ giúp cho đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ có hành lang thông thoáng, hoạt động hiệu quả. Một khi không còn phòng giáo dục và đào tạo sẽ giảm được rất nhiều áp lực không cần thiết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG