Trong bối cảnh toàn cầu hóa, học bổng quốc tế ngày càng trở thành cánh cửa rộng mở đưa sinh viên đến gần hơn với nền tri thức thế giới. Đối với sinh viên, những suất học bổng chính là bệ phóng để các bạn có thể vươn xa, có cơ hội trải nghiệm nền giáo dục tiên tiến, khám phá những nền văn hóa mới và mở rộng tư duy toàn cầu.
Tọa lạc tại thủ đô Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa được coi là một trong những trường đại học danh giá và có ảnh hưởng tại Trung Quốc cũng như khu vực châu Á. Với truyền thống học thuật xuất sắc, môi trường nghiên cứu năng động, liên tục nằm trong top đầu các bảng xếp hạng đại học thế giới, Đại học Thanh Hoa là điểm đến mơ ước của hàng ngàn sinh viên quốc tế muốn phát triển trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý.
Tại Việt Nam, năm 2025, nữ sinh Phan Ngọc Ánh - sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, Khoa Kinh doanh và Quản lý, Trường Đại học CMC đã xuất sắc vượt qua hơn 6.000 ứng viên trên khắp thế giới để trở thành 1 trong hơn 100 bạn sinh viên trúng tuyển Học bổng toàn phần Chương trình Trao đổi mùa hè Tsinghua SIGS Global Summer School 2025 tại Đại học Thanh Hoa.
Ngay khi nhận thông tin, Ban Lãnh đạo Trường Đại học CMC, Tập đoàn CMC đã quyết định đài thọ vé máy bay khứ hồi cho Ngọc Ánh sang Trung Quốc tham dự chương trình. Đây không chỉ là một sự hỗ trợ về mặt vật chất, mà còn thể hiện sự trân trọng và đồng hành từ phía nhà trường và tập đoàn đối với những sinh viên tài năng, khát khao học hỏi và có lý tưởng đóng góp cho cộng đồng.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Ánh cho biết so với năm ngoái, số lượng hồ sơ đăng ký ứng tuyển học bổng tại Đại học Thanh Hoa tăng gấp ba lần, khiến tỷ lệ trúng tuyển chỉ còn rơi vào khoảng 1,6% đến 2,5% – một con số cực kỳ cạnh tranh, áp lực đối với ứng viên ứng tuyển.
Chưa kể, khoa Open FIESTA mà em đăng ký còn là một trong những khoa có tỷ lệ chọi cao nhất trong chương trình. Tại Đại học Thanh Hoa, khoa này đặc biệt bởi nội dung học tích hợp AI và công nghệ vào việc xây dựng các sáng kiến phát triển bền vững, một lĩnh vực em rất đam mê và muốn phát triển.
Mặc dù rất tự tin với khả năng của mình nhưng áp lực từ cuộc cạnh tranh này không hề nhỏ. Trên thực tế, nữ sinh không chỉ phải cạnh tranh với các bạn trẻ ở Việt Nam, mà còn phải đối mặt với những thí sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, những người cũng có năng lực và tiềm năng không kém.
Để vượt qua hơn 6.000 thí sinh và giành lấy một suất trong chương trình trao đổi mùa hè tại Đại học Thanh Hoa, Ngọc Ánh đã phải nỗ lực không ngừng nghỉ ngay từ những bước đầu tiên của quá trình ứng tuyển. Năm nay, do số lượng thí sinh ứng tuyển vào khoa Open FIESTA rất đông nên chương trình yêu cầu thí sinh phải vượt qua hai vòng hồ sơ gắt gao, bao gồm xét duyệt năng lực học thuật, kinh nghiệm thực tiễn, khả năng ngoại ngữ và động lực tham gia chương trình.
Theo đó, Ngọc Ánh đã chuẩn bị một bộ hồ sơ ứng tuyển ấn tượng với CV và portfolio được trình bày bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung, thể hiện sự chuyên nghiệp, khả năng ngôn ngữ linh hoạt. Đồng thời, em còn sử dụng màu tím cho bộ hồ sơ của mình - đây là màu sắc chủ đạo của Đại học Thanh Hoa, ngụ ý bày tỏ sự tôn trọng đối với ngôi trường mà em đang hướng đến.
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị hồ sơ, Ngọc Ánh cho biết: “Em luôn quan niệm rằng bất kỳ việc gì cũng cần được làm một cách chỉn chu, và hồ sơ du học lại càng không thể sơ sài.”
Với tinh thần ấy, Ánh không chỉ đầu tư thời gian và công sức vào phần nội dung, mà còn chăm chút từng chi tiết nhỏ – từ cách trình bày bố cục đến cách lựa chọn từ ngữ, tất cả đều được trau chuốt tỉ mỉ.
Một trong những nguyên tắc quan trọng Ánh đặt ra trong suốt quá trình hoàn thiện hồ sơ, đó là đặt mình vào vị trí của người đọc. Em chia sẻ rằng, bản thân luôn suy nghĩ từ góc nhìn của hội đồng xét tuyển – những người mỗi ngày phải đọc hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bộ hồ sơ.
"Nếu cách trình bày không rõ ràng, nếu thông điệp không đủ ấn tượng thì rất dễ bị lướt qua. Vì vậy, em luôn cố gắng trình bày hồ sơ một cách mạch lạc, dễ hiểu, đồng thời vẫn thể hiện được cá tính và chiều sâu suy nghĩ của mình”, nữ sinh chia sẻ.

Không dừng lại ở việc hoàn thành các yêu cầu cơ bản, Ánh luôn mang theo một tư duy cầu tiến trong bất kỳ việc gì mình làm. Đối với em hiệu suất làm việc không chỉ đủ mà phải tốt, thậm chí luôn tìm cách để tốt hơn. Tư duy cầu tiến và luôn tìm cách vượt qua mức cơ bản chính là một phần quan trọng trong mindset học tập và làm việc của nữ sinh.
Đồng thời, em cũng nhấn mạnh vai trò của việc có một chiến lược rõ ràng và mục tiêu cụ thể trong suốt quá trình làm hồ sơ. Nữ sinh cho rằng mỗi đoạn văn, mỗi thông tin đưa vào hồ sơ đều phải góp phần thể hiện rõ nét một thông điệp nhất quán. Do đó em sẽ không viết để kể, mà viết để người đọc hiểu và cảm được mình, cũng như nhận thấy em phù hợp với chương trình và đưa ra quyết định lựa chọn.
Đối với bài luận, Ánh luôn xác định rõ ràng đây không đơn thuần là một bài viết giới thiệu bản thân, mà là cơ hội để thể hiện rõ động lực học tập, định hướng tương lai và quan trọng nhất là sự phù hợp của em với chương trình mà mình đang theo đuổi.
Trước khi nộp hồ sơ vào khoa Open FIESTA, em dành thời gian tìm hiểu rất kỹ về chương trình đào tạo của khoa, cách tiếp cận giảng dạy, định hướng phát triển và cả những giá trị cốt lõi mà khoa hướng đến. Em đọc các bài giới thiệu chính thức từ trường, xem các video chia sẻ từ cựu sinh viên, cũng như tìm hiểu chi tiết về các môn học.
Khi đã hiểu sâu sắc về khoa, em bắt đầu tự đặt câu hỏi: "Nếu mình là hội đồng tuyển sinh, mình sẽ mong chờ điều gì ở một ứng viên?”. Từ đó, em không viết bài luận chỉ để kể lại những gì mình đã làm, mà cố gắng làm nổi bật những khía cạnh phù hợp nhất giữa năng lực, đam mê và định hướng đào tạo của chương trình. Em muốn người đọc nhìn thấy em như một hình mẫu mà họ đang tìm kiếm, là một sinh viên có nền tảng tư duy tốt, đã từng hành động vì cộng đồng, quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững và có khả năng vận dụng công nghệ để tạo ra giải pháp thực tế.
Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tư duy đặt mình vào vị trí người đọc đã giúp Ngọc Ánh xây dựng được một bài luận không chỉ thuyết phục mà còn mang đậm dấu ấn cá nhân. Bên cạnh đó em cũng nhắn nhủ rằng: “Để có thể bước vào một môi trường học thuật lớn như Đại học Thanh Hoa, thì sự hiểu mình – hiểu người – và hiểu ngành học là những yếu tố then chốt để thể hiện giá trị của bản thân một cách rõ ràng, đầy thuyết phục”.

Có lẽ sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng, dù hiện tại Ngọc Ánh đã giành được học bổng và đang theo đuổi con đường học tập một cách nghiêm túc và có định hướng rõ ràng. Thế nhưng trước đây, em lại là người không thực sự có nhiều hứng thú với việc học tập.
Theo chia sẻ của nữ sinh, ở những năm học trung học phổ thông, em từng không cảm thấy nhiều hứng thú với việc học. Khi ấy, em nhìn nhận việc học đơn thuần là một cuộc chạy đua điểm số – nơi thành tích và xếp hạng được xem như thước đo duy nhất, còn quá trình học tập thực chất lại ít được chú ý hay trân trọng.
Sự áp lực vô hình cùng tính khuôn mẫu trong môi trường học đường khiến em cảm thấy ngột ngạt. Em không thấy mình đang học để khám phá tri thức hay phát triển bản thân, mà chỉ đang cố gắng không bị tụt lại phía sau.
Thế nhưng, một bước ngoặt lớn đã đến khi em tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Qua những chuyến đi đến vùng sâu vùng xa, những buổi phát cơm cho người vô gia cư hay quyên góp áo ấm mùa đông, em có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh kém may mắn.
“Lúc đầu, em nghĩ rằng mang đến cho họ một bữa ăn, một chiếc áo hay một món quà là đã đủ. Nhưng rồi em nhận ra dù chân thành đến đâu, những sự giúp đỡ ấy cũng chỉ mang tính tạm thời. Ngày hôm sau, họ vẫn phải quay về với vòng luẩn quẩn của thiếu thốn, của bất công và cơ hội bị giới hạn”, nữ sinh chia sẻ.
Từ đó, Ánh bắt đầu suy nghĩ sâu sắc hơn về nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề xã hội mà em chứng kiến. Và em nhận ra chìa khóa nằm ở giáo dục. Chỉ khi con người có tri thức và cơ hội học tập, họ mới thật sự có thể thay đổi cuộc đời mình một cách bền vững.
Chính nhận thức ấy đã giúp em xác định ước mơ lâu dài của mình là trở thành một giảng viên – người có thể truyền cảm hứng và kiến thức cho thế hệ sau. Tuy nhiên, em cũng biết rằng hành trình học vấn của mình không thể dừng lại ở bậc cử nhân, và việc theo học chương trình thạc sĩ tại một trường đại học quốc tế danh tiếng là điều kiện cần thiết.
Chính vì vậy, em đã không ngừng tìm hiểu về các trường đại học hàng đầu trên thế giới, và Đại học Thanh Hoa nơi có môi trường học thuật quốc tế và tinh thần đổi mới sáng tạo đã trở thành ngôi trường em đặc biệt yêu thích và khao khát được đặt chân đến.

Trên thực tế, hành trình để đạt được ước mơ vốn chưa bao giờ dễ dàng. Hiểu được điều đó, Ngọc Ánh đã phân nhỏ mục tiêu, lên kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn để từng bước chinh phục các mục tiêu một cách dễ dàng.
Theo đó, ngay từ khi còn là học sinh trung học, em đã chủ động tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, vừa để tích lũy trải nghiệm thực tế, vừa rèn luyện kỹ năng mềm – những hành trang quan trọng cho một công dân toàn cầu và là yếu tố giúp hồ sơ học bổng của em thêm phần phong phú.
Một trong những dấu ấn đáng nhớ trong hành trình ấy là việc em từng lọt vào Top 4 bán kết và hai lần giành giải “Người nói xuất sắc nhất” tại chương trình tranh biện “Trường Teen” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Đây không chỉ là sân chơi rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng trình bày và làm việc nhóm, mà còn là nơi em học cách lắng nghe và thấu hiểu nhiều quan điểm khác biệt – điều rất cần thiết trong ngành giáo dục mà em theo đuổi.
Bên cạnh đó, em còn là người sáng lập hai dự án thiện nguyện “Tết Yêu Thương” và “Heart To Heart – Hanoi to Hà Giang”, hướng đến việc hỗ trợ cộng đồng một cách thiết thực và bền vững. Em cũng từng tham gia chương trình podcast “Trà đá Mentor”, nơi em có cơ hội gặp gỡ và phỏng vấn các anh chị cố vấn nhiều kinh nghiệm. Từ đó học hỏi và chia sẻ những giá trị tích cực tới các bạn sinh viên khác.
Để xây dựng hành trang cho bản thân, Ánh quyết định theo học tại Trường Đại học CMC - một trong những trường đại học ứng dụng công nghệ, AI vào vận hành, giảng dạy tại Việt Nam. Theo chia sẻ của Ánh, Trường Đại học CMC đã giúp em có cơ hội phát triển, xây dựng thế mạnh đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI), nhờ đó mà em có thêm lợi thế khi ứng tuyển học bổng trao đổi tại Đại học Thanh Hoa.
Ngoài ra, nữ sinh cũng chia sẻ rằng đối với em, du học là cơ hội để học hỏi, mở mang tầm nhìn và tích lũy những kiến thức, kỹ năng quý giá từ những nền giáo dục tiên tiến. Em luôn mang trong mình một khát vọng mãnh liệt sau khi hoàn thành quá trình học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, em sẽ quay trở về và mang những tri thức, kinh nghiệm đó đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh kỷ nguyên mới, khi thế giới đang chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, sứ mệnh của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của quốc gia trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đối với Ngọc Ánh, thế hệ trẻ không chỉ là người thừa kế mà còn là những người tiên phong trong việc đổi mới và sáng tạo. Lực lượng này có trách nhiệm không chỉ tiếp thu tri thức, mà còn phải ứng dụng và sáng tạo ra những giải pháp đột phá để giải quyết những thách thức lớn mà xã hội và đất nước đang đối mặt.
Em cũng tin rằng chỉ khi thế hệ trẻ có cơ hội học hỏi và ứng dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn trong nước, thì chúng ta mới có thể vươn lên, xây dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai.
“Đối với những sinh viên du học, việc quay trở về không chỉ là sự kết nối với nguồn gốc mà còn là sứ mệnh, là trách nhiệm đối với đất nước đã nuôi dưỡng và trao cho em những cơ hội đầu tiên”, nữ sinh khẳng định.