Uống nước lá tía tô có giúp giảm tác dụng phụ sau tiêm vắc xin phòng Covid-19?

20/09/2021 10:42
Nguyễn Nhất
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tía tô là loại thực vật phổ biến tại Châu Á, trong đó có Việt Nam. Tía tô không chỉ là món rau gia vị dễ chế biến mà còn là cây thuốc Đông y dễ trồng.

Là loại thực vật có tính chất ấm, tía tô thường được trồng ở các vùng đất nhiều ánh sáng, độ ẩm tốt. Lá cây mang màu sắc tím, xanh, cũng có loại lá cây màu đỏ. Những chiếc lá được mọc đối xứng nhau, ở mép có hình răng cưa. Cây tía tô có hoa màu tím hoặc trắng mọc thành từng chùm ở ngọn. Loại thực vật này có quả màu nâu nhạt, hình cầu, kích thước nhỏ.

Để chế biến tía tô có rất nhiều cách, nhưng đơn giản nhất vẫn là rửa sạch rồi ăn như các loại rau sống khác, hoặc đun cùng nước uống. Hương vị của loại rau gia vị này được đánh giá là sự pha trộn giữa hồi hương, cam thảo, quế và bạc hà sát khuẩn. Chính vì thế nước tía tô tươi có vị dễ uống, thanh mát mà chứa nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Với công dụng hỗ trợ giải cảm lạnh, nên trong đợt tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 vừa qua, nhiều người dân mách nhau về việc uống nước lá tía tô trước và khi sau khi tiêm nhằm ngừa sốt và các phản ứng phụ sau tiêm.

Vậy lá tía tô có thực sự giúp các phản ứng phụ của vắc xin Covid-19 như nhiều người chia sẻ?

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số trao đổi của các chuyên gia, thầy thuốc về vấn đề trên.

Thầy thuốc ưu tú – Phó Giáo sư – Tiến sỹ Vũ Nam (Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) cho biết, lá tía tô là thuốc giải cảm, họ, cảm sốt… người dùng có thể nấu cháo hoặc nấu nước xông. Tuy nhiên, công dụng của nó về việc phòng ngừa tác dụng phụ của vắc xin Covid-19 chưa được cơ quan chuyên môn nào kiểm chứng.

Theo Phó Giáo sư Nam, sau khi tiêm vắc xin thì người dân phải nghiêm túc theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có các phản ứng phụ như sốt, đau nhức cơ thể… thì phải dùng thuốc hỗ trợ. Đặc biệt khi có các triệu chứng nguy hiểm, người tiêm vắc xin cần liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Vũ Nam, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.Phó Giáo sư - Tiến sỹ Vũ Nam, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.

Lãnh đạo Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương cho biết thêm, cách chữa bệnh cảm sốt, phong hàn cũng cần có bài thuốc chứ không phải uống mỗi loại lá tía tô là hết cảm sốt. Người ta có thể dùng kết hợp với lá kinh giới và các vị thuốc đông y khác.

Tía tô được y học cổ truyền xếp vào loại giải biểu, được hiểu là thuốc giải cảm được sử dụng để điều trị các triệu chứng ngoại cảm ở các giai đoạn đầu của bệnh. Có nhiều phương thức để người bệnh sử dụng như: nấu cháo hành cùng tía tô, vừa kích thích tiết dịch vị, vừa tác dụng tiết mồ hôi giải cảm; đun thật nóng nước lá tía tô rồi xông toàn thân … Nhưng cách thức phù hợp cho cả trẻ nhỏ và người lớn tuổi là đun nước lá tía tô và uống khi còn ấm nóng.

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Dương Thị Hồng (Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là hết sức bình thường, người dân chỉ cần ăn uống bình thường và uống nhiều nước hơn một chút thôi.

“Nếu có vấn đề gì về sức khỏe thì phải hỏi cán bộ y tế, không nên sử dụng nước lá tía tô”, Phó Giáo sư Hồng cho hay.

Cây tía tô.Cây tía tô.

Vị này cũng lưu ý, việc sử dụng lá tía tô có thể không giúp giảm phản ứng phụ mà lại có tác dụng ngược lại như khiến người dùng bị đau bụng, do lá nhiễm vi khuẩn không được rửa sạch.

“Nếu có dấu hiệu gì bất thường thì phải liên hệ ngay theo số điện nóng của Bộ Y tế để có xử lý kịp thời”, Phó Giáo sư Hồng chia sẻ.

Bên cạnh đó, sau khi tiêm chủng xong, người dân nên làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tự theo dõi sức khoẻ sau tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Cụ thể, đối với người đi tiêm chủng vắc xin Covid-19, Bộ Y tế có hướng dẫn thời gian tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

Bộ Y tế cũng lưu ý những người tiêm chủng vắc xin Covid-19 một số điểm:

Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có: Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.


Nguyễn Nhất