Từ ngày 09-10/8/2018, tại Thành phố Đà Nẵng diễn ra Hội nghị lần thứ 25 của Nhóm công tác dược phẩm thuộc Uỷ ban Tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng (ACCSQ-PPWG).
Việt Nam là nước đăng cai hội nghị năm nay, Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Trương Quốc Cường dự và phát biểu tại phiên khai mạc.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường phát biểu tại hội nghị. ảnh: moh.gov.vn |
Mặc dù các nước trong khu vực đã có nhiều nỗ lực và đã đạt được những thành quả nhất định, song trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thử thách, cụ thể:
1. Các nước ASEAN còn có những khác biệt đáng kể về thể chế, trong đó có hệ thống pháp luật, bao gồm pháp luật về dược;
2. Các thỏa thuận thương mại tự do mà mỗi nước thành viên đã ký kết với các nước và các khu vực khác trên thế giới đòi hỏi mỗi nước phải tuân thủ và chịu sự ràng buộc từ các cam kết đó ngoài các cam kết đã có trong nội khối ASEAN;
3. Sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức của các cơ quan quản lý dược của các nước và sự dịch chuyển rõ ràng và mạnh mẽ nguồn nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư nhân;
4. Nguồn lực hạn chế của chính phủ các nước dành cho việc duy trì các hoạt động hòa hợp và hội nhập.
Năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam là nước chủ nhà của Hội nghị Nhóm Công tác dược phẩm thuộc Ủy ban Tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng (ACCSQ-PPWG) lần thứ 11 tổ chức tại Hà Nội. Sau 12 năm, Việt Nam tiếp tục là nước chủ nhà của Hội nghị ACCSQ – PPWG lần thứ 25 tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.
Với tinh thần vì sự phát triển của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, Việt Nam cũng đã rất nỗ lực trong việc không ngừng tăng cường và phát triển ngành dược Việt Nam hướng tới hòa hợp ngày càng sâu, rộng hơn nữa với các nước trong khu vực và trên thế giới bằng rất nhiều hành động thiết thực như:
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với việc sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật dược năm 2016 và theo đó là xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn triển khai các nội dung trong Luật dược;
Đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm trực tuyến mức độ 4 đối với hoạt động đăng ký thuốc và kê khai, kê khai lại giá thuốc vào tháng 11 năm 2015 giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành, đồng thời tối đa hóa việc công khai các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan quản lý Nhà nước;
Tăng cường khả năng tiếp cận thuốc thông qua việc thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế vào tháng 12 năm 2016.
Trong bối cảnh giao thương giữa các nước ngày càng phát triển và mở rộng nên gần đây có nhiều loại dịch, bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện hoặc xuất hiện trở lại sau nhiều năm bị đẩy lùi hoặc khống chế, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường nguồn lực cho các hoạt động điều trị, Việt Nam đã chú trọng hơn, đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho các hoạt động y tế dự phòng.
Với những cố gắng không ngừng và với sự hỗ trợ quý báu của Tổ chức Y tế thế giới kể từ năm 2001, đến tháng 6 năm 2015, Bộ Y tế Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới chính thức công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong 3 năm qua, kể từ khi được Tổ chức Y tế thế giới công nhận, Bộ Y tế Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh, phát huy tốt các kết quả đã đạt được.
Việt Nam đã đầu tư thêm nhân lực và tài chính cho các đơn vị quản lý thuộc hệ thống và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất vắc xin với mục đích tăng cường năng lực cho các đơn vị này nhằm bảo đảm cung ứng đủ vắc xin có chất lượng tốt cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và hướng tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới.