Vấn đề này một lần nữa được nêu ra tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá với chủ đề "Thuốc lá và các bệnh về phổi".
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 70% số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu.
Con số này ở Việt Nam là 90%. Sử dụng thuốc lá còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, gây tàn phế và tử vong cho cả người hút thuốc và người hút thuốc thụ động.
Trên toàn cầu ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em tử vong trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động.
Hút thuốc lá là nguyên nhân bị nhiều chứng bệnh nguy hiểm. |
WHO mong muốn các chiến dịch truyền thông sẽ tăng cường nhận thức cho người dân về: Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe (từ các bệnh ung thư đến các bệnh hô hấp mãn tính), vai trò của lá phổi khỏe mạnh đối với sức khỏe con người, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, tăng cường sự quan tâm và thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá…
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDG) nhằm giảm một phần ba tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm gây ra vào năm 2030, phòng chống tác hại của thuốc lá cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và cộng đồng trên toàn thế giới.
Các quốc gia cần tăng cường phòng chống tác hại của thuốc lá thông qua việc thực hiện đầy đủ và mạnh mẽ các nội dung của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO bao gồm việc ban hành và tăng cường thực thi chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá.
Cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, cộng đồng cần thực hiện các biện pháp để thực hiện môi trường trong lành không có khói thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình và con cái, người thân của mình.
Hút thuốc lá gây nguy hiểm cho cả những người xung quanh. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế - ông Nguyễn Viết Tiến cho biết, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đang ngày càng được triển khai rộng khắp trên toàn quốc.
Tất cả các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động và treo biển cấm hút thuốc tại cơ quan, đơn vị, tổ chức lễ ký cam kết thực hiện xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến thay mặt Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá.
Bộ Y tế muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của bệnh tật do việc hút thuốc. Hãy cùng chung tay xây dựng “cuộc sống không khói thuốc” để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, gia đình và cộng đồng.
Thông thường chúng ta chỉ nói về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người sử dụng và cộng đồng, nhưng số liệu được công bố bởi Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá quốc gia (VINACOSH) khiến nhiều người giật mình: Sử dụng thuốc lá làm tăng gánh nặng kinh tế cho các quốc gia. Mỗi năm thuốc lá gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 200 tỷ USD.
Đồng thời tiêu thụ thuốc lá tỷ lệ thuận với chi phí y tế. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tại các nước có thu nhập cao chi phí chăm sóc sức khỏe do thuốc lá ước tính từ 6-15% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm.
Chi phí xã hội cũng theo đó mà tăng cao: Hàng năm Mỹ thiệt hại 170 tỷ USD, Trung Quốc 5 tỷ USD, Úc 21 tỷ USD … Nếu trong nhà có người nghiện thuốc lá, tổn hại kinh tế cho gia đình là rất rõ ràng.
Như vậy, ngoài việc gây tổn thất kinh tế ở cấp quốc gia như tăng chi phí chữa bệnh do hút thuốc gây ra; giảm năng suất lao động; gây cháy nổ hủy hoại môi trường... Hút thuốc lá gây lãng phí phần đáng kể nguồn ngân sách vốn đã rất eo hẹp của các gia đình nghèo.
Tại Việt Nam, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khoẻ do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội.
Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, Việt Nam có khoảng 15 triệu người hút thuốc.
Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47%, trung bình 2 nam giới có 1 người hút thuốc lá. 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc… Tỷ lệ người hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khoẻ và kinh tế của đất nước.
Trung bình mỗi năm, một người hút thuốc ở Việt Nam phải chi gần 700.000 đồng. Với 12 triệu người hút, mỗi năm có khoảng hơn 8.400 tỷ đồng tiêu tốn cho mặt hàng này.
Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23.000 tỷ đồng một năm.
Các tổn thất Việt Nam chưa tính được do sử dụng thuốc lá bao gồm chi phí điều trị các bệnh khác do thuốc lá gây ra.
Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con cái.
Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rẻ, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới còn rất cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của người dân còn hạn chế.
Một số tác hại phổ biến từ thuốc lá: 1. Lão hóa: Người hút thuốc trông có vẻ già hơn người không hút thuốc, bởi vì thuốc lá làm thay đổi da, răng và tóc. Thiếu oxy và các chất dinh dưỡng làm cho da bị tổn thương các chất collagen và elastin, khiến cho da bị nhão và xuất hiện đồi mồi. 2. Mất thị lực: Người hút thuốc có nguy cơ cao về vấn đề thị lực khi lớn tuổi, nguy cơ này cao gấp đôi so với người không hút. Hút thuốc làm tổn thương tế bào võng mô và làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa võng mô do tuổi tác. Hút thuốc còn gây ra chứng đục thủy tinh thể. Một công trình nghiên cứu trên 2.000 người đàn ông ở Mỹ trong độ tuổi từ 40 – 79 cho thấy những người hút thuốc lá hầu như đều bị rối loạn cường dương. 7. Mãn kinh sớm: Một công trình nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa phụ nữ hút thuốc và tình trạng mãn kinh sớm. Theo khảo sát cho thấy những người này mãn kinh sớm 1 năm so với bình thường. 8. Bệnh tim mạch: Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ. Người hút thuốc lá có nguy cơ bị các cơn đau tim cao gấp đôi so với người không hút. Hút thuốc gây tổn thương thành mạch máu. Một vài chất có trong thuốc lá giúp cho cholesterol "xấu" ở trong máu bám vào thành mạch. Điều này dẫn đến sự hình thành mảng xơ vữa, làm hẹp và gây tắc nghẽn mạch máu. Hẹp lòng mạch máu đưa đến cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Oxyd carbon có trong khói thuốc làm giảm nồng độ oxy trong máu, vì vậy tim phải đập nhanh hơn để có đủ oxy cung cấp cho cơ thể. Nicotin kích thích cơ thể sản sinh ra adrenalin và chất này làm cho tim đập nhanh hơn. Điều đó khiến cho huyết áp tăng lên và làm tăng gánh nặng cho tim. 9. Hút thuốc thụ động: Hút thuốc thụ động cũng gây tác hại cho mọi người, đặc biệt cho em bé và trẻ em. Những đối tượng này có nguy cơ cao về nhiễm trùng đường hô hấp, bị hen suyễn, ho dai dẳng và viêm tai giữa. Theo thống kê, hàng năm trên thế giới có khoảng 600 nghìn người tử vong do hút thuốc thụ động. |