Khi cơn bão đi qua
Vụ án cựu hiệu trưởng Sầm Đức Xương "cầm đầu" đường dây mua dâm học trò tại huyện Vị Xuyên năm 2009 đã từng là một cơn địa chấn nơi phố núi Hà Giang. Chín năm tù là cái giá phải trả cho những tội lỗi mà ông Xương gây ra đối với các nữ sinh của mình.
Vẫn còn đó những ì xèo, những lời đàm tiếu bên lề vụ án rằng ông Xương chỉ là "con tốt" bị "thí" để bảo toàn "lực lượng" cho những ai đó. Bàn tán thì vẫn bàn tán, vậy thôi, nhưng có lúc cũng khiến nhiều người suy ngẫm. Vốn dĩ cuộc đời là như vậy, nó là những vòng xoáy vô tận, bàn luận, kêu oan cũng chẳng thể thay được thực tế. Nhiều người cũng tự hỏi, không biết ba cái Tết đã qua, ông Xương trong trại sống ra sao?
Gặp bà Toán, sau những cơn bão tố từng gây khuynh đảo một thời, chúng tôi cảm nhận được sự cam chịu, sự bình thản đến lạ thường từ "phu nhân" cựu hiệu trưởng Sầm Đức Xương trong thời điểm hiện tại.
Chẳng có nỗi đau nào đau hơn khi bà Toán có chồng là cựu hiệu trưởng một thời được các đồng nghiệp quý mến, những học sinh kính trọng, nay phút chốc những danh vọng ấy tan biến theo mây khói. Họ miệt thị ông theo đúng nghĩa một kẻ dâm dục bệnh hoạn, tồi tệ.
Những cái nhìn khinh miệt từ đường, ra ngõ khiến bà Toán và các con trai của bà khổ sở, điêu đứng. Số phận bên lề bản án mà họ gánh chịu, thậm chí còn nghiệt ngã hơn cả kẻ ở chốn lao tù. Mặc dù, họ chẳng có tội tình gì. Ba năm qua, mẹ con đều nhẫn nhục, đạp lên dư luận để mà sống và làm việc.
Thời điểm này, cũng thật khó để gặp bà Toán như quãng thời gian trước. Hỏi ra thì mới biết, dạo này bà chạy đi, chạy lại chẳng khác gì con thoi, hết đi thăm chồng lại đi xem con cái học hành ra sao. Làm cái nghề hành chính tại một trường mầm non của huyện Vị Xuyên, lương bổng cũng chỉ tròm trèm bốn triệu đồng mỗi tháng.
Bà Toán lắc đầu ngao ngán: "Số tiền ấy chỉ đủ lo ăn học cho cậu con trai thứ hai tại Hà Nội, cộng thêm tiền chi tiêu lặt vặt trong gia đình. Chứ còn tiền thuốc thang, quà cáp cho ông Xương mỗi lần đi lên trại, tôi đều phải chạy vạy, vay mượn từ người thân".
Phu nhân Sầm Đức Xương trở lại với nụ cười cam chịu sau bão tố cuộc đời - Ảnh P.D.
Bà Toán nói, để chúng tôi đợi lâu là vừa đi cùng cậu con trai cả từ nơi bà công tác về. Hai mẹ con định bụng sẽ ra ngoài ăn tạm cái gì cho đỡ đói bụng. Năm nay cậu con trai cả của bà ra trường nhưng cũng chưa biết xin vào đâu để làm, nhất là những ì xèo, đàm tiếu của dư luận về gia đình bà khiến cu cậu biết bao lần điêu đứng.
Với những ai từng biết, từng tiếp xúc với bà Toán trong những ngày sự việc động trời xảy ra, mới cảm nhận được, đằng sau vẻ hiền lành, mộc mạc là một "tinh thần thép" không dễ gì có được ở một người phụ nữ. Song, khi cơn bão đi qua, thì giông tố vẫn nổi lên từng cơn trong căn nhà giờ còn mình bà đơn bóng. Giông tố của lòng người biết đến bao giờ nguôi?.
"Sao ước mơ giản dị của tôi cứ nặng trĩu nỗi buồn..."
Bên trong căn nhà bà Toán treo nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhưng tôi vẫn cảm thấy một không khí lạnh lẽo đơn độc. Bộ bàn ghế gỗ khá lâu rồi không có khách nên phủ một lớp bụi mỏng. Ban đầu nói chuyện, bà Toán tỏ ra khá thận trọng, tuy nhiên, khi nhận ra tôi đã có tới hai lần tham gia theo dõi phiên toà xét xử vụ án của chồng bà, nên bà Toán có vẻ cởi mở hơn nhiều. Có lẽ, đoán được chúng tôi định hỏi gì, nên vợ cựu hiệu trưởng cười gượng gạo: "Tôi và các con tôi chẳng làm gì nên tội...". Nghe bà nói, bỗng dưng, tôi thấy nhói trong lòng. Bà nói đúng, bà và các con bà thì làm gì nên tội mà bị người đời kỳ thị?
Gợi lại câu chuyện từ khi bà Toán và ông Xương quen biết nhau, tôi chợt thấy đôi mắt bà ánh lên một chút niềm vui. Bà Toán vẫn cười gượng, rồi nói: "Cuộc đời đúng chẳng khi nào phẳng lặng, tôi cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường, biết yêu thương chồng con, mơ ước một gia đình hạnh phúc. Ước mơ ấy nó giản dị nhưng sao đối với tôi nó xa vời và nặng trĩu nỗi buồn.
Bây giờ có nói gì, có làm gì cũng chẳng thể thay đổi được tình thế. Tôi chỉ mong chồng tôi mạnh khoẻ, cải tạo tốt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Nhưng cũng phải đến hơn bốn năm nữa đấy các chú ạ! Không biết năm tới ông nhà tôi có được giảm án hay không"?
Số phận lao lý của "thầy Xương"
Hai bàn tay đan vào nhau như cố giữ những ký ức đẹp đẽ trong cuộc sống vợ chồng, bà Toán tiếp lời: "Tôi không mê tín nhưng những điều tiên đoán về số phận tôi và gia đình dường như đã được báo trước".
Ngày đó, nghe tin chồng bà bị bắt giam vì liên quan đến đường dây "gái trinh" vốn là học trò của chính ông, bà hoàn toàn suy sụp. Trong tâm trí bà thời điểm ấy và đến tận bây giờ bà vẫn không dám tin vào sự thật nghiệt ngã này. "Chồng tôi phạm tội thì pháp luật đã xử phạt rồi, tôi chẳng dám kêu ai, trách ai. Tôi nào có bao giờ dám nghĩ cuộc đời tôi sẽ có lúc lại phải hứng chịu những điều tiếng khủng khiếp như vậy. Chỉ thương hai đứa con trai, chúng đi học mà ngẩng đầu lên cũng không dám". Thoáng chốc, bà Toán trở lại với tâm trạng u uất. Tiếng thở dài não nề lại làm cuộc trò chuyện chùng xuống.
Một điều sâu kín, mà có lẽ bà chưa từng bộc bạch, đó là ngay tại thời điểm chồng bị bắt giam để điều tra, lòng rối như tơ vò, ai nói gì cũng nghe, cũng làm theo, nên bà Toán đã mang một chiếc áo của... "thầy Xương" đến nhà một... ông "thầy bói" để nghe ông ta "phán" những tai ương của gia đình mình. Chúng tôi được nghe bà Toán kể lại.
"Khi tôi cầm chiếc áo của chồng tôi tới thì ông thầy này lắc đầu và nói: "Ông nhà bà nằm bất di bất dịch một chỗ, nhà cao cửa rộng nhưng lại không ở được. Ông ấy "căn cao" quá, phải gánh tội cho người khác". Tôi hoảng sợ lại mời thầy vào nhà, vừa thấy bát hương thờ cúng tổ tiên trên cao, ông thầy này lắc đầu lia lịa và bỏ đi. Nghe ông thầy nói, và những hành động của ông thầy này, tôi cứ giật mình thon thót. Ông thầy này ở xa làm sao biết hoàn cảnh gia đình tôi?. Tôi không mê tín nhưng cũng không thể không tin những điều ông ta nói", bà Toán thở dài ngao ngán.
Qua tìm hiểu được biết, "thầy Xương" trước đây gia đình sống tại thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, là con thứ hai trong gia đình. Người anh cả của ông Xương thì rượu chè, tính tình cũng "khác người", đến cô em thì cũng "ẩm ương" không kém.
Bà Toán chia sẻ: "Tôi biết chồng tôi vẫn còn mặc cảm với tội lỗi của mình gây ra, nhưng ông ấy phải cố gắng vì cái gia đình này. Mấy năm nay tôi và các con đã héo hon vì ông ấy và dư luận rồi".
Chúng tôi rời nhà phu nhân cựu hiệu trưởng Sầm Đức Xương khi đồng hồ điểm 23h đêm. Màn đêm đen kịt. Phía sau, bóng bà Toán hắt lên bức tường nhà mờ mờ, liêu xiêu dưới ánh đèn vàng đục...
(Còn nữa)