Tội phạm, không phải người hùng
Đến giờ, khi phiên sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã kết thúc, 8 bị cáo đều đã nhận được bản án của mình. Tuy nhiên, điều còn đọng lại sau phiên xét xử, không chỉ là bản án được tuyên ở mức nào?
Trở lại với ngày 20/5, khi phiên tòa được mở trở lại sau một lần phải tạm hoãn, Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là bầu Kiên) cùng 7 bị cáo khác ra trước vành móng ngựa. Theo dõi từ truyền thông, điều gây ngạc nhiên đầu tiên là thái độ của bị cáo Kiên luôn bình thản, thi thoảng mỉm cười khi nghe tòa luận tội.
Mặc dù, theo kết quả điều tra và quá trình xét xử tại tòa, bức tranh rõ nhất có thể nhận thấy là bầu Kiên cùng đồng phạm đã phạm phải nhiều tội như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái...
Tại phiên tòa, các tranh luận giữa luật sư và cơ quan hành pháp rất gay gắt, tất cả đều trập trung làm rõ xem bầu Kiên và các đồng phạm có phạm tội hay không? Tội gì? Phạm tội ở mức nào? Và, kết thúc, tất cả đều thấy, việc các bị cáo phạm tội là rõ, thậm chí còn có dấu hiệu đầu cơ, thao túng thị trường để trục lợi cá nhân, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nền kinh tế, cho xã hội nhưng chưa được tính đến.
Xét ra, đây là một vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, và với những tội trạng mắc phải, mức án 30 năm tù giam dành cho bầu Kiên, không phải là án nặng, mà đã có sự khoan hồng của pháp luật.
Tới đây, xin nói về sự bất thường trong một phiên tòa.
Không như lẽ thường, bầu Kiên luôn ra tòa trong tư thế thoải mái và chẳng mấy chốc, hình ảnh của ông này vụt sáng như một “người hùng”. Nhiều bài viết đã mô tả bầu Kiên trong tư thế đĩnh đạc, với các lập luận sắc bén, hùng biện sôi nổi và có ít nhiều thuyết phục; hình ảnh bầu Kiên càng “đáng nể” hơn khi có vợ đẹp, qua các hình ảnh được phát đi, nhiều khi trực tiếp từ phiên tòa cho thấy đó là vẻ đẹp ngiêng nước nghiêng thành, nổi bật trước đám đông?
Tất cả những chuyện ấy, sẽ là bình thường nếu xảy ra ngoài cuộc sống, với một người trong sạch, không vi phạm pháp luật chứ không phải ở phiên tòa.
Nhiều lúc, dư luận đã đặt câu hỏi, tại sao một số thông tin phát đi từ tòa lại có ý bênh vực cho bầu Kiên; chủ động xây dựng hình ảnh bầu Kiên như một “tấm gương” để học tập?
Theo nguyên tắc suy luận vô tội, việc chứng minh bị cáo không phạm tội là điều mà cả cơ quan xét xử và các luật sư đều phải làm. Nhưng, trước hết họ phải tuân thủ pháp luật; việc ấy phải được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ và các quy phạm pháp luật, không thể được căn cứ vào vẻ bên ngoài, hay dựa vào cảm tính.
Án nhẹ bất ngờ
Có thể ở một góc độ nào đó, một thời điểm nào đó, bầu Kiên là người làm kinh tế giỏi, nhưng điều đó sẽ là vô giá trị khi anh ta lách luật, vi phạm pháp luật để trục lợi, gây phương hại đến lợi ích của người khác, của xã hội thì đó đích thị là có tội.
Hành vi ấy, không thể được thông cảm, chứ nói gì đến được vinh danh.
Còn ở góc độ xã hội pháp quyền, khi bị cáo được vinh danh, thì công lý đã bị khinh thường.
Và đây, có thể chính là hậu quả của những việc làm trên, trong số 8 bị cáo của vụ án, có đến 5 bị cáo được hưởng mức án nhẹ hơn khá nhiều so với đề nghị của Viện kiểm sát. Đó là, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969): 5 năm tù giam, giảm so với đề nghị 7 đến 8 năm tù; Trần Ngọc Thanh (SN 1952): 5 năm 6 tháng tù giam, giảm so với đề nghị 9 đến 10 năm tù; Lý Xuân Hải (SN 1965): 8 năm tù và cấm đảm nhiệm các chức vụ ngân hàng trong 5 năm, giảm so với đề nghị từ 12 đến 14 năm tù; Trịnh Kim Quang (SN 1954): 4 năm tù giam, giảm so với mức đề nghị là 6 đến 7 năm tù; Lê Vũ Kỳ (SN 1956): 5 năm tù giam, giảm so với mức đề nghị từ 7 đến 8 năm tù.
Dựa theo quy định của pháp luật, phía tòa án đã căn cứ vào các chứng cứ, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để cuối cùng đi đến kết luận. Kết luận ở đây là mức án dành cho các bị cáo và quan điểm là phải đúng người, đúng tội, đảm bảo tính khoan hồng của pháp luật.
Tuy nhiên, ở vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, có đến 5 bị cáo được hưởng mức án nhẹ hơn so với đề nghị trước khi kết thúc phiên tòa đã gây nhiều hoài nghi.
Nhìn vào các chứng cứ để luận tội, một luật sư thuộc đoàn luật sư Hà Nội (đề nghị giấu tên) cho rằng, có tời 5 bị cáo được hưởng mức án nhẹ như trên là rất bất thường, và dư luận nghi ngờ là có cơ sở. Thậm chí, có bị cáo mức án được đề nghị còn nhẹ hơn cả khung hình phạt đã quy định.
Nguyên tắc suy luận vô tội là cần thiết, nhưng trước tòa, công lý phải được tôn trọng, và không vì nguyên tắc ấy mà làm giảm đi sự nghiêm minh của pháp luật. Cho nên, trong trường hợp này, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cấp quản lý cao hơn để làm rõ, vì sao có đến 5 bị cáo được hưởng mức án nhẹ? Có hay không sức ép ngoài pháp luật tác động đến kết quả này?