Trước phiên xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên, các luật sư bào chữa đã cùng ký đơn gửi TAND TP Hà Nội, Trại giam Bộ Công an đề nghị không xích chân với bị cáo. Luật sư Hoàng Đôn Hùng cho biết, pháp luật quy định biện pháp xích chân bị cáo trong quá trình dẫn giải được áp dụng khi cần thiết, đối với các bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ hung hãn, manh động.
Ông Hùng cũng nêu thí dụ từ phiên xử bị cáo Hồ Duy Trúc phạm tội cướp, chặt tay chân, bị kết án tử hình ở cả hai cấp xét xử cũng chỉ bị còng tay, không xích chân và được mặc thường phục.
Nguyễn Đức Kiên bị xích chân tại tòa. |
Đã có rất nhiều câu hỏi dư luận đặt ra, gây tranh cãi suốt từ phiên xử sơ thẩm tới nay: Vì sao Nguyễn Đức Kiên lại bị xích cả tay và chân dù không phải tội phạm đặc biệt nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của người xung quanh? Nguyễn Đức Kiên chống đối hay đã đắc tội gì với cán bộ của trại giam nên mới bị xích chân?
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Trịnh Hòa Bình – nhà nghiên cứu xã hội học cũng bày tỏ, ông khá bất ngờ khi bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị xích cả tay, chân, đi dép lê ra tòa.
PGS.Bình nhận định, việc bị cáo Kiên phải mang cả xiềng chân ra tòa là một hình ảnh không đẹp, thiếu chuyên nghiệp của lực lượng dẫn giải. Cách hành xử đó rất phản cảm và có thể sẽ gây ra phản ứng ngược trong dư luận.
“Tội của Nguyễn Đức Kiên (nếu có) thì chỉ ở khía cạnh kinh tế, người này không phạm tội hình sự, cũng không phải đối tượng nguy hiểm như những kẻ giết người hàng loạt hay khủng bố quốc tế, vì vậy việc xiềng cả chân lẫn tay là không cần thiết, nó tạo ra cảm giác cơ quan an ninh đã làm hơi quá. Việc bị cáo Kiên bị xiềng chân cũng là chuyện quá hiếm với những bị can trong các vụ án kinh tế, vì vậy nhiều người sẽ suy đoán rằng có thể bị cáo bị trả thù vặt”, PGS Bình nói.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - nhà nghiên cứu xã hội học. |
Cũng theo PGS Trịnh Hòa Bình, việc bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị xiềng chân cho thấy, những người chấp pháp đã đưa xúc cảm vào công việc, dẫn tới cách hành xử thiếu chuyên nghiệp.
“Đã là cán bộ ở cơ quan chấp pháp thì bao giờ cũng cần một sự chuẩn mực, sự ngay thẳng, trong đó các quy phạm pháp luật, các chế định phải được chuẩn hóa. Chúng ta đang hướng tới việc xây dựng một đất nước pháp quyền, ở đó mọi người dân đều được đảm bảo sự công bằng trước pháp luật. Một khi bản án chưa có hiệu lực thì chưa thể khẳng định người ta có tội, cái này trong luật đã quy định rồi. Hơn nữa, hình ảnh bị cáo với một dáng người nhỏ bé đứng xung quanh có rất nhiều cảnh sát bảo vệ, lại còn bị xiềng xích quá thể như thế thì rất không nên”, PGS Bình bày tỏ.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng đưa ra so sánh: “Cùng thời gian vừa qua, vụ xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm, người ta sẽ nhìn thấy một cách ứng xử khác. Bị cáo Dũng ra trước tòa không còn phải đeo còng tay, được mặc một bộ đồ lịch sự, đi dày đen chứ không phải dép lê. So sánh thì vô cùng, nhưng dư luận sẽ nhìn thấy ngay hai hình ảnh đối lập ở hai vụ án kinh tế được xử cùng thời điểm. Tôi nghĩ rằng, quân pháp bất vị thân, người ta không nên đưa những xúc cảm cá nhân vào những việc như thế này, không nên tạo ra sự nghi ngờ trong dư luận”.