Xu thế mua vũ khí tiên tiến cho hải-không quân của các nước châu Á

06/03/2012 12:26
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)
(GDVN) - Trung Quốc có thể được coi là “đối thủ mạnh” trên biển, góp phần làm cho các nước châu Á có xu thế tăng cường trang bị cho hải-không quân.
Máy bay F-35 Mỹ tại Triển lãm Hàng không Singapore 2012.
Máy bay F-35 Mỹ tại Triển lãm Hàng không Singapore 2012.

Ngày 19/2/2011, tuần Triển lãm Hàng không và Quốc phòng Singapore khép lại. Báo giới gọi cuộc triển lãm năm nay là “chợ lớn náo nhiệt”.

Chi tiêu quốc phòng của các nước châu Á tăng nhanh khiến cho họ thích thú hơn vung tiền mua vũ khí trên thị trường quốc tế, hoạt động mua bán các trang bị hải-không quân như máy bay chiến đấu, radar tầm xa, tàu ngầm… sôi động hơn hẳn năm 2011.

Trung Quốc được cho là đối thủ mạnh

Theo hãng Reuters, tại Triển lãm Hàng không Singapore năm nay, ở khắp nơi có thể nhìn thấy các nhà sản xuất vũ khí vồn vã mời chào các khách hàng tiềm năng, bất chấp không khí oi bức, ngột ngạt, chăm chú tham quan các loại máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay vận tải tiên tiến tại khu vực trưng bày máy bay.

Trong một khu trưng bày máy bay lớn và có điều hòa ở khu vực lân cận, trưng bày toàn radar tiên tiến và trang bị tác chiến điện tử, giao dịch hệ thống tên lửa cũng được thực hiện tại đây.

Máy bay chiến đấu JF-17 tại Triển lãm Singapore.
Máy bay chiến đấu JF-17 tại Triển lãm Singapore.

Các nhà quan sát quốc phòng phát hiện, sự quan tâm của người mua đang từ vũ khí trên bộ như xe tăng, súng, pháo chuyển sang máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra trên biển, radar, thậm chí tàu ngầm.

Có thể phán đoán, mối lo ngại của rất nhiều nước châu Á đối với nước láng giềng trong lục địa (đất liền) giảm xuống, chuyển sang quan tâm nhiều hơn tới nhu cầu điều động binh lực vượt biển. Vai trò “đối thủ mạnh” của Trung Quốc là một bí mật được hiểu ngầm.

Andrew Davis – người phụ trách chương trình của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia cho biết: “Không gian cạnh tranh của châu Á là hải dương (biển), đặc biệt là biển Đông, chứ không phải là Ấn Độ-Pakistan và bán đảo Triều Tiên… Khu vực quan trọng mà các nước lo ngại là ở trên biển, đặc biệt là tuyến đường vận chuyển năng lượng”.

Gần đây, Công ty Dự báo Deschamps – Tập đoàn Thông tin Jane’s (IHS) cho biết, đến năm 2015, chi tiêu cho máy bay quân sự của Đông Á sẽ từ 15,9 tỷ USD trong năm nay tăng mạnh lên 24,3 tỷ USD;

chi tiêu cho vũ khí trên bộ truyền thống và lục quân sẽ tăng chậm lại, chỉ từ 11,2 tỷ USD tăng lên 13,1 tỷ USD; chi tiêu cho hải quân rất có thể giữ bình thường, vẫn duy trì ở mức 12 tỷ USD, nhưng chi tiêu cho tàu ngầm sẽ từ 2,5 tỷ USD tăng lên 3,1 tỷ USD.

Đối tượng dự đoán của IHS bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Họ cho rằng, trong 3 năm tới, tất cả các nước châu Á chủ yếu đều sẽ tăng chi tiêu quân sự, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng từ 119,8 tỷ USD năm 2011 lên 238,2 tỷ USD, mỗi năm tăng 18,75%.

Đương nhiên, con số này vẫn thua kém rất nhiều so với ngân sách quốc phòng năm 2013 của Mỹ (525,4 tỷ USD).

Mô hình máy bay trực thăng Trung Quốc tại Triển lãm Hàng không Singapore 2012
Mô hình máy bay trực thăng Trung Quốc tại Triển lãm Hàng không Singapore 2012

Còn chưa được coi là cuộc chạy đua vũ trang thực sự

Mặc dù chi tiêu quân sự của các nước tăng mạnh, nhưng cũng có phân tích cho rằng, lấy điều này định tính thành chạy đua vũ trang là vẫn còn sớm.

Do tình hình kinh tế nói chung tốt đẹp, tỷ lệ chi tiêu quân sự của phần lớn các nước trong GDP ngược lại đang giảm đi.

Nhưng dù thế nào, định mức dùng để mua vũ khí từ nước ngoài luôn tăng lên ổn định, rốt cuộc là lợi ích to lớn được rất nhiều nhà sản xuất vũ khí phương Tây mong đợi.

Trên phương diện này, tầm nhìn của Công ty Lockheed Martin Mỹ và Công ty Boeing trùng hợp một cách tình cờ.

Có nguồn tin cho biết, doanh thu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai có triển vọng chiếm trên 40% tổng doanh thu quốc tế của họ.

Hàng hóa mà Công ty Boeing cung cấp khá phong phú, từ máy bay, tàu thuyền, tàu ngầm cho đến radar, tàu hộ tống, vệ tinh và thiết bị điện tử hàng không. Trong đó, hai loại máy bay chính F-35 của Công ty Lockheed Martin và F/A-18 của Boeing chỉ riêng đơn giá đã lên tới 9 con số.

Nói cụ thể, Hàn Quốc có thể mua 60 máy bay chiến đấu trong năm nay,  Malaysia cũng đang bắt đầu thảo luận hợp đồng mua 24 chiếc. Đầu tháng này, Công ty Dassault Pháp đã giành được đơn đặt hàng 126 máy bay chiến đấu của New Delhi.

Mô hình máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc tại Triển lãm.
Mô hình máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc tại Triển lãm.

Hãng Lockheed Martin còn chào bán với các nước châu Á hệ thống phòng không Aegis trang bị cho tàu chiến, sonar và thiết bị liên lạc vệ tinh, Công ty Boeing thì có kế hoạch bán máy bay trực thăng vũ trang AH-64 và máy bay tuần tra trên biển P-8, số lượng của máy bay tuần tra trên biển có triển vọng vượt 100 chiếc trong 3-5 năm tới.

Ngoài nhu cầu thực tế còn có yếu tố thể diện

Các nước châu Á mong muốn mua sắm hệ thống vũ khí tiên tiến, không chỉ để đáp ứng nhu cầu thực tế, mà còn có yếu tố thể diện.

Andrew Davis cho rằng: “Các nước ở khu vực này ngày càng thịnh vượng, có nhiều tiền hơn dùng cho quốc phòng, quan niệm định hướng cũng đang thay đổi”.

Theo ông, sức hút của máy bay có tính năng cao và vũ khí trên biển ngày càng lớn, “mặc dù tìm không được mối đe dọa thông thường, họ cũng muốn mua vũ khí tiên tiến, nói chung, có được một lực lượng với trang bị hoàn hảo được coi là tiêu chí của một nước thành công”.

Mô hình máy bay chiến đấu Trung Quốc.
Mô hình máy bay chiến đấu Trung Quốc.

Trung Quốc là cường quốc quân sự số 1 châu Á, nhưng vũ khí trang bị của họ phần lớn là tự cung tự cấp, chi tiêu mua sắm trên thị trường vũ khí quốc tế còn xa mới bằng Ấn Độ.

Ấn Độ dự định bỏ ra 100 tỷ USD để mua vũ khí trong 10 năm tới, đương nhiên sẽ gây ra căng thẳng cho các nước láng giềng Nam Á khác, trong đó có Pakistan.

Điều gây hứng thú cho những người khổng lồ công nghiệp quân sự là, Ấn Độ đối mặt với nhiều nhu cầu quốc phòng: trấn áp các cuộc nổi loạn trong nước, xung đột biên giới với Pakistan, xung đột ở khu vực Himalaya và xây dựng một lực lượng hải quân tầm xa…

Theo quan điểm của Davis, Trung Quốc và Ấn Độ “không thích thú gì nhau”, lại đều muốn chuyển từ lực lượng trên bộ “chân ngắn” sang lực lượng có tính cơ động chiến lược hơn, cũng đều có tham vọng xây dựng lực lượng hải quân có tính toàn cầu, triển khai tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay.

Đông Bình (Theo báo Quang Minh)