Chăm sóc tốt ngay tại cơ sở
Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, địa bàn tương đối rộng, với 18 xã, trong đó có 15 xã đặc biệt khó khăn.
Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, nhờ việc luân chuyển bác sĩ từ tuyến trên xuống tuyến cơ sở đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cho Trung tâm Y tế của huyện Phong Thổ.
Bác sĩ trẻ khám bệnh cho đồng bào biên giới. (Ảnh: CT) |
Theo bác sĩ Đồng Xuân Linh - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, việc đưa các bác sĩ tuyến trên về phục vụ tại y tế cơ sở đã giúp trung tâm y tế huyện triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới trong công tác chăm sóc, điều trị cho trẻ em trên địa bàn.
Công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ.
cũng chính nhờ sự chuyển mình này, nhiều ca bệnh vốn trước kia buộc phải chuyển lên tuyến trên thì nay được điều trị tốt tại cơ sở.
Bác sĩ Tống Văn Chiên, cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho biết, đối với địa bàn huyện Phong Thổ, đa phần người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Những bức tâm thư trào nước mắt khi vượt qua ranh giới giữa sự sống và cái chết |
Vì vậy, cán bộ y tế xã thường xuyên tăng cường xuống các bản để truyền thông về một số chương trình mục tiêu y tế quốc gia như:
Lợi ích của tiêm chủng mở rộng; lợi ích của khám thai, chăm sóc sau sinh và một số bệnh truyền nhiễm…
Nhờ công tác truyền thông, nhân dân đã tự giác đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh, không như trước kia cán bộ y tế phải xuống tận cơ sở để vận động khám chữa bệnh.
Bác sĩ Chiên cũng chia sẻ, cái khó khăn nhất của tuyến y tế cơ sở vẫn là con người bởi theo thông tư mới của Bộ Y tế, các Y sĩ, Y tá, bác sĩ mới ra trường không được phép ký các giấy tờ bệnh án nên hệ thống y tế cơ sở rất cần những bác sĩ tăng cường xuống cơ sở.
Để án Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới, Bệnh viên Đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La) cũng đã cử 2 bác sỹ luân phiên hỗ trợ chuyên môn tại 2 Trạm Y tế xã Quy Hướng và Mường Sang.
Các bác sỹ được tăng cường trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã triển khai xây dựng kế hoạch và thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; đồng thời, đào tạo tại chỗ cho cán bộ y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cũng như thái độ phục vụ nhân dân.
Việc điều chuyển bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật y tế góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho công tác khám, chữa bệnh.
Hướng về cơ sở - giảm tải bệnh viện
Theo thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến nay đã có gần 9.000 lượt cán bộ đi hỗ trợ tuyến dưới, chuyển giao 4.689 kỹ thuật và hầu hết các kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt, bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật.
Trực tiếp khám chữa bệnh cho gần 5 triệu người bệnh và thực hiện gần 2.000 ca phẫu thuật, cứu sống hàng ngàn người mắc bệnh hiểm nghèo (nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao).
Bên cạnh đó, kể từ khi triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh đã có 14 bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật khó như can thiệp tim hở, can thiệp mạch vành... cho các bệnh viện tuyến tỉnh, giúp người dân yên tâm hơn khi khám chữa bệnh tại địa phương.
Đây cũng là hoạt động giúp giảm đáng kể luồng bệnh nhân đổ về tuyến cuối, giảm quá tải bệnh viện một số chuyên khoa như ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản nhi...
Tính đến nay, Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2018 đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh.
Việc thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh tại cơ sở giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên. (Ảnh: Y Tế Điện Biên) |
Hiện đã có 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.
Nói về việc đưa bác sĩ tuyến trên về cơ sở, Bác sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh Nhi Trung ương, cho biết, chúng tôi đặt mục tiêu và quyết tâm sẽ phối hợp để hỗ trợ, xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tốt ngay tại địa phương, giúp các em được chăm sóc sức khỏe như tuyến Trung ương.
Theo đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tập trung công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện đề án 1816, đề án Bệnh viện vệ tinh và đề án 585 góp phần nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở.
Đề án 585 đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa… lần đầu tiên Bộ Y tế phát động có 7 bác sĩ được đào tạo, trong đó Bệnh viện Nhi Trung ương có 5 bác sĩ.
Không chỉ dừng lại phát triển ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà bệnh viện vệ tinh còn được thực hiện ở nhiều bệnh viện tuyến huyện như Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương, Lào Cai; bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường...
Thực tế từ địa phương cho thấy, nếu các Bệnh viên, trung tâm Y tế cơ sở được chuyển giao kỹ thuật cấp cứu và được hỗ trợ để xây dựng y hiệu tốt, tạo niềm tin cho người dân tránh được sự quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.