Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội cho biết: "Ông này (ý nói ông Phạm Văn Luật, Chủ tịch Hội Người mù huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội -PV) là thầy kiện. Anh em dưới đó làm rất cẩn thận. Đây là tố cáo sai sự thật".
Ông Mỹ cho biết thêm: "Ông ấy tố cáo việc tôi ký quyết định thu hồi đất của Hội Người mù là sai, vì đây là đất nằm trong phạm vi mà UBND tỉnh Hà Tây thu hồi từ năm 2002. Sau đó, năm 2003, Ban giải phóng mặt bằng đã yêu cầu ông Luật bàn giao rồi...".
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội. Ảnh Hải Ninh |
Nói về việc thu hồi đất của người mù để chia cho cán bộ làm nhà ở, ông Mỹ thừa nhận có nhưng ông giải thích: "Vào năm 2002, vẫn còn chủ trương cấp đất có thu tiền theo giá Nhà nước cho cán bộ công nhân viên, trong đó có khu đất của Hội người mù. Lúc này, UBND huyện mới họp lại yêu cầu ông Luật phải bàn giao, ông ấy cũng ký bàn giao...".
Nói về việc tuyển dụng ồ ạt 200 người vào bộ máy hành chính, ông Mỹ giải thích: "Tuyển dụng nó khác, hợp đồng nó khác. Tôi là tôi ký hợp đồng lao động. Vào đầu năm học mới năm 2013 – 2014, các nhà trường đề nghị tuyển cô nuôi… nên tôi giao cho Phòng Giáo dục, Tổ chức, Nội vụ rà soát đề xuất lên… khoảng hơn 200 trường hợp.
Tôi chỉ ký 70 hợp đồng, còn lại là Phó chủ tịch ký. Còn tuyển dụng là cả hội đồng, theo Luật Công chức, Viên chức chứ, tôi sao đủ thẩm quyền tuyển dụng. Không phải 200 suất, mà kể cả tôi ký 300 suất cũng không sao cả...".
Ông Phạm Văn Luật, Chủ tịch Hội Người mù huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội). Ảnh Hải Ninh |
Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, trong đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, ông Phạm Văn Luật, Chủ tịch Hội Người mù huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) cho rằng:
Trong thời kỳ đảm nhận vị trí Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên (2007 – 2013) ông Chu Phú Mỹ (hiện là Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hà Nội) đã nhiều vi phạm nghiêm trọng, tuy nhiều lần gửi đơn tố cáo nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có văn bản trả lời cho ông.
Ông Luật cho biết: Năm 1997, Hội Người mù Phú Xuyên thành lập dự án cơ sở dạy nghề và sản xuất trong khuôn viên đất của Hội diện tích hơn 200m2. Cơ sở này đã giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động đều là người khuyết tật và thương binh nặng.
Tuy nhiên, đến tháng 01/2011, UBND huyện Phú Xuyên lấy lý do quy hoạch hạ tầng khu dân cư đã tổ chức đưa máy móc đến cưỡng chế thu hồi khu đất nói trên.
Điều đáng nói, UBND huyện Phú Xuyên đã không có quyết định thu hồi, không phê duyệt phương án đền bù… Sau khi thu hồi, UBND huyện Phú Xuyên lại chia lô phân nền mảnh đất này cho lãnh đạo huyện làm nhà ở.
“Việc làm sai trái, gây thiệt hại cho với Hội Người mù là do sự chỉ đạo của ông Chu Phú Mỹ, Chủ tịch UBND huyện”, ông Luật cho biết.
Nội dung thứ 2, ông Luật cho biết, với cương vị là Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên nhưng ông Chu Phú Mỹ đã buông lỏng quản lý, bao che, dung túng hàng loạt sai phạm về đất đai giai đoạn từ năm 2010 – 2013.
Cụ thể, năm 2009, ông Mỹ đã ký Kết luận nhưng không xử lý về hàng loạt sai phạm của lãnh đạo UBND xã Sơn Hà trong việc bán đất trái thẩm quyền cho 450 hộ thu gần 5 tỷ đồng và không đưa vào ngân sách.
Tương tự, hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại các xã Hoàng Long, Tri Phương, Hồng Minh từ năm 2010 nhưng theo ông Luật, ông Mỹ đã “làm ngơ”. Vụ việc sau đó vỡ lỡ, Công an Thành phố vào cuộc và xử lý hình sự các đối tượng trên nhưng hậu quả nặng nề chưa thể khắc phục.
Ông Luật còn tố ông Mỹ “làm ngơ, dung túng” khiến hàng chục nghìn m2 đất bị lấn chiếm như: Khu đầm vực thị trấn Phú Xuyên bị lấn chiếm 30.000m2; khu ao sông liên doanh xã Phúc Tiến bị lấn chiếm 5.000m2; khu Kiều Đoài xã Đại Xuyên bị lấn chiếm khoảng 10.000m2; khu dân cư xã Châu Can bị lấn chiếm khoảng 50.000m2; Tỉnh lộ 428 tại xã Phúc Tiến bị hơn 200 hộ lấn chiếm hành lang an toàn giao thông diện tích khoảng 400.000m2, hiện 120 hộ đã xây nhà kiên cố…
Nội dung thứ 3, ông Luật tố cáo ông Chu Phú Mỹ trước khi rời cương vị Chủ tịch UBND huyện 05 ngày để nhậm chức Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã ký tuyển dụng gần 200 người.
Cụ thể, tháng 12/2013, trong 05 ngày, ông Mỹ đã ký tuyển dụng gần 200 người vào các trường học và các cơ quan khác của huyện. Trước đó, ông Mỹ còn bị tố cáo ký hợp đồng trái quy định từ năm 2012 đến tháng 12/2013 với số lượng trên 800 người, trong đó khoảng 700 người có nguy cơ mất việc.
Nội dung thứ 4, ông Luật còn tố cáo ông Mỹ đã vi phạm chủ trương, kế hoạch về dồn điền đổi thửa. Cụ thể, ông Mỹ đã ký phê duyệt trên 300 dự án thủy lợi nội đồng với số lượng gần 14 triệu m3 đất với số tiền trên 300 tỷ đồng. Việc làm này trái với quy định của Chính phủ về bố trí nguồn vốn nên nhiều công trình thi công xong từ năm 2012 nhưng đến nay chưa thể quyết toán được.
“Ông Mỹ chỉ chạy theo thành tích để được khen thưởng và lên chức, báo cáo không trung thực với cấp trên về nhiều nội dung”, ông Luật viết trong đơn.
Theo nguồn tin phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 19/10/2015, UBND huyện Phú Xuyên đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Luật về một số nội dung liên quan đến đơn tố cáo nêu trên.
Về đơn tố cáo ông Chu Phú Mỹ, UBND huyện Phú Xuyên cho biết: “Đơn đã được cơ quan pháp luật tiếp nhận, việc giải quyết đơn thư tố cáo phải thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, UBND huyện Phú Xuyên cũng có 01 yêu cầu "vô lý" và trái luật Khiếu nại, Tố cáo là: Các thông tin ông Luật viết trong đơn tố cáo khi gửi cho cơ quan báo chí phải được… thẩm định qua Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách Văn xã (?!).
Như vậy, hiện đơn tố cáo của ông Luật đã được cơ quan chức năng thụ lý nhưng hiện nay vẫn chưa chưa có kết quả giải quyết.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.