Cột đá khổng lồ
Ông Lê Viết Nga – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh bật mí về một bảo vật quý hiếm mà ông và các nhà khoa học trên khắp cả nước đang đau đầu nghiên cứu, tìm hiểu để đưa ra một lời giải hợp lý nhất. Đó chính là cột đá khổng lồ ngự trị trên đỉnh núi Dạm, bên cạnh ngôi chùa Dạm cổ kính đất Kinh Bắc thuộc xã Nam Sơn (TP. Bắc Ninh).
Toàn cảnh cột đá Cao Biền. Ảnh: Văn Phan |
Khi chúng tôi có mặt dưới chân núi Dạm đã thấy cột đá khổng lồ sừng sững trên đỉnh núi. Càng tiến lại gần, mọi người càng kinh ngạc trước khối đá to lớn ước lượng trên 50 tấn mà người xưa không biết bằng cách nào, đã đưa lên núi Dạm thành công.
Theo tư liệu còn sót lại, chùa Dạm vốn là ngôi chùa cổ hàng nghìn năm tuổi. Trước đây, ngôi chùa có hàng trăm gian làm bằng gỗ lim nhưng trong thời kỳ chiến tranh đã bị đốt sạch. Quân Pháp thậm chí còn đánh phá cả phần mái che của cột đá nhưng không dám phá cột đá ấy đi.
Hình lưỡng long chầu nguyệt phía trên cột đá. Ảnh: Văn Phan |
Câu chuyện cứ thế chìm vào quên lãng. Chùa Dạm sau bao nhiêu năm cũng trở thành phế tích sau lớp đất đá. Mãi đến năm 2012, Viện khảo cổ mới tiến hành khảo sát và thực hiện khai quật cho đến ngày nay. Nhiều hiện vật quý và kỳ lạ dần được bóc tách sau những lớp đất sâu của chùa Dạm. Nhưng có thể nói, cột đá khổng lồ vẫn là tâm điểm chú ý và bàn luận. Nhưng cũng là hiện vật có nhiều giả thuyết và khó lý giải nhất.
Những giả thuyết khác nhau
Hoà thượng Thích Thanh Dũng, trụ trì chùa Hàm Long kiêm chùa Dạm cho biết: “Cột đá khổng lồ có rất nhiều giả thuyết khác nhau mà cho đến nay chưa có một kết luận thuyết phục chính xác”.
Có giả thuyết cho rằng cột đá là hình Linga. Ảnh: Văn Phan |
Một trong những giả thuyết ấy cho rằng, đây là cột đá trấn yểm của Cao Biền. Người dân địa phương tin rằng, vùng đất Nam Sơn quanh núi Dạm vốn là đất phát vương, lại có địa thế đẹp tựa rồng cuộn hổ ngồi. Cao Biền vì sợ nước Nam sẽ sinh nhân kiệt nên sai người dùng cột đá ấy trấn yểm triệt tiêu huyệt khí.
Tuy nhiên, số đông các nhà khoa học bác bỏ giả thuyết ấy và cho rằng cột đá là một công trình kiến trúc chứ không liên quan đến việc trấn yểm của người Tàu. TS Lê Đình Phụng, Viện khảo cổ cho rằng: “Cột đá gần giống với trụ đỡ của một kiến trúc nào đó mà chúng ta có thể liên hệ với chùa Một Cột. Bởi vua Lý Thánh Tông đã xây chùa Một Cột sau giấc mơ hoa sen, và người con của ông là vua Lý Nhân Tông cũng có thể dựng một ngôi chùa theo phiên bản trên núi Dạm”.
Nền chùa Dạm đang khai quật. Ảnh: Văn Phan |
Giả thuyết của TS Lê Đình Phụng có vẻ hợp lý nhưng câu hỏi đặt ra là “ngôi chùa phiên bản” ấy đâu? Một cột đá không thể chứng minh là cột trụ của ngôi chùa mà vua Lý Nhân Tông muốn xây dựng.
Trong khi đó, giả thuyết tiếp theo được đưa ra về cột đá khổng lồ này là một cái Linga theo văn hoá Chămpa. Nhìn hình dáng bề ngoài thì cột đá này khá giống biểu tượng Linga mà các đền phía Nam hay tôn thờ. Nhưng giả thuyết này cũng bị bác bỏ vì những hình rồng phượng và các lỗ vuông có trên cột đá chứng minh cột đá không phải là Linga.
Ai làm ra cột đá?
Ông Lê Viết Nga bày tỏ, rất nhiều giả thuyết khác nhau nhằm chứng minh về cột đá nhưng không thoả đáng. Vậy, cứ tạm thời dẹp sang một bên câu hỏi việc cột đá là gì mà hãy chú ý tới việc cột đá do ai làm và làm thế nào để có thể đưa lên đỉnh núi Dạm.
Theo quan sát của chúng tôi cũng như ước lượng của các nhà nghiên cứu thì cột đá nặng trên 50 tấn. Khối hộp vuông phía dưới cột có tiết diện 1,4m và 1,6m. Phần tròn phá trên thu nhỏ hơn một chút và có đường kính gần 1,3m.
Bia Hậu Lê ghi lại lịch sử chùa Dạm. Ảnh: Văn Phan |
Điểm gây chú ý nhất là phần tròn và cũng là của toàn bộ cột đá này chính là tác phẩm điêu khắc rồng đá theo phong cách thời Lý. Thời Trần, Lê sau này điêu khắc rồng mang tính cách điệu cao hơn nhưng thời Lý hình rồng rất chi tiết, tỉ mỉ. Đôi rồng với vuốt 5 móng sắc nhọn, bờm thành búi, thân giống rắn quấn chặt cột đá, đuôi ngoắc vào nhau, miệng ngậm ngọc, đầu vươn cao tạo thành cặp lưỡng long chầu nguyệt.
Phía trên cột đá có tổng 6 lỗ hình chữ nhật và một số lỗ nhỏ không xác định. Chính những lỗ hình chữ nhật này đã khiến các nhà khoa học tin rằng, đó là các dầm chịu lực để xây dựng chùa một cột.
Ông Nga đặt câu hỏi, hàng ngàn năm trước với công cụ thô sơ thì làm cách nào để người ta đưa cột đá nặng 50 tấn lên tới đỉnh núi Dạm. Chúng tôi có tham vấn ý kiến của nhà nghiên cứu văn hoá Hán Nôm Nguyễn Khắc Bảo, ông Bảo cho rằng: “Chỉ cần xem hoa văn hoạ tiết thì cũng đủ biết cột đá này không phải do thợ miền Bắc làm. Điều chắc chắn mà tôi dám khẳng định là cột đá này do các tù nhân người Chiêm Thành làm ra”.
Kè đá hàng nghìn năm bên sườn núi chùa Dạm. Ảnh: Văn Phan |
Theo ông Bảo, loại đá làm cột này không có trong vùng Bắc Ninh, mà phổ biến ở vùng Hải Dương và Quảng Ninh. Người xưa đã vận chuyển cột đá theo đường sông Hồng, rồi đào ngòi Con Tên đến tận chân núi để kéo khối đá lên. Sau đó, họ mở một con đường dẫn lên núi mà độ dốc ở mức tối thiểu. Những khúc gỗ làm dầm chịu lực phải là loại gỗ lim hoặc cứng tương đương và số người thực hiện vận chuyển khối đá này phải lên đến cả nghìn người cùng voi kéo.
Chùa Dạm hiện nay vẫn đang trong thời kỳ khai quật, nhiều bí mật dưới lòng đất núi Dạm đang được hé mở. Cột đá khổng lồ dù chưa đi đến kết luận cuối cùng nhưng dù sao, cho đến nay vẫn là một bảo vật vô giá mà hàng nghìn năm qua đã sừng sững đứng trên đỉnh núi Dạm. Trải qua bao mưa nắng thăng trầm và cả những cuộc chiến tàn khốc, những hoa văn tinh xảo của cột đá vẫn nguyên vẹn xứng đáng là một kỳ quan vùng Kinh Bắc xưa.