Nghi vấn có đường dây làm giả giấy tờ nhập khẩu phân bón số lượng lớn

23/04/2014 13:21
Duy Phong
(GDVN) -Cục Trồng trọt khẳng định chỉ có một văn bản mang số 2096 là do Cục phát hành. Vậy văn bản cùng số còn lại do ai làm ra? Với mục đích gì?

Ai đã “sản xuất” ra 02 văn bản trùng số?

Ngày 21/4/2014, đại diện Cục Trồng trọt đã đến Báo Giáo dục Việt Nam để trao đổi về nội dung bài báo "Phát hiện thêm nhiều bê bối tại Cục Trồng trọt". Tại trụ sở Báo, đại diện Cục Trồng trọt đã cung cấp Báo cáo giải trình về 02 Công văn số 2096/TT-ĐPB.

Đại diện Văn phòng Cục Trồng trọt làm việc tại Báo Giáo dục Việt Nam.
Đại diện Văn phòng Cục Trồng trọt làm việc tại Báo Giáo dục Việt Nam.

Bản giải trình của Văn phòng Cục nêu: Để làm rõ 02 văn bản trùng số nêu trong bài báo Giáo dục Việt Nam, Văn phòng Cục đã tiến hành kiểm tra trên hệ thống quản lý văn bản đi của Cục; Hồ sơ xuất nhập khẩu tại bộ phận phân bón “một cửa” tháng 11 và tháng 12/2011.

Sơ bộ, Cục kết luận, tại bộ phận văn thư: Hệ thống số tháng 11 được đánh số liên tiếp từ số 1810 đến số 2054. Chốt số tháng 11 là 2054/TT-VP ngày 30/11/2011 của Văn phòng Cục về việc tăng lương thường xuyên; Hệ thống số tháng 12 được đánh số từ 2055 đến số 2277. Trong tháng 12, có số Công văn 2096/TT-ĐPB ngày 08/12/2011 của Phòng sử dụng Đất và Phân bón về việc đăng ký vào danh mục phân bón NPK, phân trung vi lượng gửi Công ty TNHH MTV Thanh Khải. Như vậy, trong hệ thống quản lý văn bản đi tháng 11/2011 không có Văn bản số 2096/TT-ĐPB gửi Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Prathista Trâm.

Kiểm tra tại Sổ quản lý tiếp nhận và kết quả, hồ sơ lưu tại bộ phận 1 trong tháng 11/2011 không có hồ sơ của Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Prathista Trâm.

Văn phòng Cục Trồng trọt cho rằng, Văn bản 2096/TT-ĐPB ngày 08/12/2011 do Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc ký gửi Công ty TNHH MTV Thanh Khải được lưu tại hồ sơ gốc của văn thư Cục có lăn số, ngày tháng bằng bộ lăn số của Văn thư Cục là đúng.

Còn văn bản số 2096/TT-ĐPB ngày 30/11/2011 về việc đăng ký nhập khẩu 7 loại phân bón từ Ấn Độ để phục vụ công tác khảo nghiệm gửi Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Prathista Trâm có 1 một số điểm khác biệt không đúng như: Văn bản không được lăn số chuyên dụng, bố cục văn bản không hợp lý, không theo mẫu về chứng nhận đăng ký khảo nghiệm phân bón…

Văn phòng Cục khẳng định Văn bản số 2096/TT-ĐPB ngày 30/11/2011, có chữ ký của Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc ký về việc đăng ký nhập khẩu 7 loại phân bón từ Ấn Độ để phục vụ công tác khảo nghiệm gửi Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Prathista Trâm là không do Cục phát hành, không có trong hệ thống phát hành văn bản tháng 11/2011 và không có trong hồ sơ “một cửa” xuất nhập khẩu phân bón tháng 11/2011.

Cục Trồng trọt đề nghị Báo Giáo dục Việt Nam công bố thông tin này. Tuy nhiên, khi được hỏi Cục có yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc, làm rõ văn bản nghi là giả nói trên- trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín của Cục- hay không, thì Cục cho rằng còn chờ báo cung cấp văn bản có dấu đỏ, Cục không có văn bản này.

Văn bản “giả”, hậu quả thật!

Theo cách lý giải của Cục Trồng trọt thì Văn bản số 2096/TT-ĐPB ngày 30/11/2011 không do Cục Trồng trọt phát hành. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, Văn bản này đã được “thực thi” và việc nhập khẩu 35.000 lít phân bón lá từ Ấn Độ về Việt Nam là có thật.  

Văn phòng Cục Trồng trọt cho rằng họ không phát hành văn bản này.
Văn phòng Cục Trồng trọt cho rằng họ không phát hành văn bản này.

Cũng theo thông tin mà phóng viên có được, Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Prathista Trâm đã nhập các loại phân bón nêu trên từ Ấn Độ về Việt Nam thông qua Cảng Cát Lái (Hải quan Cảng Sài Gòn KV1).

Tất cả các phân bón lá của Công ty TNHH Nông nghiệp Xanh Prathista Trâm đều là những phân bón chưa hề có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Như vậy, những phân bón này muốn nhập khẩu và kinh doanh tại Việt Nam phải tiến hành khảo nghiệm (theo các quy định về khảo nghiệm phân bón tại Điều 4, Thông tư số 52/2010/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2010 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT).

Vậy câu hỏi đặt ra là 35.000 lít phân bón lá hiện nay đang trôi nổi ở đâu? Hậu quả mà nó gây ra đối với đồng đất và người nông dân nước ta ai kiểm tra và chịu trách nhiệm? Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp ở đâu khi mà có 35.000 lít phân bón được nhập về Việt Nam mà không hề hay biết và có biện pháp ngăn chặn.

Hiện tại, nội dung vụ việc đã được chuyển tới cơ quan hữu quan để điều tra theo thẩm quyền. Đề nghị Cục Trồng trọt nhanh chóng vào cuộc, bằng trách nhiệm quản lý nhà nước của mình sớm xác minh đường đi của 35 ngàn lít phân bón nêu trên.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Duy Phong