Người dân Vĩnh Phúc lo lắng về siêu dự án của FLC “nuốt” trọn đất nông nghiệp

10/04/2017 08:18
HỮU CHÍ
(GDVN) - Hơn 256 ha đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường (Vĩnh Phúc) khiến người dân lo lắng sẽ mất kế sinh nhai

Người dân không đồng thuận…

Những ngày này, khi về xã Vĩnh Thịnh, An Tường, (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) hỏi về Dự án khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường thì mọi người dân đều tỏ ra không đồng thuận vì đất nông nghiệp như xương, máu của họ.

Việc thu hồi hơn 256 ha đất nông nghiệp phục vụ cho đại dự án Khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường (Dự án đã được Ủy ban nhân tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt, do Công ty Cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư) đã vấp phải sự phản ứng của người dân địa phương.

Vùng đất nông nghiệp thuộc 2 xã Vĩnh Thịnh, An Tường từ lâu đã được xem là nơi có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc.

Người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào đồng ruộng, chăn nuôi. Hơn nữa, từ khi có dự án nuôi bò sữa, bò thịt phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá, ổn định hơn.

Tuy nhiên, đứng trước tham vọng thâu tóm đất nông nghiệp của một doanh nghiệp, mọi người dân đều phản đối kịch liệt, thập chí họ khẳng định dù có đền bù cao họ vẫn không bán đất, “nhượng” đất cho Tập đoàn FLC…

Vùng đất nông nghiệp thuộc 2 xã Vĩnh Thịnh, An Tường từ lâu đã được xem là nơi có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh Hữu Chí)
Vùng đất nông nghiệp thuộc 2 xã Vĩnh Thịnh, An Tường từ lâu đã được xem là nơi có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh Hữu Chí)

Ông P.V.L, người dân thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh cho biết: “Tất cả người dân chúng tôi ở đây đều trông chờ vào đất nông nghiệp, nhờ vậy mà việc chăn nuôi mang lại thu nhập ổn định.

Bây giờ thu hồi hết đất nông nghiệp của người dân chúng tôi thì chúng tôi biết làm gì, nghề nghiệp không có, tiền đền bù có cao mấy ăn rồi cũng hết thôi, về lâu, về dài chúng tôi biết làm gì được khi tuổi đã cao, còn bao nhiêu thế hệ sau của gia đình chúng tôi nữa”.

 “Tất cả người dân ở đây không ai đồng ý bán đất đâu, đất nông nghiệp từ lâu đã gắn bó với người dân chúng tôi rồi, cho dù có đền bù với giá cao chúng tôi cũng không đồng tình”, bà N.T.S. người dân thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh bày tỏ quan điểm.

Theo tìm hiểu từ phía lãnh đạo thôn Hệ, lãnh đạo thôn cũng tỏ ra bất bình, và không ủng hộ việc lấy đất phục vụ dự án trên.

Người dân Vĩnh Phúc lo lắng về siêu dự án của FLC “nuốt” trọn đất nông nghiệp ảnh 2

Vĩnh Phúc chấp nhận dừng dự án siêu nghĩa trang "nuốt" rừng phòng hộ

(GDVN) - Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, đây là việc làm cần thiết của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc.

 “Đa số người dân trong thôn chưa đồng thuận giao đất cho dự án của FLC, vì người dân không biết họ trông chờ vào gì để sống sau khi thu hồi đất.

Nếu mất đất thì người dân lấy gì chăn nuôi, trồng trọt? Đô thị du lịch sinh thái thì người dân được hưởng gì, người dân sống như thế nào? Chúng tôi làm ruộng tuy vất vả nhưng đó là mồ hôi xương máu, và gắn bó về lâu dài, chúng tôi không thể sống khi thiếu đất nông nghiệp được.

Trước kia, sau khi thầu được 7ha đất nông nghiệp rất có giá trị ở thôn An Lão, với mục đích chăn nuôi.

Sau khi mua xong diện tích đất đấy để phục vụ cho chăn nuôi, nhưng thực tế chúng tôi thấy không chăn nuôi mấy, mà có điều gì đó trái lạ? Sau một thời gian lại đổi tên khu đất đó thành Công ty nông thủy sản Qúy Giáp (đứng tên bố đẻ ông Trịnh Văn Quyết, chủ sở hữu FLC), sau đó lại chuyển đổi cho Tập đoàn FLC xây dựng các công trình.

Cũng có một số báo chí về đây phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân chúng tôi, sau đó thì thấy Công an về địa phương rất nhiều, trong mọi cuộc họp, sau khi có biên bản họ yêu cầu phô tô và nộp cho họ.

 Chúng tôi cũng chịu nhiều sức ép từ mọi phía, nhưng việc để đất nông nghiệp đồng nghĩa với việc chúng tôi không còn kế sinh nhai, nếu trái tâm tư nguyện vọng của người dân, người dân không đồng thuận thì không nên làm. Vì vậy việc lấy đất nông nghiệp để cho doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn không nhất trí, tán thành”, ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư chi bộ thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh cho biết.

Tòa nhà trắng toát của tập đoàn FLC sừng sững giữa cánh đồng đất nông nghiệp trù phú của người dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh nguồn Giáo dục Việt Nam)
Tòa nhà trắng toát của  tập đoàn FLC sừng sững giữa cánh đồng đất nông nghiệp trù phú của người dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh nguồn Giáo dục Việt Nam)

Ông Nguyễn Văn Tự, Trưởng thôn Hệ cho biết: “Cả thôn có gần 200 hộ dân, 812 nhân khẩu, nghề chính của người dân ở đây là làm nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt. Bây giờ đất nông nghiệp mà thu hồi hết, bà con chúng tôi biết làm gì.

Khi họ tiến hành thực hiện dự án, họ đã về địa phương yêu cầu treo bản đồ quy hoạch dự án ở nhà thôn, triển khai mọi kế hoạch của lãnh đạo cấp trên. Trong khi đó người dân cũng chưa nắm rõ được việc triển khai, quy hoạch dự án như thế nào?

Khi họp thì có cả công an về xem, giám sát mọi cuộc họp. Nếu lấy đất ở thôn Hệ là chúng tôi hết đất nông nghiệp, không còn đất để canh tác. Đất chúng tôi hai vụ lúa, một vụ màu rất màu mỡ, có giá trị kinh tế cao. Việc lấy đất để thực hiện dự án người dân trong thôn hoàn toàn không đồng thuận”.

Người dân Vĩnh Phúc lo lắng về siêu dự án của FLC “nuốt” trọn đất nông nghiệp ảnh 4

700 người dân gửi thư lên Thủ tướng phản đối dự án phá rừng phòng hộ

(GDVN) - Những người dân xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc đã gửi thỉnh nguyện thư lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự án phá hơn 100ha rừng phòng hộ làm nghĩa trang.

Đối với người dân thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh thì việc thu hồi đất phục vụ cho dự án Khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường như là việc "không ổn".

Cố nuốt bực tức, bà N.T.H bức xúc: “Việc nhà đầu tư FLC đối xử với đất canh tác, với người dân chúng tôi không khác gì đến ....".

“Trong đợt I của dự án, họ đã đến mua đất và nói với người dân chúng tôi là mua phục vụ cho việc canh tác với mức giá nằm trong khoảng từ 70 – 80 triệu đồng/sào.

Mua đến đâu, họ làm luôn và cho múc đất để đào ảo thả cá khiến đường tưới tiêu cũng bị vùi lấp, việc canh tác của những hộ chưa mất đất cũng gặp không ít khó khăn. Đất ở đây của chúng tôi rất màu mỡ, chúng tôi canh tác được cả ba vụ.

Bản đồ quy hoạch Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường (ảnh nguồn Giáo dục Việt Nam)
Bản đồ quy hoạch Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường (ảnh nguồn Giáo dục Việt Nam)

Đến đợt 2 của dự án,  FLC họ nâng mức giá cao hơn chút thì nhiều nhà cũng phải chịu bán một cách gượng ép. Bây giờ người dân chúng tôi nơi đây cứ thấy người lạ là phải cảnh giác, bởi sợ nhất là bị đe dọa, trù dập khi không chấp thuận bán đất để thực hiện dự án của FLC”.

Còn chị L.T.D, người dân thôn An Lão phân trần: “Cuộc sống của người dân chúng tôi hiện tại đã rất ổn định rồi, nếu thu hồi hết đất không biết sau này có được ổn định như bây giờ.

Chúng tôi trồng cỏ, chăn nuôi bò đem lại thu nhập cũng khá ổn định rồi, kể cả giá sữa rẻ như hiện tại, với 60 con bò, tháng nào trừ hết chi phí đi cũng thu được 80 triệu đồng, nhà nào chỉ cần nuôi 4 con bò cũng thu 10 triệu đồng/tháng.

Hiện nay cả làng chúng tôi có gần 6.000 con bò sữa và khoảng hơn 2.000 con bò thịt. Nghề chăn nuôi và gột bò ở đây cực kỳ phát triển vì khu vực này vốn được phù sa của sông Hồng bồi đắp, rất phù hợp với cây cỏ voi để chăn nuôi bò.

Liệu rằng mất hết đất nông nghiệp thì chúng tôi biết làm gì, các lãnh đạo có hiểu cho người dân chúng tôi không”.

 Về việc người dân không đồng thuận với việc thu hồi đất để phục vụ đại dự án Khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường cũng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Thịnh xác nhận.

“Dự án Khu đô thị sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường là dự án trọng điểm của tỉnh, dự kiến thu hồi nằm trong khoảng 250 ha đất nông nghiệp.

Với trách nhiệm của mình, chúng tôi chỉ biết tuyên truyền, vận động người dân giao đất, còn việc thực hiện được hay không do Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh quyết.

Chúng tôi cũng đã tiến hành họp cấp chi bộ, đoàn thể để phổ biến về dự án, tuy nhiên người dân không đồng thuận, tất cả số diện tích đất nông nghiệp của người dân bị thu hồi có lẽ khiến họ quá choáng”, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Thịnh cho biết thêm.

Phê duyệt dự án trong chóng vánh, Thủ tướng Chính phủ chưa đồng ý

Theo tìm hiểu, ngày 03/03/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định 272/QĐ-UBND với chữ ký của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Duy Thành về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, do Công ty Cổ phần FLC Travel làm chủ đầu tư.

Theo Quyết định trên, tổng diện tích thiết lập quy hoạch dự án là 256,8822 ha, phía Đông giáp đất nông nghiệp xã Vĩnh Thịnh, phía Tây giáp đất nông nghiệp xã An Tường, phía Nam giáp sông Hồng và đất nông nghiệp, đất khu dân cư xã Vĩnh Thịnh, An Tường, phía Bắc giáp đất nông nghiệp, đất khu dân cư xã Vĩnh Thịnh, An Tường với quy mô dân số khoảng 24.000 người.

Phối cảnh tổng thể dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ "nuốt" trọn đất nông nghiệp của người dân (ảnh nguồn Báo Xây Dựng)
Phối cảnh tổng thể dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ "nuốt" trọn đất nông nghiệp của người dân (ảnh nguồn Báo Xây Dựng) 

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.000 tỷ đồng với một số hạng mục quan trọng như học viện golf, khu tâm linh, khu công viên giải trí Dislayland, khu vườn thú tự nhiên và khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao quốc tế,…

Đến ngày 06/03/2016, Tập đoàn FLC đã tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2 FLC Vĩnh Thịnh Resort.

Người dân Vĩnh Phúc lo lắng về siêu dự án của FLC “nuốt” trọn đất nông nghiệp ảnh 7

Ủng hộ phá rừng làm nghĩa trang, lãnh đạo Vĩnh Phúc vẫn "nói hay" về bảo vệ rừng

(GDVN) - “Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên, nghiêm cấm phá rừng lấy đất. Tôi nghĩ rằng không ai dám làm sai chỉ đạo đâu”.

Dự án trên đã được lãnh đạo tỉnh, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định rằng, sau khi hoàn thành toàn bộ dự án, bao gồm cả 2 giai đoạn, với diện tích trên 250 ha, được quy hoạch hiện đại , FLC Vĩnh Thịnh Resort sẽ trở thành tổ hợp nghỉ dưỡng đa chức năng cao cấp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương huyện Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc tập đoàn FLC.

Còn ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC khẳng định tập đoàn cam kết sẽ triển khai vào việc triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án và mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền các cấp, các cơ quan ban nghành tỉnh Vĩnh Phúc và người dân địa phương, sự đồng hành của cơ quan truyền thông, báo chí,…

Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề trên, ông Bùi Minh Hồng, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường đã được các cấp, cơ quan đồng ý và đang trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt, chấp thuận triển khai thực hiện dự án.

"Dự án đã được các cấp có thẩm quyền đồng ý và đang trình Thủ tướng chính phủ xin ý kiến", ông Bùi Minh Hồng, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nói.

Dự án trên chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, chưa có ý kiến chấp thuận về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa của Thủ tướng chính phủ vậy tại sao lại vẫn được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt? 

 CHUYỂN ĐỔI TRÊN 10 HÉC TA ĐẤT LÚA PHẢI XIN Ý KIẾN CHẤP THUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Điều 58, Luật Đất Đai 2013, Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư

1. Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây:

a) Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên;

b) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

2. Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan.

3. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư;

b) Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư;

c) Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 59. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;

b) Giao đất đối với cơ sở tôn giáo;

c) Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;

d) Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 56 của Luật này;

đ) Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.”

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;

b) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.

4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được ủy quyền.”

HỮU CHÍ