"Nơi ở mới không bằng nơi ở cũ"
Chị Trần Thị H., người dân xóm 1 (Xích Thổ) cho biết: "Ban đầu nghe tin xóm 1 không thuộc diện quy hoạch chúng tôi thấy vui nhưng về sau khi thấu hiểu mọi việc thì lại thấy lo lắng. Bởi, một khi Công ty họ tiến hành khai thác sét thì đây là một đại công trường ồn ào, bụi bặm. Mực nước ngầm sẽ hạ thấp, khi đó nước giếng không có để sinh hoạt, cây trồng chắc chắn sẽ sinh trưởng kém do thiếu nước".
Điều lo lắng của người dân cũng dễ hiểu, bởi Hoành Bồ là một trong những huyện có nhiều mỏ sét nhất Quảng Ninh. Hậu quả của việc khai thác sét vô tội vạ, vượt quá độ sâu và vượt ra ngoài ranh giới quy hoạch diễn ra tràn lan, gây bức xúc trong nhân dân.
Ông Trần Đình Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất thừa nhận, đây là cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay của xã.
Ông Trần Đình Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất thừa nhận, đây là cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay của xã, nó không khác so với di dân của một công trình thủy điện nhỏ. Quy mô lớn là vậy nhưng khi đưa ra lấy ý kiến người dân thì chính quyền địa phương, doanh nghiệp chỉ họp trong "khuôn khổ".
Khi chúng tôi hỏi, liệu người dân chuyển đến nơi ở mới có tốt hơn nơi ở cũ, ông Giang cho biết: “Nơi ở mới không thể bằng được nơi ở cũ, vì ra đó đất hẹp (300m2/hộ - pv) lấy đâu đất mà canh tác, chăn nuôi, trong khi nơi ở cũ họ vẫn có 3 – 5 sào ruộng, đất vườn đồi rộng chăn nuôi được, sẽ đảm bảo được thu nhập hàng tháng. Một khi chuyển ra đây người dân thiếu tư liệu sản là điều đương nhiên, việc chuyển đổi nghề không phải ai cũng làm thành công, và cũng không phải ai cũng làm được”.
Ông Trần Văn Lợi, Trưởng thôn lo lắng cho tương lai con em Xích Thổ
Đấy là chưa kể sau khi lấy tiền đền bù GPMB, hỗ trợ chuyển đổi nghề, người dân phải mang tiền xuống “đầm” để xây dựng nhà. Theo quan sát của phóng viên, đây là khu vực bãi triều, sình lầy, người dân vẫn tổ chức nuôi tôm, sò, ngao… nếu để xây dựng được nhà kiên cố thì họ bắt buộc phải đầu tư vào nền móng nhà rất nhiều tiền. Theo kinh nghiệm của người dân Xích Thổ, kinh phí làm một cái móng dưới sình lầy tốn kém bằng cả cái nhà trên đất liền thổ.
Công ty CP Viglacera Hạ Long cam kết sử dụng nhiều lao động địa phương, nhưng chắc chắn rằng lao động có độ tuổi trên 40 sẽ khó có việc làm. Trong khi, Công ty không đặt nhà máy tại địa phương mà chỉ là vùng nguyên liệu. Do đó, việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương là khó khả thi.
Không đủ năng lực nên "chia nhỏ" dự án
Ông Triệu Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ cho biết, toàn bộ dự án, Công ty CP Viglacera Hạ Long cần tới trên 500 tỷ đồng để GPMB, hỗ trợ chuyển đổi nghề… đây là số vốn quá lớn, Công ty không đủ năng lực nên họ đã chia GPMB thành nhiều giai đoạn. Trước mắt phải thi công xong điểm tái định cư tập trung để đưa các hộ dân trong giai đoạn đầu về an cư.
Sau nhiều năm triển khai, dự án khai thác mỏ sét của Công ty CP Viglacera Hạ Long vẫn còn ngổn ngang
Được biết, người dân đã kiến nghị với địa phương về quỹ đất được phân 300m2/hộ là quá ít, trong khi đó theo quy định của Nhà nước là 400m2/hộ. Ông Hải cho biết thêm: "Về việc này, huyện Hoành Bồ cũng đang khảo sát tìm đất dưới đầm phá, sau đó sẽ bóc tách lớp đất màu tại mỏ khai thác sét, rồi chuyển xuống san lấp tạo thành ruộng và cấp đất cho người dân canh tác...".
Về vị trí điểm tái định cư Xích Thổ với Nhà máy Xi măng Hạ Long, ông Hải Khẳng định "cách hơn 1 km". Tuy nhiên, thực tế người dân Xích Thổ khẳng định chỉ cách 300m. Người dân Xích Thổ lo lắng hàng ngày sẽ phải hít khói bụi, mùi hôi thối, nước ô nhiễm từ hà máy xi măng và cụm công nghiệp.
Ông Đoàn Tuệ Minh, Công ty CP Viglacera Hạ Long lí giải: "Lẽ ra quy hoạch Nhà máy xi măng phải xa hơn nữa thì người dân mới yên tâm, bởi dịch vào sâu bên trong vẫn còn đất trống".
Theo dự kiến, ngày 30/9/2014 tới đây, Công ty CP Viglacera Hạ Long phải thi công xong điểm tái định cư giai đoạn 1, đáp ứng khoảng 60 hộ dân. Bởi dự án được chia làm 5 giai đoạn và khai thác sét đến đâu sẽ GPMB, di chuyển dân tới đó. Vậy là đồng nghĩa với việc, những hộ dân ra trước sẽ phải đợi những hộ ra sau để được hưởng “trọn gói” cơ sở hạ tầng.
Như vậy, chưa biết đến khi nào dự án mới triển khai xong và người dân mới được "an cư". Tuy nhiên, trước mắt chính quyền địa phương phải tạo điều kiện cho họ hưởng thụ các công trình, dự án phúc lợi xã hội cơ bản.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.