Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup đề xuất Chính phủ phổ cập tiếng Anh không chỉ ở trường công lập mà còn cho toàn dân.
Trước đó, tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Tuy nhiên, việc phổ cập tiếng Anh không chỉ cho các cơ sở giáo dục mà còn cho toàn dân ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Sinh viên tốt nghiệp làm giáo viên tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong phổ cập toàn dân
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Ái Hoàng Châu - Trưởng Bộ môn Ngoại ngữ, Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Bạc Liêu cũng cho rằng: “Không thể phủ nhận tầm quan trọng của tiếng Anh trong bối cảnh đất nước hội nhập hiện nay. Học sinh, sinh viên giao tiếp tiếng Anh thành thạo, sẽ là một lợi thế lớn không chỉ trong việc tìm kiếm cơ hội phát triển ở nước ngoài, mà còn ngay trên chính quê hương mình. Bởi, hiện tại, các công ty trên thế giới đầu tư khá nhiều vào các vùng khó khăn ở Việt Nam. Có vốn tiếng Anh tốt, sẽ giúp các em vừa phát triển bản thân, vừa đóng góp vào sự đi lên của nền kinh tế nước nhà”.
Thầy Hoàng Châu cũng cho biết, những năm gần đây, sĩ số sinh viên theo học Ngôn ngữ Anh ngày càng tăng cao.
“Hiện tại, Trường Đại học Bạc Liêu đang đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh với 9 lớp. Trước đây, mỗi khoá có 2 lớp, còn năm học 2024-2025, mỗi khóa tăng đột biến thành 3 lớp với sĩ số khoảng 100 sinh viên/lớp. Chúng tôi đang giảng dạy bộ giáo trình của Đại học Cambridge, chương trình yêu cầu trình độ tiếng Anh đầu ra từ A2 - B1 (theo khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu - CEFR). Nhà trường cũng chủ trương xây dựng các kỳ thi nội bộ, để sinh viên có 2 lựa chọn: học các học phần tiếng Anh hoặc thi lấy chứng chỉ để tốt nghiệp” - thầy Châu thông tin thêm.
Chia sẻ về trình độ, năng lực tiếng Anh của giảng viên hiện nay tại nhà trường, Thạc sĩ Lê Đức Thịnh - Trưởng khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Lạc Hồng cho biết: “Đối với giảng viên chuyên ngành tiếng Anh, nhà trường yêu cầu các giáo viên phải đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ tối thiểu trình độ C1 (theo CEFR). Đồng thời, nhà trường tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các hội thảo chuyên đề về giảng dạy tiếng Anh, xây dựng Đề án tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP cho học sinh tại Trường Đại học Lạc Hồng. Đề án này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt vào ngày 30/05/2023.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Loan - Trưởng khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên cũng cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ chú tâm vào đào tạo số lượng giảng viên hiện tại, mà cần khích lệ những giáo viên ngoại ngữ tương lai - chính là những sinh viên sư phạm.
“Chúng tôi không chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức ngôn ngữ, mà còn chú trọng đến phát triển kỹ năng sư phạm và khả năng tiếp cận các phương pháp giảng dạy hiện đại. Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo ra những giáo viên tiếng Anh không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn sáng tạo, linh hoạt với sự thay đổi liên tục trong lĩnh vực giáo dục.
Trong những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp và trở thành giáo viên tiếng Anh luôn ổn định ở mức 70-80%. Đây là con số rất đáng khích lệ, thể hiện sự cam kết của nhà trường trong việc cung cấp nguồn nhân lực giảng dạy tiếng Anh cho hệ thống giáo dục trong cả nước. Những sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên thường nhận được đánh giá cao về năng lực sư phạm, khả năng truyền đạt và phương pháp giảng dạy sáng tạo.
Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp làm giáo viên tiếng Anh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phổ cập tiếng Anh toàn dân. Những giáo viên này không chỉ giảng dạy tại các trường học mà còn tham gia các dự án phổ cập tiếng Anh ở các vùng sâu, vùng xa, nơi mà việc tiếp cận ngôn ngữ còn gặp nhiều hạn chế. Họ là những người trực tiếp mang lại cơ hội học tập ngôn ngữ mới cho các thế hệ trẻ, đóng góp vào mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ của người dân và tạo ra sự cạnh tranh quốc tế” - cô Minh Loan chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Ái Hoàng Châu cũng cho biết: “Mặc dù là trường đại học địa phương, nhưng Trường Đại học Bạc Liêu vẫn có những sinh viên xuất sắc, sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh đã tham gia vào lực lượng giảng dạy của các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc về quê giảng dạy môn Tiếng Anh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Con số này đã và đang đóng góp phần nào vào việc phổ cập tiếng Anh ở vùng sâu vùng xa, các xã, phường.
Trước đây, khi có chính sách cho phép các trường đào tạo về chứng chỉ sư phạm, Trường Đại học Bạc Liêu cũng đã tiến hành đào tạo, giúp các em có kĩ năng giảng dạy. Nhưng từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo siết chặt việc cấp chứng chỉ sư phạm, nhà trường không trực tiếp đào tạo nữa, mà giới thiệu cho các em những cơ sở giáo dục đại học được cấp phép đào tạo”.
Trường Đại học Lạc Hồng, tuy không có ngành Sư phạm tiếng Anh, nhưng hằng năm, có khoảng 10-15% sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ Anh gia nhập vào lĩnh vực sư phạm. “Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp, sẽ tham gia các khóa học nâng cao trình độ và bổ sung chứng chỉ giảng dạy” - Trưởng khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Lạc Hồng thông tin thêm.
Có gói hỗ trợ, giảm chi phí học, tăng cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh cho toàn dân
Thạc sĩ Lê Đức Thịnh đánh giá: “Hiện tại, trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên còn quá thấp và chênh lệch cao. Năng lực tiếng Anh của đội ngũ giảng viên còn chưa đồng đều, một số thầy cô thường gặp khó khăn trong việc cập nhật tài liệu giảng dạy.
Ngoài ra, sinh viên không có nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài, với môi trường giao tiếp tiếng Anh thường xuyên, nên khó áp dụng vào thực tiễn dẫn đến mất động lực học. Mặt khác, các em không chủ động lập kế hoạch học ngoại ngữ lâu dài cho bản thân. Học ngoại ngữ là một quá trình tích lũy lâu năm và đòi hỏi tính kiên trì rất lớn. Nếu bản thân mỗi sinh viên không tự tạo động lực học tập cho bản thân, không có lộ trình rõ ràng, sẽ không thể tiến bộ. Do đó, việc phổ cập tiếng Anh gặp khá nhiều trở ngại”.
Thạc sĩ Nguyễn Ái Hoàng Châu nhìn nhận, mặc dù nhận thức học sinh, sinh viên và phụ huynh về việc học ngoại ngữ ngày càng tăng, nhưng trình độ ngoại ngữ của người học vẫn còn chênh lệch rất lớn, nhiều sinh viên thiếu động lực học tiếng Anh.
Cụ thể, thầy Châu chỉ ra: “Trên thực tế, đầu vào tiếng Anh của sinh viên thường rất yếu, nhất là 2 kỹ năng giao tiếp (nghe và nói), nguồn từ vựng của sinh viên đầu vào không đủ để theo kịp chương trình ở bậc đại học. Bởi, trong quá trình dạy và học ngoại ngữ từ cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, các thầy cô thường chú tâm vào dạy ngữ pháp riêng lẻ, giúp học sinh học thuộc từ vựng nhưng lại không áp dụng vào thực tiễn giao tiếp trong đời sống, dẫn đến tình trạng “chữ thầy lại trả cho thầy”. Đến khi bước chân vào cánh cổng đại học, các em phải “chật vật” để có thể học cả 4 kĩ năng nghe - nói - đọc - viết.
Một số các giáo viên ở trường phổ thông hiện nay chưa thực sự thành thạo trong kỹ năng nghe nói, họ không mạnh dạn nói tiếng Anh trong lớp. Vì vậy, học sinh thiếu đi môi trường để luyện tập, để tiếp xúc với tiếng Anh thường xuyên.
Nguyên nhân tiếp theo xuất phát từ động cơ học tập của chính các em. Môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay không còn là môn thi bắt buộc, do đó, nhiều em không “mặn mà” với việc học ngoại ngữ. Khả năng tiếng Anh của sinh viên từ đó cũng chịu ảnh hưởng, nhất là đối với những em thi các môn về Khoa học tự nhiên. Nhiều năm qua, chúng tôi thường xuyên phải mở lớp bổ trợ ngoại ngữ cho khóa sinh viên mới vào, để các em không bị “ngợp” với những kỹ năng mới tại môi trường đại học”.
Dựa trên thực tiễn trên, thầy Hoàng Châu cho rằng, trước khi tiến hành đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, cần định nghĩa đúng “ngôn ngữ thứ hai” là gì.
“Tôi cho rằng, ngôn ngữ thứ hai phải là ngôn ngữ được sử dụng để làm việc, học tập, nghiên cứu... bên cạnh tiếng mẹ đẻ trong trường học. Để phổ cập tiếng Anh toàn dân, phải cần sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống giáo dục” - thầy Châu bày tỏ.
Từ những chia sẻ trên, Thạc sĩ Nguyễn Ái Hoàng Châu đề xuất, nên có các gói hỗ trợ, giảm chi phí học ngoại ngữ: “Tiếng Anh đã trở thành một thế mạnh trong học tập và trong công việc. Tuy nhiên, nhiều học sinh, đặc biệt ở các vùng nông thôn hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với các khóa học tiếng Anh chất lượng. Việc giảm chi phí và mở rộng các giải pháp tiếp cận tiếng Anh cho học sinh là rất quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý, nhà trường, các tổ chức, đơn vị, cũng như cả cộng đồng.
Hiện tại, một số trường công lập đã thuê giáo viên bản ngữ hoặc trợ giảng tiếng Anh để giúp học sinh hoàn thiện kỹ năng giao tiếp. Đây cũng được xem là một biện pháp nhằm giảm chi phí học ngoại ngữ cho người học, bởi nhà trường sẽ chi trả chi phí.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đang xúc tiến chương trình Fulbright với Mỹ. Chính phủ hai bên sẽ cung cấp nơi ở, phương tiện đi lại và trả lương cho các trợ giảng tiếng Anh, từ đó, có thể giải bài toán giảm chi phí cho các em học sinh.
Do đó, tôi kiến nghị, chúng ta có thể nhân rộng mô hình hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài, đặc biệt, rất cần thiết để đưa chương trình hợp tác với Fulbright về các trường trung học cơ sở, các trường tiểu học, để các em có môi trường tiếp xúc với ngoại ngữ nhiều hơn”.
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực ngoại ngữ của toàn dân, thầy Châu nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có kỳ thi sát hạch đầu ra đối với học sinh trung học phổ thông để biến ngoại ngữ thành một môn học bắt buộc. Khi đó, các em sẽ quan tâm hơn đến việc học ngoại ngữ, tránh tình trạng chênh lệch trình độ tiếng Anh giữa học sinh các tổ hợp thi và xét tuyển đại học với nhau”.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Loan cũng tin rằng, việc giảm chi phí học tập và tạo thêm các giải pháp hỗ trợ khác, sẽ giúp nhiều học sinh tiếp cận với việc học tiếng Anh một cách hiệu quả hơn.
“Thứ nhất, nhà trường có thể hợp tác với các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp, để tài trợ những gói học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các thầy cô cần hướng dẫn người học sử dụng công nghệ và tài liệu học trực tuyến miễn phí. Điều này không chỉ giảm chi phí học tập, mà còn tạo cơ hội cho người học tiếp cận với các phương pháp học tập mới mẻ và linh hoạt.
Thứ hai, giảng viên cần tạo cơ hội cho sinh viên thực hành tiếng Anh qua các hoạt động ngoại khóa, như câu lạc bộ tiếng Anh, các buổi hội thảo, giao lưu văn hóa với người bản xứ.
Thứ ba, ở bậc phổ thông, cần đưa tiếng Anh vào từ sớm hơn (lớp 1) để có thể phát triển một lộ trình học tập tiếng Anh từ cấp độ cơ bản, giúp học sinh có nền tảng ngoại ngữ vững chắc và giảm áp lực học tập khi lên đại học” - cô Minh Loan chia sẻ.