LTS: Nhằm giới thiệu đến bạn đọc những nét đặc sắc và cách thức tổ chức giáo dục ở trường tiểu học tại Cộng hòa liên bang Đức, tác giả Tuyết Mai người đã từng tham gia làm việc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tất cả trẻ em sống trên nước Đức, không phân biệt chủng tộc, màu da, khi lên 6 tuổi sẽ bắt buộc phải đến trường. Ở thời kỳ đầu, từ lớp 1 đến lớp 4, các em được học ở trường tiểu học.
Theo thống kê mới nhất của Bộ giáo dục, năm học 2016 toàn nước Đức có 15.421 trường tiểu học. Trong thời gian học tập ở trường tiểu học, các em được học các môn cơ bản như: Văn, Toán, Giáo dục công dân, Vẽ, Thủ công, Nhạc và Thể thao…
Các em còn được học về luật giao thông cho người đi bộ, cách xử lý giao thông theo tín hiệu màu của đèn, tôn trọng đúng luật giao thông để ngăn ngừa tai nạn. Song song đó, các em được hướng dẫn một số điều cơ bản về luật bảo vệ môi trường như: không vứt rác bừa bãi, các kiến thức cơ bản về phân loại rác thải để thu hồi các nguyên liệu có thể tái sản xuất…
Đặc biệt, các em được học chi tiết cách xem đồng hồ và cách tính giờ theo ngày, tháng, năm... Cha mẹ phải đôn đốc và giám sát con, buộc con phải đi ngủ (muộn nhất là 9 giờ tối). Nhờ đó, các bậc cha mẹ sẽ gặp ít khó khăn trong việc gọi con thức dậy vào buổi sáng hôm sau để chuẩn bị đến trường.
Những thành tích đáng mừng của thế hệ trẻ người Việt tại Đức |
Cổng trường được khóa lúc 8 giờ, nếu học sinh nào đến muộn sẽ không được vào lớp. Thông qua việc tuân thủ quy định của giờ học, nhà trường và gia đình đã giáo dục trẻ ngay từ nhỏ phải có kỷ luật, đúng giờ giấc.
Vì thế, bất cứ một người nước ngoài nào đã từng sống ở Đức một thời gian, đều học được tính kỷ luật về giờ giấc của người bản địa và có nhận định chung rằng: "người Đức rất đúng giờ".
Nội quy học tập ở trường
Theo nội quy chung, một lớp có tối đa là 20 học sinh. Mỗi tuần, các em sẽ học từ thứ hai đến thứ sáu. Buổi học bắt đầu từ 8 giờ, mỗi ngày có 5 tiết học, mỗi tiết 45 phút. Sau 2 tiết học đầu, các em có 30 phút giải lao để ăn sáng. Buổi học kết thúc vào lúc 13 giờ.
Theo quy định của Bộ giáo dục, mỗi thầy cô giáo chủ nhiệm ở trường tiểu học sẽ giảng dạy các môn chính cho học sinh. Hai môn nhạc và thể thao, các em được giáo viên chuyên môn hướng dẫn tại phòng nhạc và phòng thể thao của trường.
Nếu học sinh bị ốm không đến được trường, phụ huynh phải gửi giấy hoặc gọi điện tới trường để xin phép. Trường hợp học sinh nghỉ học không có xin phép của cha mẹ, nhà trường sẽ gửi thư mời phụ huynh đến trường để gặp trực tiếp giáo viên chủ nhiệm.
Đặc biệt, nếu học sinh nghỉ học nhiều ngày không xin phép và phụ huynh cũng không đến gặp giáo viên chủ nhiệm khi nhận được giấy mời, nhà trường sẽ thông báo tới phòng Thanh thiếu niên để xử lý tiếp.
Mỗi năm nhà trường tổ chức cho các em đi dã ngoại để tìm hiểu thêm nhiều điều mới lạ.
Thầy cô giáo đưa học sinh tiểu học đi tham quan cổng thành Brandenburg ở Berlin (Ảnh: tác giả cung cấp) |
Hình thức tổ chức đặc biệt của trường tiểu học
Rất nhiều gia đình cả cha và mẹ đều đi làm, họ không có điều kiện đón con vào lúc 13 giờ. Để tạo điều kiện giúp đỡ cho các bậc phụ huynh này, nhà trường thường tổ chức hình thức quản lý, trông coi học sinh sau 13 giờ.
Tùy theo số lượng học sinh tham gia mà nhà trường sẽ biên chế số lượng giáo viên ở lại quản lý, trông coi học sinh. Ví dụ như: Một trường tiểu học có 4 lớp khối 1, sau khi tan trường lúc 13 giờ, khoảng 50% các em được cha mẹ đón về, số còn lại sẽ được dồn lại 2 lớp. Học sinh được gửi lại sẽ ăn bữa trưa ở trường.
Ở Đức bữa ăn trưa là bữa ăn nóng trong ngày. Hằng ngày, nhà bếp sẽ có từ 2 đến 3 thực đơn để các em lựa chọn.
Nhà ăn của trường tiểu học Stuttgart tại Cộng hòa liên bang Đức (Ảnh: tác giả cung cấp) |
Sau khi ăn trưa, các em sẽ về phòng học để cùng học, cùng chơi dưới sự giúp đỡ của giáo viên. Nhiệm vụ của các cô là trông coi, giúp đỡ học sinh làm bài tập, vẽ hoặc làm thủ công, với hình thức “vừa học vừa chơi”...
Nếu thời tiết đẹp, cô sẽ đưa các em ra chơi khoảng một tiếng ở ngoài trời. Muộn nhất là 4 giờ 30 cha mẹ phải đón học sinh về nhà.
Lệ phí cha mẹ phải đóng góp cho con, tương tự như đóng góp ở vườn trẻ và tùy theo cách tổ chức riêng của từng trường tiểu học. Nếu tổng thu nhập của cha mẹ không cao, họ sẽ được phép xin trợ cấp của nhà nước.
Chất lượng đào tạo của các trường tiểu học ở nước Đức
Một tổ chức của thế giới mang tên “Trends in International Mathematics and Science Study” đã điều tra kiến thức về toán học và hiểu biết khoa học tự nhiên của nhóm học sinh 10 tuổi, tại các trường tiểu học khác nhau trên thế giới.
Có 40 nước tham dự cuộc điều tra này. Cuộc điều tra đã công bố kết quả, lần lượt ở các vị trí là các nước: Hongkong, Singapore, Nhật Bản... và nước Đức được xếp hạng 12.