Ai thúc đẩy các hướng dẫn viên người Trung Quốc làm xấu hình ảnh Việt Nam?

03/07/2016 07:24
HOÀNG TUẤN
(GDVN) - Các hướng dẫn viên (HDV) du lịch người Trung Quốc có thể làm mọi cách để làm xấu hình ảnh Việt Nam đi để họ kiếm được nhiều tiền từ khách du lịch.

Cách đây khoảng 7 tháng, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng bài phản ánh về một showroom ở Đà Nẵng chỉ đón khách Trung Quốc, cấm cửa khách Việt.

Đó là showroom H.A Cao su thiên nhiên (địa chỉ 148 Xuân Thủy, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Showroom này chuyên đón khách du lịch Trung Quốc vào mua sắm, tuy nhiên, khách Việt Nam và người dân muốn vào mua sắm thì bị “cấm cửa”.

Điều này liên quan đến sự việc các hướng dẫn viên (HDV) người Trung Quốc “núp bóng” khách du lịch qua Việt Nam làm HDV “chui” xôn xao dư luận thời gian gần đây.

Bên trong showroom H.A Cao su thiên nhiên "chỉ đón khách Trung Quốc, cấm cửa khách Việt" toàn ghi chữ Trung Quốc trên các mặt hàng. Theo một số người dân sống gần showroom này, có nhiều đoàn khách du lịch Trung Quốc được đưa đến đây mua sắm. Ảnh: Hoàng Tuấn
Bên trong showroom H.A Cao su thiên nhiên "chỉ đón khách Trung Quốc, cấm cửa khách Việt" toàn ghi chữ Trung Quốc trên các mặt hàng. Theo một số người dân sống gần showroom này, có nhiều đoàn khách du lịch Trung Quốc được đưa đến đây mua sắm. Ảnh: Hoàng Tuấn 

Theo một HDV người Việt có thâm niên 10 năm làm nghề HDV tiếng Trung (hiện đang làm HDV cho một công ty du lịch ở Đà Nẵng) chia sẻ, các công ty lữ hành ở Trung Quốc đưa các HDV người Trung Quốc qua Việt Nam với mục đích là làm kinh tế cho họ.

Vì thế, các HDV người Trung Quốc này có thể làm mọi cách để làm xấu hình ảnh Việt Nam đi để họ kiếm được nhiều tiền từ khách du lịch. Ví dụ gần đây nhất là vụ việc xuyên tạc lịch sử Việt Nam, hay nói biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) là “China beach”.

“Thị trường du lịch Trung Quốc mang tính ăn xổi, nghĩa là công ty tư nhân nhiều, nên không mang tính bền vững. Có thể hôm nay anh lập một công ty du lịch, sau đó thuê người vào làm rồi sau đó anh kiếm được một mớ tiền rồi không thuê người làm nữa, đóng cửa nghỉ.

Hiện tại, Việt Nam mình không thể theo được vòng quay này vì họ thay đổi liên tục cách làm, họ không nghĩ về lâu dài. Khi không theo được thì họ lại đưa nhân lực từ Trung Quốc qua làm.

Chính vì thế, các HDV người Trung Quốc này đã làm xấu đi các hình ảnh về đất nước Việt Nam mình trong con mắt bạn bè quốc tế đến du lịch”, một HDV người Việt cho biết và xin giấu tên vì sợ bị ảnh hưởng tới nghề nghiệp.

Theo HDV người Việt phân tích, thì thường những HDV người Trung Quốc này không bao giờ mang theo thẻ hành nghề vì sợ bị phát hiện thì sẽ bị thu thẻ.

Nếu bị hỏi thì cùng lắm họ gọi điện về công ty du lịch bên đó và có chăng mình chỉ phạt được các HDV này thôi. Nhưng sau đó ngày hôm khác họ lại đi tiếp hành trình HDV cho đoàn khách đó.

Nói nôm na, hiện mình đang làm du lịch theo kiểu “mắt nhắm, mắt mở”, nghĩa là bắt rồi (bắt các HDV du lịch Trung Quốc “chui” - PV) rồi lại thả, thả xong rồi ngày khác nó lại qua lại làm HDV “chui”.

Một HDV người Trung Quốc đang thuyết minh cho đoàn khách Trung Quốc khi qua Đà Nẵng du lịch. Ảnh: HDV cung cấp
Một HDV người Trung Quốc đang thuyết minh cho đoàn khách Trung Quốc khi qua Đà Nẵng du lịch. Ảnh: HDV cung cấp

“Hiện nơi nào có khách Trung Quốc đến du lịch đều xảy ra tình trạng này. Trong đó khách du lịch Trung Quốc đến đông nhất là Việt Nam và Thái Lan vì các tour đi hai nước này giá rất rẻ, chỉ bằng 0 (không có lãi hoặc chỉ lỗ đi mấy trăm Nhân dân tệ).

Mục đích của các công ty du lịch của Trung Quốc làm việc này là hiện họ chia ra các thị trường khách: Thứ nhất là “thị trường khách mua bán”. Khi khách tham gia vào hình thức du lịch này thì bắt buộc vào một cửa hàng nào cũng phải mua bán, cho dù đó là một cửa hàng nhỏ nhất.

Sau đó, HDV người Trung Quốc “chui” sẽ báo tên những cửa hàng mà đoàn khách tới để các công ty du lịch ăn chia với các cửa hàng đó. Khi tham gia hình thức này, các dịch vụ như tiền xe, tiền khách sạn…của khách sẽ được miễn, khách chỉ phải trả tiền vé máy bay đi về giữa hai nước thôi.

Các công ty du lịch của Trung Quốc sẽ lấy cái tiền mua bán đồ của khách để bù vào.

Thứ hai là hình thức “thêm cảnh điểm”. Hình thức này có nghĩa khi khách Trung Quốc đi qua Việt Nam chỉ có chương trình tham quan Hội An chẳng hạn. Nhưng nếu khách muốn đi Bà Nà thì phải mua thêm tour, thêm phụ phí…”, một HDV người Việt phân tích và xin giấu tên.

HDV này cũng đưa ra dự đoán là nếu Đà Nẵng không dừng ngay việc HDV “chui” người Trung Quốc thì khoảng 4 tháng nữa thì sẽ loạn và sẽ khó làm.

Ví dụ như ở Thái Lan, vừa rồi Chính phủ không giải quyết được nạn HDV “chui” này, người ta xuống đường hết người ta biểu tình. Cuối cùng, họ bắt buộc đuổi hết các HDV người Trung Quốc về nước thì các HDV Thái Lan mới quay trở lại làm việc.

Một chương trình tham quan của một đoàn khách Trung Quốc khi tới Đà Nẵng du lịch. Trong chương trình này có phần giới thiệu bị các HDV "chui" người Trung Quốc xuyên tạc biển Mỹ Khê của Đà Nẵng là "China beach" (biển Trung Quốc). Ảnh: HDV cung cấp
Một chương trình tham quan của một đoàn khách Trung Quốc khi tới Đà Nẵng du lịch. Trong chương trình  này có phần giới thiệu bị các HDV "chui" người Trung Quốc xuyên tạc biển Mỹ Khê của Đà Nẵng là "China beach" (biển Trung Quốc). Ảnh: HDV cung cấp

Tại buổi “Đối thoại với các doanh nghiệp” mới đây, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng cảnh báo du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng không cần HDV Việt Nam đang là mối lo cần chấn chỉnh.

Ông Vinh lo ngại các HDV “chui” người Trung Quốc họ nói gì, thuyết minh gì về Việt Nam và Đà Nẵng? Chắc chắn là những điều không tốt nhiều hơn điều tốt.

“Nên chăng Đà Nẵng học bài học từ chính quyền Thái Lan, cơ quan quản ý nhà nước, các ngành chức năng chấn chỉnh ngay, nên chăng không cho bất cứ công ty của nhà nước nào có quyền lực để làm chui với Trung Quốc.

Cần tổ chức lại, kiểm soát kỹ đối với hướng dẫn viên khách nước ngoài. Nhất là đối với khách Trung Quốc, nếu không hậu quả sẽ khó lường", ông Vinh nói.

Tại buổi đối thoại này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng thừa nhận sự yếu kém trong công tác quản lý du lịch và yêu cầu Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan phối hợp với công an, quản lý thị trường và các đơn vị kiểm tra, xử lý.

“Việc quản lý lỏng lẻo của chúng ta khi khách đến đây không dùng hướng dẫn của chúng ta mà dùng hướng dẫn của họ, hay những tour du lịch 0 đồng, thì cần chấn chỉnh nếu không sẽ gây ra những hệ lụy khác, Sở Du lịch cần vào cuộc, chấn chỉnh, làm rõ", ông Thơ nói.

HOÀNG TUẤN