LTS: Bạo lực học đường chắc hẳn là mối lo ngại hàng đầu của các bậc làm cha mẹ.
Còn dưới góc nhìn của một học trò thì sao? Các em chính là người trong cuộc và hôm nay, em Nguyễn Huyền My (học sinh lớp 12T1 trường Trung học Phổ thông Thăng Long, Hà Nội) có bài viết về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Bạo lực học đường hiện đang trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu khiến nhiều trẻ em bị ám ảnh quá khứ, tổn thương tâm lý và sai lệch nhân cách.
Với các hình thức bắt nạt ngày càng tinh vi, số lượng trẻ bị trầm cảm cũng tăng lên và rất nhiều trong số đó đã có hành vi tự tử, phản ánh nhiều qua các video được đưa lên mạng xã hội trong thời gian gần đây.
Khi cả bên bắt nạt và bị bắt nạt đều là nạn nhân
Những đứa trẻ chịu sự bắt nạt ở trường học thường phải đối mặt với nguy cơ tổn thương về mặt vật lý, và chướng ngại về mặt tinh thần trong phát triển nhân cách sau này.
Theo khảo sát, 3/4 số vụ tự tử liên quan tới trẻ vị thành niên hàng năm đều là hệ quả của bạo lực học đường.
Những đứa trẻ từng trải qua việc bị bắt nạt thường gặp khó khăn và hạn chế trong giao tiếp xã hội, và trong một số trường hợp khác còn thể hiện sự lệch lạc về cảm xúc và nhận thức cũng như rối loạn về mặt nhân cách.
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn. |
Và hầu hết những đứa trẻ này đều không được phát hiện và trợ giúp kịp thời cho đến khi sự việc đã trở nên nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cũng không phải chỉ có những đứa trẻ bị bắt nạt mới là nạn nhân.
Trong hầu hết các nghiên cứu, khảo sát, người ta đã bỏ qua gần như một nửa vấn đề, rằng những kẻ bắt nạt cũng chỉ là những đứa trẻ, và thậm chí còn cần được giáo dục, bảo vệ nhiều hơn so với nạn nhân của chúng.
Hành động bắt nạt có phải là hành vi có ý thức và những đứa trẻ này đều ý thức được hành vi của mình là sai trái, khi mà những đứa trẻ xung quanh hùa theo, còn các giáo viên, phụ huynh thì không nắm đủ rõ tình hình?
Chúng ta dường như chưa nghĩ đến những đứa trẻ này một cách công bằng và thấu đáo về nguyên nhân dẫn hành vi bạo lực, thiếu thốn và bất an khiến chúng phải làm tổn thương người khác cũng như trong suốt quá trình dằn vặt chúng phải trải qua.
Tất cả những gì chúng ta nghĩ đến chỉ là việc phán xét dựa trên hoàn cảnh, môi trường sống hay chỉ số thông minh của chúng; sau đó chúng ta liệt những học sinh này vào diện học sinh cá biệt, bị giáo viên cách ly hoặc dung túng và chỉ một số ít được định hướng trở lại để hòa nhập và nhận sự thứ tha.
Trong phần nhiều trường hợp, những đứa trẻ gây ra những hành vi bạo lực thường trở thành nạn nhân của hành vi bắt nạt sau này (thậm chí số lượng còn nhiều hơn nhiều so với những đứa trẻ từng là nạn nhân).
Chúng ta cũng chưa có nhận thức đúng đắn về vấn đề đạo đức, trong nhiều trường hợp, bạo lực học đường còn là biểu hiện của cảm giác thiếu an toàn, bất công mà một đứa trẻ phải gánh chịu.
Thông thường ta phán xét, thương hại, buộc tội mà quên mất rằng những đứa trẻ đi bắt nạt cũng đang dằn vặt và đau khổ hệt như những nạn nhân của chúng.
Báo động chuyện học sinh nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô |
Nó cũng giống như áp lực đau đớn từ mọi phía, cảm giác cô đơn, tuyệt vọng như những đứa trẻ bình thường.
Có thể ví bạo lực học đường như một căn bệnh hiểm nghèo đang lây lan với tốc độ chóng mặt và cần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Nếu một đứa trẻ được dạy dỗ từ nhỏ về lòng yêu thương, trắc ẩn và sống trong sự đùm bọc, yêu thương thì khả năng chúng có những hành vi bạo lực học đường liệu có cao?
Tất nhiên là không, bởi chúng được dạy phải quan tâm, yêu thương và không miệt thị, làm tổn thương người khác.
Chúng ta đang có những hành động gì?
Trong những năm gần đây, các hoạt động chống bạo lực học đường đang diễn ra một cách vô cùng tích cực và nhận được sự hưởng ứng tích cực trên toàn thế giới.
Trên tất cả các phương diện: từ giáo dục, nghệ thuật cho tới báo chí, truyền thông; tất cả đều phản ánh cho xã hội cái nhìn toàn diện hơn về bạo lực học đường.
Nữ sinh báo chí bày tỏ quan điểm về bạo lực học đường |
Có rất nhiều các cuộc thi làm phim về chủ đề này và được giới trẻ đón nhận.
Các cuộc thi viết được tổ chức thường niên, mang lại không ít các tác phẩm có giá trị nhân văn và nghệ thuật.
Đặc biệt hơn, các tổ chức thế giới cũng đang quan tâm sâu sắc tới vấn đề này. UNICEF ( Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) đã và đang tuyên truyền rộng rãi về vấn nạn bạo lực học đường trên nhiều quốc gia khác nhau.
Nhiều quốc gia đã thành lập những đường dây nóng dành riêng cho việc tố cáo bạo lực học đường, và vấn đề này cũng đang được đề cập đến trong chương trình giáo dục phổ thông.
Nhật Bản là một quốc gia tiêu biểu cho việc đấu tranh chống vấn nạn bạo lực học đường.
Qua giáo dục cũng như các phương tiện truyền thông như phim ảnh, sách truyện, … các phương tiện có thể tác động trực tiếp tới trẻ em, họ tuyên truyền về vấn đề này một cách thẳng thắn, mạnh mẽ và đầy cảm xúc.
Một số tác phẩm điện ảnh như Limit, Life, Crow zero; hay trong một số tiểu thuyết nổi tiếng khác của Nhật Bản, ta có thể bắt gặp thường xuyên những khung cảnh về bạo lực học đường (về tâm lý, hậu quả và sự dằn vặt của các nhân vật xoay quanh vấn nạn này), qua đó đưa đến cho độc giả một cái nhìn sâu sắc, trực diện đối với vấn đề vốn đang nhức nhối nhưng rất dễ bị xem nhẹ này.
Đặc biệt hơn, Nhật Bản còn tận dụng triệt để thương hiệu của mình để tuyên truyền về tác hại của bạo lực học đường.
Anime và manga từ lâu đã trở thành một trong những bộ mặt của quốc gia và tầm ảnh hưởng của chúng ra thế giới không hề nhỏ.
Trong hầu hết các tác phẩm mang tính giải trí này, tệ nạn bắt nạt được mô tả một cách trực quan chân thật với đối tượng khán giả chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên (những lứa tuổi liên quan trực tiếp tới bạo lực học đường).
Từ những tác phẩm kinh điển như Doraemon (những bộ truyện mà ai ai cũng biết), cho đến các tác phẩm mới nhất như là Koe no katachi (tuyệt phẩm manga ra đời vào năm 2011 và sắp được chuyển thể sang anime), vấn đề bạo lực học đường đều được mô tả như một nỗi ám ảnh thường nhật và chân thật.
Giáo viên, phụ huynh phải chủ động trang bị kiến thức!
Trong khi nhiều nơi trên thế giới đang đấu tranh quyết liệt chống bạo lực học đường thì vấn đề này cũng không hề có dấu hiệu thuyên giảm.
Tại sao trong một môi trường giáo dục những thế hệ tương lai của đất nước, đáng lẽ ra các em cần phải được bảo vệ và chăm sóc tốt nhất thì lại có những hành vi bạo lực lẫn nhau, vậy chúng ta đang mắc sai lầm gì trong công tác tổ chức, quản lý giáo dục?
Trách nhiệm của phụ huynh học sinh đang ở đâu? |
Ở một mức độ nào đó, công cuộc chống lại bạo lực học đường dường như chỉ phát triển mạnh mẽ và được chú ý nhiều ở các nước phát triển.
Ở các nước đang phát triển, sự nhận thức về vấn đề này vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Người ta thường coi nhẹ tầm ảnh hưởng của bạo lực học đường, tỏ thái độ thờ ơ trừ khi sự việc đã trở nên quá nghiêm trọng.
Công tác trang bị kiến thức, kĩ năng cho trẻ về vấn đề này vẫn còn nhiều sơ sài, thiếu sót cũng như hiện có quá ít các tổ chức được lập ra để hỗ trợ về vấn đề này.
Ở Việt Nam, vấn đề bạo lực học đường chưa chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy, giáo viên cũng không được cung cấp kĩ năng xử lý các hành vi bạo lực trong lớp học.
Khi những vụ bắt nạt, đánh đập về mặt thể xác, hay gây tổn thương tinh thần xảy ra, hầu hết các học sinh đều bối rối và xử lí vấn đề một cách cảm tính, trong khi đáng lẽ là những thứ chúng cần được dạy, chuẩn bị để đối phó và có nhà trường, cha mẹ làm người hướng dẫn, chỗ dựa cho các em.
Trong hầu hết các trường hợp, giáo viên và gia đình chỉ biết vấn đề khi mọi thứ đã trở nên nghiêm trọng trong khi những đứa trẻ không có cảm giác an toàn và yên tâm khi chia sẻ với phụ huynh, giáo viên (phải là người bảo hộ và đứng ra phân trần).
Với một nước đang trên đà hội nhập, phát triển như Việt Nam, cũng cần có thời gian để phát triển, để thay đổi; từ đó từng bước xây dựng chương trình giáo dục bắt kịp với thế giới.
Nhưng có thật chúng ta buộc phải chờ thêm vài năm, vài chục năm, hay là lâu hơn nữa để có thể phát triển ngang hàng chất lượng giáo dục bạo lực học đường với các nước tiên tiến?
Thực tế, chúng ta có nhiều thứ có thể thực hiện từ bây giờ mà không cần tới một tiềm lực quá lớn về tài chính.
Một chuyên gia người Nhật cho rằng, phần lớn các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường thuộc về cảm xúc và nhận thức, khi giáo viên lơ là trong việc gắn kết và quản lí các thành viên trong lớp học; khi cha mẹ không quan tâm tới con cái một cách đầy đủ; hoặc là áp lực gây ra bởi điểm số và bệnh thành tích.
Có thể thấy rõ giải quyết vấn đề bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của một tổ chức, cá nhân, quốc gia hay một đơn vị nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
Chúng ta cần phải quan tâm về những đứa trẻ và gần gũi, chia sẻ nhiều hơn để hiểu những vấn đề của chúng một cách sâu sắc, dưới cái nhìn của một đứa trẻ khác chứ không phải như những người lớn vô can.
Trong môi trường lớp học, nhiều giáo viên từ chối chịu trách nhiệm xử lí những vụ bạo lực diễn ra giữa học sinh với học sinh; hoặc thực thi trách nhiệm này một cách qua loa và nông cạn, dung túng và bưng bít.
Dù không phải là tất cả nhưng những điều này vẫn đang tồn tại, và dù có khó chấp nhận đến thế nào thì nó vẫn đang xảy ra.
Trong một gia đình, không phải phụ huynh nào cũng có cách xử lí các vấn đề về bạo lực học đường một cách hiệu quả.
Thứ nhất, những ông bố bà mẹ thường không đủ vững vàng và bình tĩnh khi trẻ kể lại về việc bị bắt nạt, dẫn đến tâm lý sợ hãi, lo lắng không đáng có ở trẻ (trong khi đáng nhẽ, những đứa trẻ này cần phải được trấn an từ chính tâm lý vững vàng của các bậc phụ huynh).
Thứ hai, các vị phụ huynh đôi khi chưa hiểu rõ tình huống mà con mình đang gặp phải, mà đã đi tới một số phương pháp quyết không hiệu quả như là ép con chuyển lớp chuyển trường, hoặc trực tiếp đe dọa đứa trẻ bắt nạt, hay là giao phó toàn bộ trách nhiệm cho giáo viên (những người chưa chắc đã nắm rõ vấn đề hơn họ là bao).
Những cách xử lí sai lệch đôi khi còn khiến mọi việc trầm trọng hơn, trẻ từ việc bị bắt nạt trở nên mất niềm tin vào nhà trường, gia đình và im lặng (nguyên nhân lớn nhất khiến hầu hết các vụ bắt nạt đều không được phát hiện và xử lí kịp thời trước khi gây ra hậu quả nghiêm trọng).
Bao giờ chúng ta mới thực sự chịu quan tâm tới những đứa trẻ của mình một cách thực sự sâu sắc như những người bạn có thể cùng chúng san sẻ áp lực và gánh nặng, chứ không phải như những bề trên vô cảm?
Trong những nỗ lực để chấm dứt bạo lực học đường, người ta thường tập trung vào những yếu tố thực tiễn rất nhiều, và đó cũng là phương châm hoạt động của hầu hết các quốc gia và tổ chức trên thế giới hiện nay với vấn nạn này.
Học trò Hải Phòng: "Bạo lực đang biến nhà trường thành chiến trường" |
Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao hầu hết những đứa trẻ hứng chịu bạo lực học đường lại lựa chọn im lặng?
Sự im lặng ấy không dừng lại khi chúng ta đã phát hiện ra vấn đề, cho dù có được bênh vực, được giải thoát, thì những đứa trẻ ấy cũng không thật sự can đảm để cất lên tiếng nói.
Làm sao có thể kết thúc bạo lực học đường?
Ở mức độ nào đó, các tác phẩm nghệ thuật nên được đánh giá cao trong công cuộc chống lại bạo lực học đường.
Một đứa trẻ khi đã cảm nhận sâu sắc về sự xấu xa của những hành động bắt nạt, cùng đồng cảm với sự đau khổ của nhân vật chính và được nuôi dưỡng những ý tưởng về sự công bằng, chính nghĩa từ chính những cuốn truyện tranh và phim hoạt hình đọc được thì sẽ ít có khả năng gây ra hay cam chịu trở thành nạn nhân của hành vi đó.
Xin trích ra đây câu nói của Mẹ Teresa: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại”.
Hãy làm ngay, đừng chờ đợi!
Đã đến lúc, chúng ta cần có những hành động tích cực nhằm chống lại tình trạng bạo lực học đường.
Tất cả chúng ta cần nhận thức sâu sắc về sự nguy hại của bạo lực học đường, biểu hiện của nó và cách thức xử lý.
Tất cả những đứa trẻ đều có quyền tới trường trong sự an toàn và hạnh phúc, nơi mà chúng có thể học tập, kết bạn và trở thành những con người vĩ đại. Chống lại bạo lực học đường và loại bỏ nó ra khỏi trường học phải là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Vấn đề bạo lực học đường đã trở thành một vấn nạn trong trường học, các cha mẹ, giáo viên có thể tìm hiểu về vấn đề này qua các sách báo, phương tiện truyền thông, đón đọc để tự trang bị và bảo vệ những thế hệ tương lai.
Cha mẹ hãy là những chỗ dựa vững chắc, hướng dẫn các em từ nhỏ lối sống lành mạnh và cách thức bảo vệ bản thân.
Các giáo viên cũng cần trang bị đầy đủ kiến thức để truyền đạt cho các em và có sự thấu hiểu, sẵn sàng tha thứ, hướng dẫn các em vướng vào những hành động bạo lực trở lại hòa nhập với bạn bè.
Hãy làm ngay, đừng chờ đợi!
Tài liệu tham khảo:
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A1o_l%E1%BB%B1c_h%E1%BB%8Dc_%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng
https://en.wikipedia.org/wiki/A_Silent_Voice_(manga)
http://www.unicef.org/wcaro/documents_publications_4271.html
http://www.rand.org/pubs/issue_papers/IP219/index2.html