Ngày 22/8/2018, tập thể giáo viên trường Trường Mầm non Phú Mỹ (thuộc thị xã Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã có đơn tố cáo hiệu trưởng và ban lãnh đạo nhà trường có nhiều sai phạm trong công tác thu - chi tài chính, biển thủ tiền ăn của học sinh và công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong việc nấu ăn cho trẻ tại nhà trường.
Trường Mầm non Phú Mỹ (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Nội dung tố cáo được cơ quan chức năng kiểm tra và xác nhận có 06 nội dung tố cáo sai, 06 nội dung tố cáo đúng nhưng việc xử lý sai phạm chưa được thực hiện nghiêm túc không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn gây bức xúc cho chính những người đứng đơn tố cáo.
Ngày 11/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Phú Mỹ đã ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra xác minh nội dung đơn tố cáo.
Sau hơn 2 tháng xác minh, ngày 16/11, Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Mỹ đã tổ chức họp công bố Kết luận số 2949/KL-UBND về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Mỹ Nguyễn Văn Tín là người chủ trì cuộc họp, cùng tham dự cuộc họp có ông Ngô Hồng Khanh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phú Mỹ và tập thể giáo viên, đại diện Hội cha mẹ học sinh của nhà trường.
Đoàn kiểm tra đã thông qua báo cáo kết luận 12 nội dung tố cáo của giáo viên. Trong đó, có 6 nội dung tố cáo đúng, 6 nội dung tố cáo sai hoàn toàn.
Từ các nội dung tố cáo đúng của tập thể giáo viên hướng chỉ đạo xử lý của Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Mỹ là yêu cầu lãnh đạo, Ban giám hiệu nhà trường (gồm hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng) nghiêm túc kiểm điểm, tự nhận hình thức kỉ luật tương ứng với mức độ sai phạm, đề ra giải pháp khắc phục các hạn chế, khuyết điểm.
Đối với những khoản chi chưa đúng, Hiệu trưởng có trách nhiệm hoàn trả phụ huynh học sinh khoản tiền ăn bán trú thu thêm 1 ngàn đồng, sau khi trừ chi phí đã thực hiện 2 ngày trong năm học.
Đối với khoản tiền âm 150.000.000 đồng (kết quả kiểm tra là 151.821.268 đồng): Hiệu trưởng có trách nhiệm hoàn trả khoản 75.906.128 đồng phát sinh trong năm 2017 theo đúng nội dung các khoản chi đã phản ánh trong số quỹ tiền mặt.
Đối với khoản tiền 75.915.140 đồng phát sinh từ tháng 1 đến tháng 5/2018 hiện đang chờ ý kiến phản hồi của tỉnh xin hợp đồng giáo viên năm học 2017-2018 trường hợp tỉnh không cho phép thì Hiệu trưởng có trách nhiệm hoàn trả như trên.
Hiệu trưởng có trách nhiệm nộp trả số sữa tồn 772 hộp sữa cho đơn vị cấp phát.
Tuy nhiên, tính từ khi Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Mỹ công bố kết luận số 2949/KL-UBND cho đến nay (đã hơn 2 tháng) nhưng những cá nhân sai phạm vẫn “bình chân như vại” ngồi “tự kiểm điểm” chứ chưa thấy động thái xử lý chế tài của các cấp có thẩm quyền nên gây bức xúc trong dư luận xã hội và gây bức xúc cho chính những người đứng đơn tố cáo.
“Tham nhũng vặt” nhưng hậu quả lớn
Nghị định số 34 /2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 05 năm 2011 quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; việc áp dụng hình thức kỷ luật; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật nêu rõ:
“ Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật” (Khoản 1, Điều 7).
Và hiện tại mặc dù Kết luận số 2949/KL-UBND về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo được công bố từ ngày 16/11/2018 và đã hết thời hạn xử lý theo quy định nhưng việc xử lý kỷ luật đối với các cá nhân sai phạm tại trường Mầm non Phú Mỹ vẫn đang nằm trong vòng “bí mật” nên sự bức xúc ngày càng “leo thang”
Cũng từ cách xử lý chậm chạp và trái quy định của cơ quan chức năng đối với những sai phạm của Ban lãnh đạo trường Mầm non Phú Mỹ nên các giáo viên đứng đơn tố cáo luôn cảm thấy bất ổn, lo sợ bị trả thù, bị trù dập.
Với những sai phạm mang tính chất “tham nhũng vặt” nhưng hậu quả của nó lại vô cùng to lớn, những đốm đen này đã và đang góp phần làm lở loét niềm tin của nhân dân đối với ngành giáo dục.
Giáo viên Trường Mầm Non Phú Mỹ tiếp tục kiện Ban giám hiệu nhà trường |
Hành vi ăn “chặn” tiền rau xanh trong khẩu phần ăn của những đứa trẻ đáng tuổi cháu chắt mình là một hành vi xấu xa, đáng hổ thẹn, gây nên bức xúc và đầy nhức nhối không chỉ đối với những bậc làm cha, mẹ có con, em học tại ngôi trường này mà còn là một sự xấu hổ đến tận cùng của những người đang công tác trong ngành giáo dục.
Hành vi ăn “chặn” số tiền rau 1000 đồng/ học sinh/ ngày được phát hiện lên tới con số hàng trăm triệu đồng hoàn toàn được xem xét và đánh giá là hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng trong quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Hành vi này, rất cần được xem xét xử lý khách quan và kịp thời nhưng hình thức xử lý đến thời điểm hiện tại của chính quyền địa phương thị xã Phú Mỹ đối với ban lãnh đạo trường Mầm non Phú Mỹ chỉ là “nghiêm túc kiểm điểm” đã khiến dư luận địa phương và cả những giáo viên đã dũng cảm đấu tranh đưa vụ việc ra ánh sáng bất bình tột độ.
Sự chậm trễ trong việc xử lý này đã đặt ra một câu hỏi lớn trong đội ngũ giáo viên và nhân dân địa phương: Liệu có gì khúc mắc nên mặc dù đã phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật đã hơn 02 tháng nhưng cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền vẫn chưa ra quyết định xử lý kỷ luật?
Liệu có sự bao che, nâng đỡ của các cấp có thẩm quyền ở đây?
Liệu sự việc có được “dĩ hòa vi quý?” “để lâu…hóa bùn?”
Ban lãnh đạo nhà trường sẽ tự nhận hình thức kỉ luật tương ứng với mức độ sai phạm như thế nào khi mà niềm tin và hình ảnh tốt đẹp của người thầy đã bị phá vỡ bởi những hành vi không chỉ đơn thuần là vi phạm pháp luật?
Họ vẫn tại vị tại chính ngôi trường đã ăn “chặn” khẩu phần ăn ít ỏi của những đứa trẻ, liệu có còn xứng đáng để giáo dục dạy dỗ các em?
Rồi số phận của 15 giáo viên từng đứng đơn tố cáo sẽ thế nào khi những người ấy vẫn trực tiếp lãnh đạo mình?
Với việc xử lý nửa vời thế này, người sai phạm cứ ung dung, người tố cáo thì lo lắng, bất an… đây là điều thật sự đáng lo ngại vì niềm tin pháp luật của những người dám đứng lên chống tiêu cực sẽ bị thui chột.
Rất mong các cấp có thẩm quyền ở thị xã Phú Mỹ sớm có câu trả lời để bạn đọc được biết.
Để chính họ thấy được sự nghiêm minh của pháp luật đã được thực thi.
Ngoài ra, cũng góp phần ngăn chặn những suy nghĩ thực dụng đang manh nha trong suy nghĩ một số cán bộ quản lý.