ĐBQH quan tâm thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo, bảo lưu chế độ khi điều động GV

20/11/2024 10:54
Mộc Hương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Sáng 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay, ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ Nhà giáo và ngành Giáo dục - những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.

211020240948-z5951419648340_99d4ec536437089f55426f2d4634c74a.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp sáng ngày 20/11. Ảnh: quochoi.vn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.

Trong mối quan tâm chung nhằm thể chế hóa, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật. Tại phiên thảo luận tổ cũng đã có 90 lượt ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội.

Giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục có thể tháo gỡ những vấn đề khó khăn nhất

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa) giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã rất nghiêm túc, trách nhiệm, dành nhiều thời gian để tổ chức các hội nghị, hội thảo, cầu thị lắng nghe, tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần để hoàn thiện Luật Nhà giáo.

Đại biểu Trần Văn Thức đánh giá, dự thảo luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước. Các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng qua các kỳ đại hội đều nhất quán trong việc xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng, cốt lõi, có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, khẳng định rõ, cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn, đặt ra yêu cầu cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo.

Về thực trạng hệ thống pháp luật hiện nay, các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đang chịu sự điều chỉnh của 6 luật gồm: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Giáo dục đại học.

201120240804-z6050154320419_fa8380c4dab8738d505507483ab151ef.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: quochoi.vn.

Tuy nhiên, các nội dung về quản lý nhà giáo giữa các luật chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ. Mặt khác, một số bất cập phát sinh trong công tác quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay và việc kiến tạo các chính sách phát triển đội ngũ đột phá cho sự phát triển, nâng tầm quản lý nhà giáo về mặt lý luận cũng như thực tiễn, không thể quy định chung trong các luật hiện hành nêu trên.

“Như vậy, cả về quan điểm, chủ trương của Đảng lẫn sự quan tâm của xã hội đều xác định vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu của nhà giáo, nhưng thực tế, hệ thống pháp luật sau thời gian dài vẫn chưa có luật riêng về nhà giáo để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường làm việc, các chính sách đối với nhà giáo như tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh, bảo vệ và phát triển…

Từ các căn cứ như nêu trên, việc ban hành Luật Nhà giáo vì thế hết sức cần thiết khi vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Do đó, tôi thống nhất cao đối với sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo như Tờ trình cũng như nội dung của dự thảo Luật đã nêu” - Đại biểu Trần Văn Thức bày tỏ.

Đi vào nội dung cụ thể, vị đại biểu bày tỏ quan tâm đến thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo: “Từ thực tiễn, kinh nghiệm quản lý trong ngành giáo dục, tôi nhận thấy, hiện trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ đang ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì, nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Cụ thể: Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức, tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo.

Ví dụ: Việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Điều kiện đăng ký dự tuyển còn chưa tính đến các yếu tố đặc thù của nhà giáo…

Việc phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết các địa phương, cơ quan chuyên môn là Phòng Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn. Hệ quả của vấn đề này được thể hiện rõ trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát: Địa phương không thể tuyển được giáo viên, không thể tổ chức dạy một số môn học…”.

Từ những phân tích trên, Đại biểu Trần Văn Thức đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo.

“Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo.

Đây chính là quy định rất quan trọng có thể tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn nhất và ngày càng trầm trọng về thừa - thiếu giáo viên từ nhiều năm nay ở nhiều địa phương” - vị đại biểu nhấn mạnh.

Về chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi, Đại biểu Trần Văn Thức cho hay: “Theo Báo cáo Tổng kết thi hành pháp luật về nhà giáo kèm theo Hồ sơ dự án luật cũng như ý kiến của cử tri, đánh giá của xã hội cho thấy: Mức lương, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo (đặc biệt là giáo viên mầm non, phổ thông) hiện đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác và đặc biệt là viên chức khối đoàn thể trên cùng địa bàn.

Lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là những giáo viên trẻ, mới vào nghề và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố. Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới…

Thực tế còn cho thấy, khẳng định về lương của nhà giáo “được ưu tiên xếp cao nhất” trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI sau hơn 10 năm vẫn chưa đi vào thực tế cuộc sống thì chúng tôi thấy là dự án Luật lần này đã đảm bảo điều đó”.

Nhiều băn khoăn liên quan vấn đề dạy thêm

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) đề cập: “Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thay mặt Bộ Chính trị, ngày 12/8/2024, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường ký ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29.

Kết luận số 91 đề cập đến chiến lược phát triển giáo dục. Kết luận cũng chỉ ra rằng, phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục.

Sáng 18/11/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo: Cần tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ kiến thức đến học sinh...”.

Huy Khánh.jpg
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai). Ảnh: quochoi.vn.

Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Nhà giáo, vị đại biểu đề cập đến một số ý kiến sau: Tại phiên thảo luận tổ ngày 09/11/2024 còn nhiều nội dung trong dự thảo luật được các vị đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến xây dựng để Luật Nhà giáo được hoàn thiện hơn như:

Tại điểm c khoản 2 Điều 11. Các hành vi bị nghiêm cấm, có ghi: “Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật;”… Về nội dung này còn nhiều ý kiến tranh luận.

Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi Luật Nhà giáo được thông qua cần phối hợp với các bộ nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư hướng dẫn xem xét thấu đáo, vì thực ra việc dạy thêm học thêm cũng có những mặt tích cực, không phải giáo viên nào cũng xấu, ép học sinh học thêm, học thêm cũng là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Dư luận xã hội có 2 luồng ý kiến: một là cấm, hai là quản lý. Vậy, chúng ta không thể “Không quản được thì cấm” vì có một thực tế, ví dụ con em của công nhân, khi họ phải tăng ca buổi chiều không đón con được, thì gửi gắm con em cho thầy cô, cần có cơ chế quản lý để bảo vệ.

Tại điểm b, khoản 1, Điều 16: Tuyển dụng nhà giáo; phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển và thi tuyển trong đó phải có thi thực hành sư phạm, còn có nhiều ý kiến trong đó có ý kiến bỏ thi thực hành sư phạm, theo tôi, không nên bỏ vì giáo viên là một ngành đặc thù riêng, phương pháp đứng lớp có vai trò quan trọng trong việc phân bổ thời gian, phong cách đứng lớp, cách trình bày bài giảng để truyền đạt kiến thức…

Sinh viên trong các trường sư phạm phải tham gia các môn phương pháp dạy học, phải tham dự các lớp kiến tập, thực tập để rèn luyện kỹ năng sư phạm để sau này ra trường có đủ kỹ năng cũng như phương pháp sư phạm để đứng lớp, giảng dạy…

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Tại khoản 1, Điều 61 Hiến pháp 2013 cũng ghi rõ: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Vì vậy, với trách nhiệm của Quốc hội - cơ quan lập pháp tôi thực sự mong muốn chúng ta đóng góp xây dựng Luật Nhà giáo vì mục tiêu chung, vì sự phát triển của đất nước để “giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu”. Để tất cả các thầy, cô giáo được xã hội tôn vinh, ngành giáo dục vượt qua được khó khăn để đào tạo ra những thế hệ học sinh vừa hồng, vừa chuyên” - vị đại biểu nhấn mạnh.

Cũng cho ý kiến về vấn đề dạy thêm, học thêm, Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, cần nhìn nhận thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định cho phù hợp.

Cụ thể, về những việc mà nhà giáo không được làm, tại điểm c khoản 2 Điều 11 có quy định về việc không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Theo đại biểu, quy định này là cần thiết, tuy nhiên, nội dung này cũng đã được quy định tại khoản 5 Điều 22 của Luật Giáo dục, đó là ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

201120240957-z6050291727196_22da0c35301f39478e4947fed98c30b7.jpg
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy bày tỏ: “Cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp. Bởi trong thực tế việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản chúng ở lớp học.

Và nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là luôn có thật. Do đó, đại biểu nhận thấy, nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống”.

Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đại biểu thống nhất với chủ trương là “cần phải xem giáo dục là quốc sách” trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, việc chăm lo về chế độ chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng.

Tuy nhiên, để thực hiện được chế độ, chính sách được đề ra tại dự thảo Luật và dự thảo Nghị định quy định 9 nội dung chính sách tiền lương, phụ cấp hỗ trợ thu hút đối với nhà giáo, đại biểu cho rằng, cần phải căn cứ vào Luật Ngân sách có đảm bảo thực hiện được hay không, phải có đánh giá tác động chính sách thật kỹ. Đồng thời chính sách nếu có ưu tiên hơn thì cũng nên đặt trong mối tương quan hài hòa với các đội ngũ trí thức, lực lượng lao động khác của xã hội, những người cùng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Bảo lưu chế độ cho trường hợp nhà giáo được điều động đến vị trí công tác mới

Góp phần hoàn thiện dự thảo luật, Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho biết, điểm a khoản 5 Điều 21 về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo quy định, trường hợp điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập, nếu chế độ, chính sách ở vị trí công tác cũ cao hơn chế độ, chính sách ở vị trí công tác mới thì được bảo lưu các chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa là 36 tháng.

Đại biểu đề nghị cân nhắc việc bảo lưu chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa 36 tháng, vì cần phải tương đồng với chính sách về cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, nhà giáo đã có nhiều chính sách ưu đãi theo dự thảo Luật hiện nay. Đại biểu đề nghị bảo lưu chế độ, chính sách trong thời hạn 6 tháng hoặc hơn, nhưng không phải là tối đa 36 tháng.

Bên cạnh đó, một số quy định về bảo lưu chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện hành được quy định bằng Nghị định của Chính phủ. Do đó, để phù hợp, đảm bảo tính thống nhất trong các quy định, đảm bảo không luật hóa các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Tại khoản 2 Điều 28 dự thảo luật quy định: nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể, các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đại biểu cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn quốc còn thiếu khoảng 11.000 nhà ở công vụ giáo viên; nhiều công trình nhà ở tập thể, nhà công vụ đã xuống cấp, hư hỏng hoặc rất tạm bợ, chật hẹp. Đối với các địa phương không có nhà ở công vụ, nhà ở tập thể, hầu hết giáo viên phải đi thuê nhà ở tư nhân.

kahwsc mai.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). Ảnh: quochoi.vn.

Để bảo đảm điều kiện nhà ở, tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục xem xét nghiên cứu bổ sung tại điểm a khoản 2 Điều 28 dự thảo luật theo hướng bên cạnh việc quy định nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu, hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở; đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tranh luận với Đại biểu Dương Khắc Mai, Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho rằng: “Tại điểm b, khoản 5, Điều 21, điều động nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập: trường hợp điều đồng nhà giáo từ các cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục thì được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong thời gian tối đa 12 tháng.

Đây là một trong những lời tâm sự thật lòng. Khi dự thảo luật được đưa ra, dự thảo ban đầu là 36 tháng giữ lại phụ cấp, sau đây còn 12 tháng. Nhưng với cá nhân tôi, mong muốn những trường hợp này được giữ nguyên phụ cấp thâm niên nhà giáo. Vì chúng ta đang thực hiện thu hút nhân tài, về cơ quan quản lý giáo dục làm việc, đó là những nhà giáo rất giỏi chuyên môn khi ở trường, chúng ta phải bảo vệ họ khi thu hút về làm việc. Thực tế, có chuyện như này: phụ cấp của một giáo viên, cán bộ quản lý khi được điều động về Sở Giáo dục và Đào tạo hay Phòng Giáo dục và Đào tạo bị giảm thu nhập do mất đi phụ cấp. Như vậy sẽ không tạo được động lực để thu hút nhân tài”.

Về nội dung này, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, chế độ cho cán bộ, giáo viên khi điều động sẽ áp dụng cụ thể cho một số trường hợp. Chẳng hạn, khi điều động giáo viên, cán bộ từ các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, chẳng hạn như ở vùng khó về Phòng Giáo dục và Đào tạo được bảo lưu chế độ tối đa 36 tháng; còn đối với các cán bộ quản lý, giáo viên được điều động về Sở Giáo dục và Đào tạo, đã có điều kiện làm việc thuận lợi hơn, thì bảo lưu tối đa 12 tháng.

Mộc Hương