Sáng 27/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang, mảnh đất phên dậu phía bắc của Tổ quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về ấn tượng khi tham quan các gian hàng triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các huyện vùng cao Hà Giang, tối 26/11, với nhiều mặt hàng mẫu mã đẹp, phong phú, tạo sự khác biệt, đặc biệt là sản phẩm từ đồng bào dân tộc vùng cao.
Phần lớn sản phẩm đã có xuất xứ hàng hóa, dễ truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm và có thể thanh toán qua điện thoại thông minh.
Thủ tướng cũng chia sẻ, ngay trước khi tới dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, ông đã cùng một số lãnh đạo vào làng của đồng bào dân tộc Tày và vui mừng thấy văn hóa dân tộc được giữ gìn, loại hình du lịch homestay đã xuất hiện và có những cô gái rất trẻ đã thành lập hợp tác xã (mang tên Đồng quê) để làm các dịch vụ ở địa phương.
Đặc biệt, ngôi làng mà Thủ tướng tới thăm có 120 hộ đồng bào dân tộc nhưng chỉ có 2 hộ nghèo. Những hình ảnh đó “mang lại khí sắc mới cho vùng cao Việt Nam”.
Từ đó, Thủ tướng đánh giá cao thành tích mà tỉnh Hà Giang đạt được trong năm qua, nhất là đã chủ động tìm lối ra, cách làm từ lợi thế so sánh của mình.
Tỉnh đã nỗ lực vượt lên khó khăn về vị trí địa lý, đạt kết quả đáng khích lệ tạo tiền đề cho phát triển bền vững, quy mô lớn trong tương lai.
Số hộ nghèo giảm bình quân khoảng 5%/năm, tăng trưởng GRDP đạt 7%, xuất khẩu đến trên 2,5 tỷ USD, nộp ngân sách gần 2.000 tỷ trong năm nay, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 55%...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng, Hà Giang thành một tỉnh khá giả về kinh tế, hài hòa bền vững về xã hội và môi trường, góp phần xứng đáng vào vẻ đẹp bất tận của Tây Bắc. Ảnh: VGP. |
Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ 3 ấn tượng lớn với tỉnh Hà Giang. Đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin khi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có hòm thư nóng, kết nối trực tiếp với tất cả bí thư chi bộ, họp trực tuyến đến tất cả các xã.
Thứ hai, tỉnh đã lựa chọn những nhà tư vấn nổi tiếng như McKinsey để tư vấn trong quy hoạch phát triển du lịch. Ấn tượng nữa là tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Đại học Fulbright để tư vấn chính sách.
Chứng kiến số lượng đại biểu đông đảo dự Hội nghị, Thủ tướng nhiệt liệt hoan nghênh sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với Hà Giang, đã vượt qua hàng trăm cây số về tận nơi đây.
Theo Thủ tướng, đây là những nhà đầu tư tâm huyết, trí tuệ và bản lĩnh, gợi nhớ đến tinh thần làm nên “con đường hạnh phúc” năm nào, nối thị xã Hà Giang với 4 huyện vùng cao phía Bắc.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với sự hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm hợp tác của Hà Giang, nhất định các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ đóng góp, vượt lên khó khăn để phát triển Hà Giang thành một tỉnh khá giả về kinh tế, hài hòa bền vững về xã hội và môi trường, góp phần xứng đáng vào vẻ đẹp bất tận của Tây Bắc cũng như toàn ngành du lịch Việt Nam.
Những gì các các nhà đầu tư làm hôm nay sẽ không chỉ góp phần tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho các cộng đồng dân tộc Hà Giang mà còn tạo ra sự phát triển đột phá ở vùng biên giới xa xôi trong tương lai.
“Chính vì vậy, Hà Giang cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tầm cỡ, những con sếu đầu đàn”, Thủ tướng nêu rõ.
Những mô hình kinh doanh tốt, những dự án có tính bao trùm, có khả năng lan tỏa, tạo việc làm, thu nhập bền vững cho người dân địa phương, là điều tiên quyết, mục tiêu hướng tới của Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp đến với Hà Giang.
Đây cũng chính là chìa khóa cho sự vươn lên của toàn bộ Tây Bắc cũng như tỉnh Hà Giang nói riêng trong thời gian tới. Thủ tướng cho rằng, tiềm năng phát triển nông nghiệp, dược liệu, du lịch, kinh tế biên mậu là rất lớn, có lợi thế so sánh, có thể đưa Hà Giang tiến lên với nhiều sản phẩm đặc sắc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang. Ảnh: VGP. |
Để góp phần hiện thức hóa tầm nhìn, tiềm năng này, Thủ tướng gợi ý một số giải pháp.
Trước hết, quan điểm một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và đồng hành cùng doanh nghiệp phải được thực hiện ở Trung ương và cả địa phương.
Chính quyền Hà Giang cần xắn tay áo cùng doanh nghiệp trong việc tiết giảm các loại chi phí kinh doanh không hợp lý, giúp doanh nghiệp đạt hiệu suất lao động cao và có được lợi nhuận bền vững, qua đó nâng cao khả năng thu hút, giữ chân doanh nghiệp đến với Hà Giang. Bởi khoảng cách xa như vậy, thời gian đi lại nhiều như vậy thì việc giảm chi phí rất quan trọng.
Thứ hai, phát huy tính năng động, chủ động và sáng tạo của địa phương từ lãnh đạo cho đến các sở, ngành và trực tiếp là đến các chuyên viên trong việc giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư.
Tăng cường năng lực điều hành, thực thi pháp luật của địa phương trên tinh thần phát huy tối đa sức sáng tạo, yếu tố công nghệ và tư duy đổi mới trong phương thức làm việc với doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tiếp tục áp dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, số hóa việc tương tác với doanh nghiệp…
Thứ ba, Hà Giang hoàn toàn có thể thu hút du khách quanh năm. Để làm được điều này, tỉnh cần làm tốt công tác truyền thông về hình ảnh và bản sắc địa phương, phát triển các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, đa dạng hóa sản phẩm, khôi phục và phát huy các giá trị lễ hội, văn hóa truyền thống.
Hà Giang cần góp phần cùng ngành du lịch cả nước trả lời đồng thời 5 câu hỏi: Làm sao để khách đến đông hơn, làm sao để khách ở lại lâu hơn, tiêu nhiều tiền hơn, làm sao để khách quay trở lại nhiều lần nữa và làm sao để khách kể về câu chuyện Hà Giang trong thời đại internet và mạng xã hội có sức lan tỏa rất nhanh trên toàn cầu…
Thứ tư, tỉnh cần làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực. Cần gấp rút tăng cường, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức, cải cách hành chính và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp ở địa phương.
Hà Giang cần tăng khả năng và cơ hội tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, bảo đảm công bằng và minh bạch trong quyền tiếp cận đất đai; tối đa hóa giá trị khai thác và lợi ích kinh tế cho địa phương.
Với diện tích đứng thứ 14 cả nước, nhưng chủ yếu là đồi núi và đá, Hà Giang phải sử dụng hiệu quả đất đai.
Theo đó, cần làm tốt công tác quy hoạch, bố trí lại dân cư ngay từ sớm để sao cho vừa giúp nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa cung cấp dịch vụ công, tạo sẵn quỹ đất cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nổi tiếng với các sản phẩm như cam sành, mật ong, chè Shan tuyết, đào, mận, lê, táo, hồng và các cây dược liệu như tam thất, thục địa, hồi, quế… Hà Giang cần nghiên cứu tổng thể để phát triển nông nghiệp theo 3 trụ cột quan trọng là sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch; tiếp tục phổ cập ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến; tập trung nguồn lực để xây dựng và nâng cấp thương hiệu, là phương cách hữu hiệu để nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Tại hội nghị, tỉnh Hà Giang đã trao 18 quyết định chủ trương đầu tư, 17 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng số vốn 16.100 tỷ đồng.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng sẽ có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang để lắng nghe, xử lý các kiến nghị của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho tỉnh phát triển hơn nữa.