Mướt mồ hôi hột chạy tiền du học cho con
Tháng 10 năm 2018, anh Phong cùng gia đình tiễn cậu con trai cả là Đỗ Phong Duy lên đường du học tại Anh.
Ngay từ khi Duy học cấp 2, gia đình anh Phong đã định hướng cho con việc du học tại châu Âu.
Song song với việc định hướng, gia đình cũng đầu tư rất nhiều tiền cho Duy học tiếng anh kết hợp với trải nghiệm những trại hè dành cho thanh thiếu niên được tổ chức tại Singapore.
Duy sang cấp 3, anh Phong càng mong ngóng đến ngày con được đi du học hơn bao giờ hết.
Bên cạnh việc học tiếng Anh, Duy cũng được cha mẹ đầu tư cho việc học một môn nghệ thuật vì đây là một trong những yêu cầu của trường bên đó.
Kế hoạch dài hơi là đến năm lớp 12, Duy phải được đi du học tại Anh theo diện được học bổng.
Để chạy đua cho kế hoạch này, không chỉ gia đình anh Phong mà cả người thân, họ hàng cũng phải đau đầu mất vài năm.
Từ việc cho Duy học ở nước nào, trường nào, theo diện gì cho đến việc chuẩn bị kinh phí cho con ăn học.
Anh Phong cho biết: "Gia đình tôi ngay từ đầu đã xác định cho con đi du học.
Mặc dù hai vợ chồng chỉ là công chức nhà nước, kinh tế cũng không phải quá giàu có nhưng cả tôi và mẹ cháu đều nhất trí dù phải đi vay nợ cũng quyết cho con đi du học.
Vì đây không chỉ là ước mơ của cháu mà còn là nguyện vọng của gia đình muốn cho cháu có một môi trường giáo dục hiện đại và tốt hơn.
Rất may gia đình chúng tôi đã có một kế hoạch dài hạn ngay từ khi cháu còn nhỏ đã đầu tư cho cháu học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài.
Đến kỳ nghỉ hè, gia đình tôi đăng ký cho cháu tham gia các khóa học hoặc trại hè tại Singapore và Thái Lan để cháu cơ cơ hội giao lưu với bạn bè quốc tế".
Nhờ việc đầu tư cộng thêm một kế hoạch dài hạn, Duy đã nhận được học bổng và trúng tuyển vào một trường Trung học tại Anh.
Dự định của gia đình là Duy sẽ học năm lớp 12 tại Anh sau đó tiếp tục thi đại học ở đây.
Với tính toán như vậy chi phí cho Duy du học cũng rẻ hơn khá nhiều. Duy được miễn tiền học và được ở kí túc xá miễn phí nhưng gia đình vẫn phải lo cho Duy tiền sinh hoạt.
Số tiền này cũng khiến gia đình mướt mồ hôi hột.
Anh Phong tâm sự: "Cháu may mắn không mất tiền học và tiền ở kí túc xá nhưng gia đình vẫn phải gửi tiền sinh hoạt phí cho cháu.
Ngày Duy đi du học, gia đình tôi chỉ có khoảng 50 triệu đồng tiền mặt trong nhà sau khi đã trừ hết các chi phí lo làm giấy tờ, thủ tục.
Hai vợ chồng phải nhờ đến sự hỗ trợ của họ hàng, người thân, bạn bè thậm chí là phải vay lãi nóng để cho cháu có tiền ăn học.
Tôi có người bạn con của anh ấy cũng du học tại Mỹ và mỗi năm gia đình phải mất một tỷ đồng cho con ăn học.
Mặc dù biết đây là con số rất lớn nhưng theo tôi nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư cho con ăn học".
Đến thời điểm này khi Duy đã ổn định bên Anh, gia đình anh Phong tiếp tục tính tới việc cho cậu con trai út là Đỗ Phong Nguyên hiện đang học lớp 6 nối gót anh Duy du học.
Tuy nhiên lần này anh Phong đã có sự cân nhắc hơn: "Tháng trước cháu Duy có điện về.
Hai bố con có tâm sự về cuộc sống cũng như việc học tập bên đấy. Duy cũng có khuyên tôi cân nhắc kỹ việc đầu tư cho Nguyên đi du học".
Đỗ Phong Duy được gia đình định hướng cho đi du học từ nhỏ (Ảnh: Vũ Ninh) |
Lý do mà Duy đưa ra là sức học của Nguyên không tốt lại được bao bọc từ nhỏ liệu sau này sang một môi trường khác có chắc chắn là tốt hơn nếu ở Việt Nam không?
Duy cũng kể ra những mặt trái của việc du học như áp lực trong học tập, sinh hoạt, rào cản ngôn ngữ, bất đồng văn hóa...
"Cháu Duy có nói với tôi cân nhắc việc đầu tư cho Nguyên đi du học bởi lẽ Nguyên có vẻ không hứng thú với việc học ở nước ngoài.
Nếu có đi cũng là do cha mẹ ép.
Thứ hai sức học của cháu không thật sự xuất sắc, tiếng Anh lại kém cỏi liệu sang đấy có thích nghi được không?
Thứ ba học xong cháu sẽ làm gì nếu cháu không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng bên đó thì sẽ không xin được việc.
Hoặc quay trở lại Việt Nam hoặc chấp nhận làm những công việc có thu nhập thấp và rẻ mạt.
Do vậy gia đình tôi cũng đang cân nhắc việc đầu tư cho Nguyên kế hoạch đi du học".
"Đừng làm theo những gì gia đình sắp đặt"
Vũ Thị Huyền đã có 2 năm du học tại Mỹ dưới sự sắp xếp của gia đình. Đến nay cuộc sống và công việc học tập của Huyền đang gặp nhiều khó khăn.
"Nhiều bạn du học sinh sang đây theo diện tự túc và các bạn đi cũng một phần vì nguyện vọng của gia đình.
Bản thân em cũng thế đi du học theo mong muốn của bố mẹ vì sức học của em như nào em là người rõ nhất.
Trước đây cứ nghĩ du học là sang một chân trời mới thế nhưng ở đây cũng có những mặt trái của nó đặc biệt là đối với những bạn nào không có vốn tiếng Anh tốt.
Em gặp phải những vấn đề về bất đồng văn hóa, rào cản giao tiếp với bạn bè quốc tế.
Cuộc sống ở bên đây phải tự lo cho mình từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt.
Nhiều khi gọi điện về đều phải nói dối bố mẹ con vẫn ổn nhưng thực ra không ổn chút nào".
Lời khuyên mà Huyền dành cho các bạn đang có ý định đi du học:
"Theo em các bạn phải nắm rõ được sức học của mình đến đâu. Đừng cố đấm ăn xôi chỉ làm theo những gì sắp đặt của cha mẹ.
Các bậc phụ huynh cũng nên tôn trọng quyết định của con cái, đừng vì cái tiếng của gia đình mà ép con phải làm những gì mình không thích.
Theo em môi trường học tập ở Việt Nam nếu tốt và phù hợp các bạn hoàn toàn có thể tự tin học tập trong nước".
Nguyễn Thị Linh cho biết việc có đi du học hay không phải phụ thuộc vào chính quyết định của con cái (Ảnh: Vũ Ninh) |
Nguyễn Thị Linh, du học sinh Tây Ban Nha chia sẻ:
"Theo em yếu tố quan trọng nhất trước khi các gia đình quyết định cho con đi du học phải căn cứ vào nguyện vọng và đặc biệt là sức học của các bạn ấy.
Môi trường giáo dục ở phương Tây rất tốt. Em thấy có rất nhiều anh chị xin được việc.
Muốn như thế cần phải chịu khó học tập, kiên trì, nghị lực và chuẩn bị một vốn ngoại ngữ tốt.
Ngoài ra các bạn có thể lựa chọn nhiều công việc làm thêm để có thu nhập, đỡ đần cha mẹ và trang trải chi phí sinh hoạt".