Tết và nỗi nhớ quê hương của du học sinh nơi xứ người

09/02/2024 06:39
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Xa quê hương, nỗi nhớ gia đình luôn thường trực, nhưng du học sinh Việt Nam đều cố gắng lưu giữ hình ảnh Tết Việt nhiều nhất có thể.

Đối với mỗi người Việt Nam, Tết là thời khắc để sum vầy, để đoàn viên bên gia đình. Thế nhưng cũng có những du học sinh lựa chọn theo đuổi đam mê, miệt mài trên hành trình tìm kiếm tri thức nên đành ngậm ngùi đón Tết Nguyên đán ở xứ người.

Năm nay là năm đầu tiên bạn Lương Quỳnh Anh (18 tuổi) hiện đang theo học chương trình dự bị tiếng tại Trường Đại học tổng hợp Lumière Lyon 2 (Université Lumière Lyon 2) ở Pháp đón Tết xa nhà.

Bạn Lương Quỳnh Anh hiện đang theo học chương trình dự bị tiếng tại Trường Đại học tổng hợp Lumière Lyon 2 (Pháp) lần đầu đón Tết xa nhà.

Bạn Lương Quỳnh Anh hiện đang theo học chương trình dự bị tiếng tại Trường Đại học tổng hợp Lumière Lyon 2 (Pháp) lần đầu đón Tết xa nhà.

Chia sẻ về cảm xúc của mình, Quỳnh Anh cho biết: “Vì chương trình học của mình bắt đầu từ khá sớm nên phải rời Việt Nam sang Pháp vào những ngày trước Tết. Trong những ngày đầu đặt chân đến Pháp, quả thật mình có rất nhiều điều bỡ ngỡ và có nhiều cảm xúc khác nhau, đặc biệt là nỗi nhớ nhà, nhớ những bữa cơm mẹ nấu.

Trong khoảng thời gian cận Tết này, khi thấy hình ảnh các bạn đồng trang lứa đang chuẩn bị nghỉ Tết, về nhà với bố mẹ, cảm xúc của mình lại càng hỗn độn hơn, dễ tủi thân hơn. Mình chỉ mong sớm có ngày được về Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình”.

Tuy nhiên, vì khi sang Pháp được sống chung với chị gái, nên đây có lẽ là một điều may mắn hơn của Lương Quỳnh Anh so với nhiều bạn du học sinh khác khi phải ở một mình. Năm nay, hai chị em sẽ đón Tết cùng nhau tại Pháp.

Khi nhắc đến Tết Việt, thứ mà du học sinh này nhớ nhất có lẽ là ẩm thực, những món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết như bánh chưng, xôi nếp, nem rán, thịt kho, hay các món như mứt tết, ô mai…

Để vơi đi nỗi nhớ nhà trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, Quỳnh Anh đã cùng chị gái đã lên một vài kế hoạch vui chơi, nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam và tham gia hoạt động gói bánh chưng, ăn tất niên do Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức.

Đặc biệt, cô bạn này còn chụp một bộ ảnh áo dài trên nước Pháp làm kỷ niệm, giới thiệu nét đẹp của người con gái Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Đã là lần thứ hai đón Tết xa nhà, bạn Hà Nam Phương (23 tuổi), hiện đang là sinh viên năm 3 tại Trường Đại học Nhân văn Quốc gia Liên bang Nga (RSUH), Moscow cũng có nhiều trải nghiệm đặc biệt.

Bạn Hà Nam Phương hiện đang là sinh viên năm 3 tại Trường Đại học Nhân văn Quốc gia Liên bang Nga (RSUH), Moscow đã có 2 năm ăn Tết xa nhà.

Bạn Hà Nam Phương hiện đang là sinh viên năm 3 tại Trường Đại học Nhân văn Quốc gia Liên bang Nga (RSUH), Moscow đã có 2 năm ăn Tết xa nhà.

Năm nay, vì lịch học bận rộn nên Phương không thể về quê ăn Tết. Phương chia sẻ: “Trong 3 năm học xa nhà, mình ở lại Nga đón Tết 2 lần (Tết năm Quý Mão 2023 mình được về Việt Nam). Mặc dù rất nhớ nhà, nhớ không khí ngày Tết quê hương nhưng vì lịch học dày đặc, nên mình đành ngậm ngùi quyết định ở lại.

Nhớ lại năm đầu tiên ăn Tết xa nhà, mình buồn và nhớ nhà nhiều lắm. Dù vậy, đêm giao thừa, gia đình gọi điện từ Việt Nam, mình vẫn cố gắng cười nói vui vẻ, kể cho bố mẹ các hoạt động của hội du học sinh Việt Nam tại trường tổ chức để bố mẹ không lo lắng. Nhưng sau khi tắt điện thoại, mình thực sự vỡ òa với những giọt nước mắt”.

Đến năm nay, tuy không còn buồn nhiều như lần đầu đón Tết xa nhà, nhưng không giây phút nào Nam Phương với nỗi nhớ bố mẹ và nhớ không khí ở Việt Nam. Đây có lẽ cũng là cảm xúc chung của người Việt Nam khi phải ăn Tết xa quê hương.

Đôi khi, những việc làm bình thường cùng bố mẹ, anh/chị/em như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, sắm Tết, bày khay bánh kẹo, hay đi chùa cầu bình an vào năm mới,… lại trở thành những điều “xa xỉ” đối với những người con xa xứ.

Thấu hiểu được nỗi nhớ nhà, nhớ Tết Việt của du học sinh, Hội Sinh viên Việt Nam tại các trường đại học hay cộng đồng người Việt tại Nga đều tổ chức nhiều hoạt động đón Tết như gói bánh chưng, trang trí cành đào, bày mâm ngũ quả,…

Bên cạnh đó, họ cũng tổ chức các buổi gặp mặt để giao lưu, kết nối cộng đồng người Việt; đồng thời, đây cũng là dịp để những người Việt Nam nơi đây tổng kết năm, ăn những món ăn truyền thống, thực hiện nghi lễ đếm ngược và chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.

Hội du học sinh Việt Nam tại nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động đón Tết Nguyên đán.

Hội du học sinh Việt Nam tại nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động đón Tết Nguyên đán.

“Mọi người đều cố gắng hết sức trong khả năng để tạo bầu không khí giống với Tết cổ truyền ở Việt Nam. Được gặp người Việt, nói tiếng Việt, ăn những món ăn truyền thống, nghe nhạc Tết,… cũng phần nào giúp mình vơi đi nỗi nhớ nhà.

Ngoài ra, với hy vọng đầu năm xuất hành đi chơi, cả năm sẽ được đi chơi, mình cũng đang lên kế hoạch cùng bạn bè đi tham quan một vài địa điểm gần Thủ đô Moscow (Nga)”, Nam Phương cho hay.

Cũng đã hai cái Tết không được sum họp cùng gia đình, bạn Nguyễn Lê Vy Thảo (hiện đang là sinh viên năm 2 tại Trường Đại học Drexel, bang Pennsylvania, Mỹ) cho biết bạn đã quen dần với cảm giác đón Tết ở nước ngoài.

“Vì ở Mỹ không có truyền thống ăn Tết Nguyên đán nên mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, sinh viên không được nghỉ Tết như ở Việt Nam mà vẫn phải đi học, đi làm.

Năm ngoái, lần đầu ăn Tết xa quê, nỗi nhớ Việt Nam và nhớ gia đình luôn thường trực trong mình. Mình nhớ cảm giác sum họp gia đình, mọi người cùng nhau gói bánh chưng và ăn uống, được tụ họp hay đi chúc Tết nhà họ hàng, bạn bè – những người mà trong năm mình không có nhiều dịp ở cạnh, nhớ cả cảm giác con cháu trong nhà xếp hàng được ông bà, bố mẹ lì xì may mắn…

Sang năm nay, việc ăn Tết xa nhà đã không còn là điều mới lạ với mình nữa, nên cảm xúc rạo rực lúc gần Tết tuy có, nhưng mình không còn cảm thấy tủi thân nhiều. Một phần là vì lịch học của mình khá dày, việc bận rộn cũng khiến mình quên đi bớt cảm giác nhớ nhà. Phần còn lại là vì mình cũng có những người bạn Việt Nam đón Tết ở Mỹ cùng nhau” – Vy Thảo chia sẻ.

Đã hai cái Tết không được sum họp cùng gia đình, bạn Nguyễn Lê Vy Thảo (sinh viên năm tại Trường Đại học Drexel, bang Pennsylvania, Mỹ) đã quen dần với cảm giác đón Tết ở nước ngoài.

Đã hai cái Tết không được sum họp cùng gia đình, bạn Nguyễn Lê Vy Thảo (sinh viên năm tại Trường Đại học Drexel, bang Pennsylvania, Mỹ) đã quen dần với cảm giác đón Tết ở nước ngoài.

Được biết, bang Pennsylvania (Mỹ) - nơi Vy Thảo đang học tập, sinh sống là một trong những tiểu bang có người châu Á sinh sống nhiều nhất tại Mỹ; trong đó, người Việt chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số người châu Á ở nơi này. Vì thế, Tết Nguyên đán hàng năm, hội du học sinh Trường Đại học Drexel và cộng đồng người Việt tại Pennsylvania (Mỹ) cũng có rất nhiều hoạt động sôi nổi để đón Tết.

Là một nữ sinh năng động, Vy Thảo cũng tham gia vào một nhóm nhảy để biểu diễn trong hoạt động đón Tết của trường năm nay. Không chỉ có vậy, Thảo còn cùng cả những du học sinh các nước Châu Á khác có ngày Tết Nguyên đán (Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines…) tổ chức gặp mặt, ăn uống và chia sẻ về văn hóa Tết của các quốc gia.

Đối với những du học sinh lựa chọn theo đuổi đam mê, ăn Tết xa nhà hẳn sẽ là khoảng thời gian có nhiều cảm xúc và kỷ niệm đặc biệt, giúp các bạn ngày càng trưởng thành hơn. Tuy xa quê hương là vậy, nhưng cứ hễ là người Việt Nam thì ai cũng cố gắng lưu giữ hình ảnh Tết Việt nhiều nhất có thể, tham gia nhiều hoạt động thể hiện lòng tự hào dân tộc.

Gửi lời chúc đến với gia đình, người thân, bạn bè ở Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các du học sinh đều mong mọi người sẽ có một cái Tết vui vẻ, ấm no và có sự khởi đầu năm mới thuận lợi, bình an. Và họ cũng mong muốn sớm có dịp được trở về thăm quê hương, gia đình.

Kim Minh Châu