Trình bày tại đại hội cổ đông bất thường sáng 6/9, ông Lê Phước Vũ vẽ ra tương lai sáng lạn cho các cổ đông khi Hoa Sen Group đầu tư vào siêu dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận”.
Ông Vũ so sánh, với các cảng dọc miền nam Trung bộ như Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định) thì cũng chỉ có tàu khoảng 30.000 tấn cập cảng được.
Ông Lê Phước Vũ trong vòng vây báo chí tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận ngày 27/8/2016. Ảnh: HOÀNG CÔNG TÂM/PLO. |
Còn cảng nước sâu vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), hẳn ông Vũ không dám mơ tới, bởi cách đây 9 năm (năm 2007), ông Phạm Văn Chi - trên cương vị là Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đã thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh bác dự án nhà máy thép có tổng mức đầu tư đến 11,5 tỉ USD của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc), được cho là dự án thép lớn nhất ở Việt Nam thời điểm đó.
Ông Chi nói rõ quan điểm: Đầm Môn đẹp như tranh vẽ mà cho san lấp làm nhà máy thép, còn gì môi trường. Trong khi Ban Thường vụ tỉnh ủy ra chủ trương quán triệt là ủng hộ nhà máy thép. Ông Chi từ chối chuyến đi Hàn Quốc khảo sát, tham quan nhà máy thép của Posco, mặc dù cán bộ đi về ai cũng nức nở khen.
Ông Chi cho rằng, nếu xây dựng nhà máy thép thì không chỉ môi trường vùng biển Khánh Hòa mà cả khu vực duyên hải nam Trung bộ bị tàn phá. Trung ương lắng nghe, và dự án nhà máy thép ở vịnh Vân Phong đã bị loại bỏ.
Vậy nên, ông Lê Phước Vũ phải từ bỏ giấc mơ Vân Phong, tìm đến Cà Ná.
Ông Vũ trình bày tại đại hội cổ đông: Cà Ná tiềm năng lớn nhất không đâu bằng, cả thế giới cũng không có vị trí như Cà Ná. Đường sắt cặp sát cảng, chỉ đầu tư khoảng 2,3 km đường sắt. Đường bộ sát quốc lộ 1.
Nhà báo bất chính vì phản đối “chọn thép, không chọn cá và con người”?Dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen phải trình Thủ tướng quyết định |
Cà Ná là cảng nước sâu tự nhiên, tàu 200.000 tấn đến 300.000 tấn cập cảng được. Chi phí đầu tư cầu cảng rẻ nhất chỉ có ở Cà Ná.
Theo đánh giá sơ bộ tiền khả thi, tổng đầu tư cầu cảng khoảng 12.000 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Chính phủ làm dự án đê chắn sóng, vốn đầu tư do tỉnh và trung ương.
Như vậy ta đầu tư cầu cảng chỉ khoảng 7.000 tỉ đến 8.000 tỉ đồng.
Riêng Cà Ná không có sông nên không bồi lắng tự nhiên, hàng năm không tốn cho phí nạo vét. Chi phí này rất lớn, tốn hàng chục triệu đô la Mỹ.
Riêng Cà Ná chỉ một lần đầu tư là khai thác muôn thủa, chỉ tốn vận hành. Ở khu vực này không bao giờ bị bão. Hơn 100 năm qua chưa bao giờ nghe Ninh Thuận có bão.
Thời gian xây dựng liên tục không lo bị bão, bị mưa. Cà Ná lại gần TP Hồ Chí Minh nhất”.
Ông Vũ nói rằng, ông đã cùng đại diện tỉnh Ninh Thuận đi tham quan nhiều nhà máy thép ở tận cả Châu Âu. Hàng trăm tổ hợp thép nằm giữa thành phố có sao đâu, như một công viên. Nhà máy thép nằm giữa Amsterdam (Hà Lan), ở Đức cũng vậy… mới chỉ có một Formosa mà đã sợ.
Chưa hết, ông Vũ còn nói về công nghệ sản xuất thép không gây ô nhiễm môi trường. Ông so sánh với Tập đoàn Hòa Phát thu số tiền khủng nhờ thép. Ông Vũ cũng tin rằng, dự án Hoa Sen - Cà Ná đem lại lợi ích lớn cho đất nước, cho xã hội thì không có gì phải sợ.
Vâng, ông Vũ không sợ, "không ngu gì" mà không đầu tư, nhưng dư luận thì có, người dân Ninh Thuận nói riêng và nhân dân cả nước thì có.
Đành rằng, ông Lê Phước Vũ là doanh nghiệp, chuyện ông mơ làm giàu là chuyện không có gì ầm ĩ song những tuyên bố lớn lao của ông về siêu dự án Hoa Sen - Cà Ná chỉ mới chỉ thấy một màu lợi ích của đồng tiền trong khi bóng đen của môi trường, thiết bị, xử lý chất thải thì ông Vũ còn lấp lửng.
Nào là dùng thiết bị Châu Âu thì không lãi, vậy Hoa Sen dùng thiết bị nào? Nước dùng cho nhà máy, ông Vũ nói là lấy nước biển, dù đầu tư tốn kém cũng phải làm, nhưng rồi, ông Vũ lại “khi nào thiếu nước thì mới dùng nước biển. Dự án đã được tỉnh kéo đường nước xuống tận nơi rồi”.
Ông Vũ còn tuyên bố là dự án sẽ khởi công năm 2017, nhưng Bộ Công Thương chỉ mới bổ sung dự án Hoa Sen - Cà Ná vào phút chót của giai đoạn 2020-2025 bằng quyết định số 3516, ký ngày 25/8/2016, cũng đã khẳng định là: Theo Luật đầu tư, dự án này sẽ trải qua nhiều bước.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương): Khi Chính phủ ra quyết định, lúc đó các bộ ngành mới tiến hành các bước như đánh giá tác động môi trường, lập thiết kế cơ sở và dự án đầu tư, trên cơ sở quy hoạch của chủ đầu tư lập dự án trình Bộ Kế hoạc&Đầu tư, phối hợp cùng các bộ ngành thẩm định về khả năng thực hiện của từng giai đoạn dự án, sau đó trình Chỉnh phủ.
Xem ra, giấc mơ làm giàu từ thép ở Cà Ná của ông Lê Phước Vũ vẫn chỉ là giấc mơ và chỉ mới được hiện thực bằng lời nói bởi Thủ tướng Chính phủ đã nói rõ quan điểm của Chính phủ: Quyết tâm không đánh đổi môi trường với bất cứ giá nào.