Đạo văn và “cưỡng đạo”

26/10/2015 07:11
Xuân Dương
(GDVN) - Chuyện đạo luận án tiến sĩ ở Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách Khoa Hà Nội mới tạm lắng thì lại đến chuyện đạo thơ của nữ tác giả vốn được bạn đọc mến mộ.

Đạo văn được giới học giả định nghĩa như sau: “Đạo văn là "chiếm hữu một cách sai trái"; "ăn cắp và công bố" ngôn ngữ, suy nghĩ, ý tưởng, hay cách diễn đạt của người khác và xem chúng như là những gì do mình tự tạo ra.

Trên thế giới, chuyện đạo văn, đạo ý tưởng xảy ra như cơm bữa, không chỉ người trong giới văn học, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học mà còn cả chính trị gia. Một loạt nhân vật tầm cỡ của Đức đã bị phanh phui đạo văn như Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu,…

Nước Việt ta, cũng không nằm ngoài quy luật. Chuyện đạo luận án tiến sĩ ở Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách Khoa Hà Nội mới tạm lắng dịu thì lại đến chuyện đạo thơ của một nữ tác giả vốn được bạn đọc mến mộ. 

Người Việt coi đạo văn cũng như đạo chích là ăn cắp của người khác làm của mình. Chuyện này nhiều người đã nói nên không bàn thêm nữa. 

Gần đây lại có chuyện ngược lại, người ta không biết vô tình hay cố ý “cưỡng bức” người khác phải nhận cái không hoàn toàn thuộc về mình, chuyện ấy không biết nên gọi là  “nghịch đạo văn”, “cưỡng đạo văn” hay là “phản đạo văn”.

Để cho tổng quát, phù hợp với nhiều lĩnh vực có lẽ nên dùng từ “Cưỡng đạo”. Xin kể hai chuyện cưỡng đạo mới xảy ra, thậm chí vẫn đang xảy ra.

Chuyện thứ nhất:

Ngày 2/7/2014 Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng bài viết “Nhận diện biểu hiệnLợi ích nhóm” trong công tác tổ chức, cán bộ và giải pháp khắc phục” [1] của hai tác giả Cao Văn Thống, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; TS. Đỗ Xuân Tuất, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đạo văn và “cưỡng đạo” ảnh 2
Ảnh chụp màn hình tạp chí Cộng sản ngày 24/10/2015

Một ngày sau, ngày 3/7/2014 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đăng trên trang web của Viện (trong mục Đảng Ủy) một bài viết, phần tác giả ghi là “Cao Văn Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”.

Bài viết trên tạp chí Cộng sản và trên trang web của Viện Kiểm sát Bình Định cùng tiêu đề, cùng nội dung nhưng tác giả thì khác, địa chỉ tác giả cũng khác. 

Nếu ông Cao Văn Thống, đồng tác giả bài viết trên Tạp chí Cộng sản và trên trang web Viện Kiểm sát nhân dân Bình Định chỉ là một người thì nghĩa là ông Thống đã nhận bài báo là của riêng mình, không có phần đóng góp của TS. Đỗ Xuân Tuất, tức là ông Thống đã “đạo văn”. 

Tuy nhiên người viết cho rằng ông Thống không có lỗi, lỗi là Viện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đã tự ý gán cho ông cái lỗi “đạo văn”. Tức là Viện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đã thực hiện hành vi “cưỡng đạo”. 

Vấn đề không còn là sự yếu kém trong việc xử lý thông tin trên mạng, mà còn liên quan đến bản quyền tác giả, không thể nói công chức thuộc Viện Kiểm sát của một tỉnh lại không biết đến Luật sở hữu trí tuệ.

Ảnh chụp màn hình trang web Viện Kiểm sát nhân dân Bình Định ngày 24/10/2015
Ảnh chụp màn hình trang web Viện Kiểm sát nhân dân Bình Định ngày 24/10/2015

Còn một điều nữa, phần tóm tắt ngay dưới tít bài mà dân làm báo gọi là Deck (tiếng Anh) hay Sapo (tiếng Pháp) trong bài viết trên Tạp chí Cộng sản ghi rõ là TCCS…   

Bài viết của Viện Viện Kiểm sát nhân dân Bình Định đã bỏ đi cụm ký tự TCCS, nghĩa là họ nhận phần đó là do mình viết, đây chắc chắn không thể nói là không đạo văn.

Chuyện thứ hai:

Ảnh chụp màn hình ngày 24/10/2015
Ảnh chụp màn hình ngày 24/10/2015

Ngày 6/4/2015  Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam tiến hành phiên họp bất thường bầu chức danh Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. 

Ông Đinh Văn Thu đã được bầu với số phiếu 51/53  (96,22%), thay ông Lê Phước Thanh, ông Thanh chuyển sang làm Bí thư Tỉnh ủy.

Tính đến nay ông Lê Phước Thanh đã thôi chức Chủ tịch tỉnh Quảng Nam được hơn nửa năm.

Ngày 24/10/2015, dữ liệu trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, mục Tỉnh Quảng Nam, cho thấy Chủ tịch tỉnh này là ông Lê Phước Thanh, phía bên phải có một khung nhỏ ghi “Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam: Đinh Văn Thu”. 

Có hai câu hỏi được đặt ra: 

Thứ nhất, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ mà người dân truy cập có đúng là Cổng thông tin Chính phủ hay là một cổng mạo danh giống như các trang web mang tên các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước đang tồn tại trên mạng? Có cách nào để người dân phân biệt “cổng” thật và “cổng” giả?

Thứ hai, nếu Cổng thông tin trên ảnh đúng cổng thông tin chính thức của Chính phủ thì vì sao vẫn để ông Lê Phước Thanh ở vị trí Chủ tịch tỉnh?

Với thông tin hiện có trên Cổng thông tin Chính phủ, ai thực sự là Chủ tịch tỉnh Quảng Nam? Phải chăng dù không tự nhận, ông Thanh vẫn đang được công nhận là Chủ tịch tỉnh?

Một vài ví dụ nêu trên cho thấy, hiện tượng “cưỡng đạo” tuy không phổ biến nhưng thực sự làm người dân khó hiểu. Rất mong các cơ quan liên quan có sự điều chỉnh kịp thời, bởi đây không chỉ là chuyện nội bộ người Việt với nhau mà còn là chuyện thế giới nhìn vào.

Xuân Dương