Vụ ông Hoàng Xuân Quế, giảng viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về quyết định tước bằng tiến sĩ của ông do nghi án “đạo văn” trong luận án tiến sĩ những tưởng sẽ kết thúc bằng biện pháp hòa giải, như trường hợp trường Cao đẳng Asean kiện Thanh tra Bộ.
Tuy nhiên, cả hai bên đều không có ý định hòa giải nên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định mở phiên tòa vào ngày 28/7/2014, phiên tòa phải dời sang ngày 4/8/2014 do vắng đại diện của Bộ GD&ĐT. Ngày 4/8 phiên tòa lại phải hoãn tiếp vì bên nguyên, ông Quế bị ốm không thể tham dự.
Trên thế giới, chuyện “đạo văn” không hiếm, chỉ trong vòng 2 năm, hai vị bộ trưởng của liên minh cầm quyền Cộng hòa liên bang Đức đã phải từ chức vì đạo văn trong luận án tiến sĩ. Ông Karl-Theodor zu Guttenberg, Bộ trưởng Quốc phòng, tuyên bố từ chức sau khi từ bỏ vĩnh viễn học vị tiến sĩ.
Tờ Suddeutsche Zeitung khẳng định: “Ông Guttenberg đã sao chép từng chữ một đoạn văn từ một bài báo và một đoạn khác từ một bài giảng mà không ghi nguồn trong khi nhiều đoạn khác không được ghi nguồn chính xác”.
Bà Schavan (Bộ trưởng Giáo dục Đức) đã bị trường đại học cũ tước bằng tiến sĩ vì đã có hành động đạo văn trong luận án "Con người và Lương tâm" hơn 30 năm trước. [1]
Các luận án bị tố “đạo văn” trong thời gian gần đây (Ảnh: Báo Người Lao Động) |
Kho tàng kiến thức của nhân loại được hình thành bằng sự kế thừa, phát triển thành tựu của các thế hệ trước. Việc trích dẫn, sử dụng các tài liệu đã có là chuyện hết sức bình thường với bất kỳ bài báo, luận án hoặc công trình khoa học nào. Vấn đề ở đây là đạo đức người làm khoa học, trích dẫn cái gì, trích dẫn của ai phải công bố cho mọi người biết, thậm chí chỉ cần trích dẫn ba, bốn từ liền nhau từ một tài liệu khác cũng phải để trong dấu ngoặc kép.
Nếu không công bố tài liệu tham khảo thì người đọc buộc phải hiểu rằng tất cả công trình đó là sáng tạo riêng của tác giả, bản quyền thuộc về tác giả. Khi phát hiện một người sao chép của người khác mà không ghi chú, người Việt dùng một từ hoa mỹ là “đạo văn” còn nói theo kiểu dân gian là “ăn cắp”.
Chuyện một công dân kiện lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh, cấp bộ không nên xem là điều gì ghê gớm, đó là cách xử lý vụ việc của công dân trong một nhà nước pháp quyền.
Vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về quyết định tước bằng tiến sĩ của ông cũng là chuyện bình thường, vấn đề là ông Quế và một số người hướng dẫn, phản biện đang cố chứng minh rằng ông Quế không hề đạo văn, còn các cơ quan chức năng, thì lại có kết luận khác.
Đánh giá đúng sai về chuyện của ông Hoàng Xuân Quế là thuộc quyền của cơ quan điều tra và tòa án. Những phát ngôn có tính định hướng dư luận xã hội nên được đưa ra một cách thận trọng. Người viết thấy tiếc vì một vài người (trong đó có cả nhà giáo ưu tú) và một vài trang báo đã đưa ra những ý kiến chủ quan kiểu như: “Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải đối mặt với một vụ kiện và có thể là bên thua cuộc”. [2]
Thua hay thắng là việc của tòa án, vì vụ việc đang được tòa thụ lý, nếu sau phiên tòa mà các bên chưa thỏa mãn thì vẫn có thể theo đuổi đến cùng. Chỉ có điều tung ra một kết luận bâng quơ: Bộ trưởng “có thể là bên thua cuộc” chưa chắc đã là cách nói bâng quơ không thiên vị bên này, bên kia.
Trước tòa, chỉ có bên nguyên-ông Hoàng Xuân Quế và bên bị-Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tuy nhiên vụ việc còn liên quan đến nhiều người khác.
Thứ nhất: Người tố cáo
Luật Tố cáo quy định không được công bố danh tính người tố cáo, tuy nhiên nhiều bài báo cho biết danh tính và tập trung chỉ trích đối tượng này.
Không thể không đặt câu hỏi: Người tố cáo đã biết việc ông Hoàng Xuân Quế “sao chép” một phần luận án của người khác từ năm 2003, tại sao mãi đến năm 2013 mới tố cáo? Phải chăng người tố cáo muốn dùng “sự kiện” này như một vũ khí, một “con bài” để khống chế đối tượng, chỉ đến khi không thể khống chế được mới tung đòn tố cáo? Cần nhớ rằng hành vi biết kẻ vi phạm pháp luật và các quy định thành văn khác mà không tố cáo là một tội đã quy định trong luật.
Hai con người, hai số phận trớ trêu lại song hành cùng một thời điểm. Tại Bắc Giang, vì không có người tố cáo tội phạm (cha và mẹ kế của kẻ phạm tội đều biết con mình là thủ phạm) mà ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù 10 năm, vừa được minh oan và đang đòi bồi thường 10 tỷ đồng.
Còn tại Thủ đô, nếu tòa tuyên Bộ GD&ĐT đúng thì có nghĩa là hành vi “đạo văn” của ông Hoàng Xuân Quế là sự thật. Nếu như thế thì nhờ việc không bị tố cáo trong 10 năm, ông Quế đã từ một cử nhân trở thành tiến sĩ, phó giáo sư, để có học hàm này chắc chắn một số người đã kịp được ông biến thành thạc sĩ, tiến sĩ… Gia đình ông hẳn sẽ thấy tự hào khi tên ông được xướng lên ở Văn Miếu khi nhà nước tổ chức vinh danh các tân GS, PGS.
Ở Bắc Giang, bố nghi phạm, người biết mà không tố cáo rốt cuộc sau 10 năm đã bị bắt giữ, điều tra, còn tại Hà Nội, người “ém” chuyện đạo văn suốt 10 năm trời liệu có được vô can nhờ vào “tình tiết giảm nhẹ” là đã tố cáo sau 10 năm đấu tranh, suy nghĩ?
Nếu ông Hoàng Xuân Quế được tòa tuyên là không sai phạm thì người tố cáo đã phạm tội vu cáo, xúc phạm nhân phẩm người khác.
Bất kể trường hợp nào xảy ra với ông Quế thì người tố cáo cũng không vô can, cũng không thể nói là trong sạch.
Thứ hai: Người bị tố cáo
Tại thời điểm bảo vệ năm 2003, luận án được Hội đồng đánh giá là xuất sắc, điều này hiển nhiên dẫn tới một suy luận logic rằng ông Quế là người đủ minh mẫn, đủ năng lực làm chủ bản thân.
Vậy tại sao các luận án nộp cho Thư viện Quốc Gia, thư viện trường Kinh tế Quốc dân và bản nộp Bộ để làm thủ tục bảo vệ luận án (bản này lưu tại Thư viện Tổng hợp TP. HCM) lại bị nhầm? (một số báo còn nói rằng đó là bản nháp). Nếu quả thật nộp nhầm thì khi biết bản chính còn lưu trữ ở nhà sao ông Quế không nghĩ đến chuyện đổi lại? Có phải ông cho rằng bản nộp cho thư viện không có gì quan trọng, nộp cho xong chuyện?
Nếu một tiến sĩ không biết luận án tiến sĩ của chính mình nộp cho các cơ quan chức năng (theo quy định pháp luật) là bị nhầm thì chỉ có thể kết luận hoặc cố tình nộp nhầm hoặc có vấn để về việc làm chủ bản thân. Nói như vậy bởi vì 10 năm qua tác giả không hề có hành vi đính chính việc nộp nhầm, chỉ đến khi bị tố cáo mới xin nộp “bản chính”.
Với hành vi kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra tòa, chắc chắn ông Quế còn đủ minh mẫn, còn làm chủ được bản thân, vậy thì chỉ có thể kết luận ông đã cố tình nộp một luận án với nhiều nghi vấn cho thư viện.
Ngày 10/7/2013, nghĩa là sau 10 năm, ông Hoàng Xuân Quế mới tìm thấy và nộp cho Bộ GD&ĐT luận án chính thức, không những thế ông còn có cả hóa đơn mà cửa hàng photocopy xác nhận đã photo luận án cho ông?
Vấn đề là trong luận án “mới” mà ông Hoàng Xuân Quế nộp cho Bộ, vẫn có nhiều đoạn giống của ba tác giả khác chứ không phải chỉ của ông Mai Thanh Quế và liệu ông có ghi chú là tham khảo luận án của ba người này hay không?
Thứ ba: Những người ủng hộ ông Hoàng Xuân Quế
Báo Anninhthudo.vn ngày 28/10/2012 trong bài “Tiến sĩ ơi là tiến sĩ ơi” có đoạn: “Các nghiên cứu sinh hiện tại thường né tránh các đề tài nghiên cứu nghiêm túc. Thay vào đó, họ chọn các công trình nghiên cứu nhẹ nhàng nhưng nấp bóng các nhà khoa học đang giữ công tác lãnh đạo hoặc các giáo sư đầu ngành để dễ thông qua. Đó là chưa nói đến việc mua chuộc bằng tiền vì ở Việt Nam hiện tại không có cái gì mà người ta không mua được”.
Trong số những người bảo vệ ông Hoàng Xuân Quế, có người mà một trang báo gọi là “phản biện kín” luận án của ông Quế, bài báo viết: “Bà nhận được đề nghị của Bộ GD&ĐT về việc phản biện kín luận án tiến sỹ với đề tài "Hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam", sau này bà mới biết đó là luận án của anh Hoàng Xuân Quế” [3].
Không biết tác giả bài báo có nhìn thấy bản luận án mà ông Quế nộp cho phản biện không? Nếu đó là một bản luận án chính thức chuẩn bị bảo vệ thì chẳng lẽ ông Quế (hoặc Bộ GD&ĐT) đã xóa tên ông trên trang bìa? Hay là ông Quế cũng nộp “bản nháp” cho phản biện nên không ghi tên? Chỉ khi trên luận án không ghi tên thì “sau này bà (phản biện) mới biết đó là luận án của anh Hoàng Xuân Quế”.
Sáng tác này không biết có bao nhiêu người tin chứ người viết thì cho rằng tác giả bài báo và bà phản biện đã quá coi thường nhận thức của người đọc.
Liệu những người hiện nay đang đứng ra bảo vệ cho ông Quế có dám khẳng định rằng, 100% các trang luận án mà ông Quế nộp cho cơ quan chức năng vào tháng 7/2013 đúng là luận án được in vào năm 2003 hay không?
Có nhiều cách để tìm ra sự thật, ví dụ năm 2003 chắc chắn ông Quế đã dùng phiên bản Office 2003 hoặc các phiên bản ra đời trước năm 2003 để soạn thảo luận án. Không quá khó để các chuyên gia Tin học phân biệt những trang, đặc biệt là các biểu đồ, hình ảnh sử dụng phần mềm Office 2003, Office 2007 hay Office XP… bởi các công cụ trợ giúp đã được nâng cấp khá nhiều trong từng phiên bản. Những người làm công tác văn phòng chắc chắn biết năm 2003 trở về trước Font chữ (kiểu chữ) thông dụng ở miền bắc là font gì và 10 năm sau (2013) là font gì.
Nếu bộ font trong các trang in của luận án có sự khác nhau, chẳng hạn có fonrt Times New Roman thì có thể kết luận chúng được in ra khi nào. Nếu xác định được một trang của bản “luận án chính thức” mới nộp được hoàn thành sau năm 2003 là đủ kết luận nó đã bị giả mạo.
Thứ tư: Người bị “đạo văn”
“Bị hại” trong vụ việc là ông Mai Thanh Quế, luận án của ông được coi là bị ông Hoàng Xuân Quế “sao chép một phần”.
Báo Nguoicaotuoi.org.vn ngày 24/10/2013 viết: “Trong trường hợp này, nếu ông Hoàng Xuân Quế có lấy 30% nội dung luận án của ông Mai Thanh Quế thì cũng là bình thường, khi được phép của tác giả”. Ông Mai Thanh Quế cũng có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận: “Ông Hoàng Xuân Quế có hỏi tôi về chuyên môn… Anh có mượn luận án của tôi và xin phép tôi sử dụng một số kết quả nghiên cứu của tôi đã công bố trong luận án và tôi đồng ý”. Nếu thông tin của báo là đúng thì ông Hoàng Xuân Quế đã có trao đổi với ông Mai Thanh Quế về việc sử dụng một số kết quả trong luận án của ông Mai Thanh Quế.
Cũng bài báo này trích dẫn ý kiến của người hướng dẫn luận án ông Mai Thanh Quế: “Thông tin cho rằng luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế trùng lặp nguyên văn với một số phần luận án tiến sỹ của Mai Thanh Quế là không có cơ sở".
Hai nhân vật (một người là nghiên cứu sinh - một người là giáo viên hướng dẫn), người bảo đã đồng ý cho ông Hoàng Xuân Quế “sử dụng” một số kết quả của mình (và thực tế so sánh đã cho thấy đúng như vậy), người bảo “kết luận trùng lặp là không có cơ sở”. Vậy dư luận nên tin ai, chẳng lẽ các tác giả bài báo trích dẫn nhầm?
Nhân tiện xin giới thiệu ý kiến của GS TS Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư thỉnh giảng cao cấp tại Đại học New South Wales, Úc: “Tôi mới xem qua phần kết quả của luận án “Giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường” có một phần kết quả mà tác giả copy toàn bộ output từ một phần mềm thống kê bao gồm cả những thuật ngữ tiếng Anh phức tạp như R-squared, Sum squared resid, S.D. dependent var,… Đây quả là luận án cấp tiến sĩ mà tôi chắc chắn các đại học như Harvard hay MIT không thể có được” [4].
Ý kiến mà GS Tuấn nêu trên là nói về luận án của ông Mai Thanh Quế. Đáng chú ý ở đây không phải là về phần mềm thống kê mà là đánh giá của GS Tuấn về chất lượng luận án tiến sĩ đào tạo trong nước. Không phải chỉ GS Tuấn mà dư luận trong nước hầu như đều thống nhất nhận định, rằng trình độ của đa số tiến sĩ đào tạo trong nước còn lâu mới so được với trình độ tiến sĩ trên thế giới.
Hai vị bộ trưởng của Đức không bị xử lý hình sự vì đạo văn, họ tự nguyện từ chức vì cảm thấy không còn uy tín trước cộng đồng. Cả hai người này cũng chỉ sao chép một số đoạn trong công trình của người khác mà không ghi chú.
Một số nước tất cả các loại “đạo” từ ý tưởng, đến mẫu mã, câu văn, bản nhạc được xử lý theo luật bản quyền chứ không phải luật hình sự. Dù bị xử lý bằng hình thức gì thì những người “đạo” ấy cũng đã tự đánh mất mình, chẳng ai nghĩ thêm chuyện kiện cáo để quảng bá thương hiệu.
Người viết cho rằng đã đến lúc cần xem xét lại một cách nghiêm túc chất lượng luận án tiến sĩ đào tạo trong nước, đặc biệt là luận án thuộc các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.
Có mười tiến sĩ giỏi hơn là có một nghìn tiến sĩ “rởm”. Đào tạo quá nhiều tiến sĩ chất lượng thấp thực sự là một sự lãng phí ghê gớm của cải xã hội, với các tiến sĩ “rởm” chúng ta sẽ có những thầy giáo, phó giáo sư, giáo sư “rởm”, đến lúc này thì không còn là sự lãng phí mà là tội lỗi với đất nước, với hậu thế.
Nếu tòa ra phán quyết Bộ GD&ĐT đã làm đúng thì một câu hỏi sẽ xuất hiện, đó là tất cả những người liên quan, như đã phân tích trên, có liên đới chịu trách nhiệm? Dù họ không bị ra tòa dân sự thì cũng đối mặt với tòa án lương tâm, đạo đức và họ liệu có nên tiếp tục đứng trên bục giảng, tiếp tục hướng dẫn các nghiên cứu sinh khác?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/Bo-truong-Giao-duc-Duc-tu-chuc-vi-dao-van/56901.vtv #sthash.m3lHrIJq.dpuf
[2] http://laodong.com.vn/Su-kien-binh-luan/Chung-ta-la-cong-dan-khong-con-la-than-dan/146862.bld
[3] http://www.nguoiduatin.vn/toi-danh-gia-tot-ve-chat-luong-ban-luan-an-cua-anh-que-a107699.html
[4] http://tuanvannguyen.blogspot.com/2013/10/dao-van-van-de-cua-dao-duc-khoa-hoc.html