Ngành Sinh học đã chứng minh, sinh sản cận huyết trong thế giới động vật là nguy cơ làm thoái hóa giống nòi.
Với loài người, Y học đã chứng minh tác hại của những cặp hôn nhân cận huyết, không ít cặp vợ chồng cận huyết khỏe mạnh lại sinh con dị dạng hoặc mang bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, vảy cá...
“Hôn nhân cận huyết thống là cơ sở cho những gen lặn bệnh lý tương đồng ở những ông bố, bà mẹ kết hợp với nhau sẽ phát triển mạnh và kết quả là sinh ra những đứa con bệnh tật hoặc dị dạng di truyền”. [1]
Gần đây trong nhiều bài viết, các tác giả sử dụng cụm từ “hậu duệ” để chỉ những người được lựa chọn kế tục sự nghiệp của cha chú thuộc mọi lĩnh vực: chính quyền, kinh doanh, tổ chức đoàn thể, xã hội…
“Hậu duệ” đề cập ở đây không phải theo nghĩa sinh học, tức không phải được sinh ra từ những cặp hôn nhân cận huyết nhưng đã được gọi là “hậu duệ” tất đều thuộc “nhóm cận huyết”.
Có lẽ đây là một nhóm đặc biệt chưa được định nghĩa, chưa thấy các học giả, chính khách đề cập trong danh sách các “nhóm lợi ích”?
Truyện kể rằng nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức Ludwig van Beethovenn, giận dữ trước những lời khiếm nhã của người bảo trợ - hoàng thân Karl Lichnowsky, đã nói:
“Thưa hoàng thân, những gì ngài có chẳng qua chỉ bởi sự ngẫu nhiên của tạo hóa, còn tôi, những gì tôi có là bởi nỗ lực của riêng tôi. Trên thế gian có hàng ngàn hoàng thân nhưng chỉ có duy nhất một Beethoven!”.
Dưới chế độ quân chủ hoặc quân chủ lập hiến, tước vị là cha truyền con nối, con cái kế tục chức tước của cha được gọi là “tập tước”, nếu cha là Bá tước thì con sau này cũng được “tập tước” để trở thành Bá tước.
Hình minh họa cho thấy sự khác nhau ở ngay vạch xuất phát của mỗi con người. Ảnh Acewings.com |
Trong vương quốc, thần dân xem việc thái tử do vua cha lựa chọn sau này kế vị là chuyện đương nhiên, có chăng chỉ là chuyện các hoàng tử tranh giành lẫn nhau ngôi vị thái tử.
Các nhà Sử học sử dụng thuật ngữ “Thái tử đảng” để chỉ bè đảng của các hoàng tử tranh ngôi vị thái tử chứ không riêng bè đảng của thái tử.
Trong chế độ phong kiến, thái tử chỉ có một còn hoàng tử thì khá nhiều, ngày nay ở các nước theo chế độ cộng hòa, thái tử không còn nhưng "hậu duệ" thì vô khối.
Sự giống nhau xưa nay là ngày xưa có “thái tử đảng” thì ngày nay có “chi bộ họ”, “huyện họ” hay “công ty họ”… Chữ “họ” ở đây lấy trong từ “họ hàng” chứ không phải “họ” nghĩa là “hụi” trong cụm từ “góp tiền chơi họ”.
Muốn tìm “công ty họ” thì về Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng, tìm “huyện họ” thì về Mỹ Đức – Hà Nội, còn muốn tìm “chi bộ họ” thì nhờ Google tìm với từ khóa “chi bộ họ ta” là thấy.
Để tránh di truyền cận huyết, khoản d điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cấm “Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; …”.
Đời người dài ngắn khác nhau, tuổi thọ xưa nay cũng khác nhau vì thế trong Luật Lao động chỉ quy định tuổi nghỉ hưu chứ không quy định “đời công chức”.
Dựa vào tuổi hưu (nam 60, nữ 55) có thể thấy bình quân “đời công chức” kéo dài khoảng 30 năm (trừ các trường hợp đặc biệt).
Nền dân chủ cộng hòa nước ta cho đến nay đã được 70 năm, tức là vẫn trong phạm vi ba “đời công chức”, vậy nên việc con cái, cháu chắt, thông gia, thông vào… của lãnh đạo trở thành công chức, cùng “phục vụ nhân dân” trong một cơ quan có thể xem như họ được “sinh ra” bởi “ông nọ bà kia” trong cơ quan đó.
Chuyển đổi trạng thái hỗn loạn hay là chết(GDVN) - Một xã hội ổn định là xã hội mà mức độ hỗn loạn (Entropy) không đổi, nếu mức độ hỗn loạn bằng không thì đó không còn là xã hội ổn định mà là xã hội chết. |
Một khi đã có “ông nọ bà kia” phối hợp “đẻ” ra công chức thì công chức đó đích thị là sản phẩm của một cuộc “hôn nhân” nào đó.
Nhưng vì nó không thực sự là “hôn nhân cận huyết” theo nghĩa Y học nên xin mạn phép gọi hiện tượng này là “giả cận huyết”.
Không biết bạn đọc nghĩ sao, liệu với hai phát hiện “Nhóm cận huyết” và “Giả cận huyết” tác giả đã có đủ công trình để xin phong giáo sư hay phó giáo sư tại một “trường hạng bét” nào đó chưa? Hay là phải đăng ký sở hữu bản quyền trí tuệ ngay kẻo bị đạo văn thì toi của?
Chuyện “cận huyết” dẫn tới phát sinh bệnh tật, còi cọc, thiểu năng trí tuệ… đã được các nhà khoa học tự nhiên cảnh báo, còn các nhà “khoa học tổ chức” có biết “giả cận huyết” hay không thì chưa nghe nói.
Liên quan đến chuyện “cận huyết thật” chứ không phải “giả cận huyết” là “Chủ nghĩa lý lịch”.
Vào những năm giữa của thế kỷ trước, con cái các gia đình có lý lịch “không trong sạch” (thường thuộc thành phần địa chủ, tư sản) gần như không có hy vọng vào học tại các trường “Đại học quan trọng”, không ít người trong số họ chỉ có thể vào những trường dành cho “chuột chạy cùng sào”.
Lý do duy nhất là bởi những bút phê của chính quyền địa phương, chủ yếu là cấp xã, huyện. Ngày nay điều này hình như chưa phải là đã “thoái hóa”, chưa phải là đã “tuyệt chủng”!
Sau câu chuyện của cháu Bùi Kiều Nhi ở Quảng Bình là câu chuyện của cháu Nguyễn Đức Ngà ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
Cứ theo giải thích của cơ quan chức năng Nam Đàn thì tiêu chuẩn gia nhập lực lượng công an là rất khắt khe, đòi hỏi phải trung thực, mà cháu Ngà thì “không trung thực” khi làm hồ sơ học ngành Công an. Vậy Huyện ủy Nam Đàn sẽ giải thích thế nào về việc cháu Ngà được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng?
Không cần nghe, không cần biết chuyện Bộ Công an đã giải quyết cho cháu Bùi Kiều Nhi vào học tại Học viện chính trị, Bộ Công an, cũng không quan tâm đến chuyện cháu Ngà đã là đảng viên, hình như một số cán bộ cơ quan chức năng ở Nam Đàn không quan tâm đến những gì mà truyền thông phản ánh?
Chẳng lẽ giữa Công an và Huyện ủy không có những sự trao đổi cần thiết, hay vì còn nguyên nhân khác có nguồn gốc từ hiện tượng “giả cận huyết”?
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thông báo: "Ngày 21/9 Công an tỉnh Nghệ An sẽ có văn bản xin chiếu cố cho Ngà về tiêu chuẩn chính trị để cháu có thể nhập học". [2]
Ngay chiều 21/9/2015 sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Trần Đại Quang, Tổng cục Chính trị Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Công an Nghệ An làm các thủ tục cho thí sinh Nguyễn Đức Ngà được nhập học vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành “chủ động xử lý các phát sinh trong quá trình xét tuyển, không để xảy ra những sự việc đáng tiếc như hai trường hợp vừa qua”. [3]
Có thể thấy Bộ trưởng Trần Đại Quang và cơ quan chức năng Bộ đã có phản ứng nhanh, kịp thời, hợp lòng dân trước thông tin mà truyền thông đăng tải, điều này cho thấy vai trò không thể phủ định của truyền thông trong việc đưa thông tin nhanh nhạy, chân thực góp phần làm vơi đi những giọt nước mắt không đáng phải rơi của người dân lương thiện. Tuy nhiên bên cạnh đó có nhiều câu hỏi cần đặt ra.
“Chiếu cố về tiêu chuẩn chính trị” để cho phép cháu Ngà gia nhập lực lượng công an có thể sẽ được nhiều người hoan nghênh, cho đó là một cách làm nhân văn. Về điều này người viết chỉ đồng ý một nửa. Vấn đề ở chỗ, đó là điều nên làm, cần phải làm hay không được làm?
Làm luật – chuyên nghiệp hay nghiệp dư?(GDVN) - Trên thế giới, làm luật chưa và sẽ không bao giờ là sân chơi nghiệp dư. Nếu chúng ta thiếu đội ngũ chuyên nghiệp thì việc tham khảo ý kiến chuyên gia quốc tế. |
Cùng một thời điểm xảy ra hai sự kiện giống nhau gần 100% và không phải là sự kiện chính trị lớn, nhưng cả hai sự kiện đều phải chờ quyết định của Bộ trưởng, dường như có sự sợ chịu trách nhiệm của cơ quan cấp dưới, vậy cấp dưới và đội ngũ tham mưu của Bộ trưởng sẽ lo những vấn đề trọng đại gì?
Vì sao không rút kinh nghiệm trường hợp cháu Kiều Nhi, xin ý kiến chỉ đạo trước rồi hãy thông báo cho cháu Ngà? Vì sao lại cứ phải để “những sự việc đáng tiếc như hai trường hợp vừa qua” xảy ra rồi mới “cấp cứu”?
Công an là lực lượng nòng cốt bảo vệ nhân dân, bảo vệ nhà nước, bảo vệ Đảng, tại sao lại có chuyện “chiếu cố về tiêu chuẩn chính trị”, đặc biệt khi đối tượng được chiếu cố lại là một đảng viên?
Hỏi thế bởi không biết những công an nhận “tờ rơi” của người vi phạm giao thông (TP. Hồ Chí Minh), công an đánh nhau ngoài đường (Hưng Yên), công an nhận hối lộ tới 30.000 USD (Trần Ngọc Hải, Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) [4]… có thuộc vào những người được “chiếu cố về tiêu chuẩn chính trị”?
Trong một nhà nước pháp quyền, người dân có thể làm bất kỳ điều gì mà pháp luật không cấm nhưng chính quyền chỉ được làm những điều pháp luật cho phép. Không thể “chiếu cố” nếu điều đó trái pháp luật và các quy định mang tính pháp luật.
Một khi đã giải quyết thì chỉ nên căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật chứ không nên theo kiểu “chiếu cố”, không được dùng “tình” để bác bỏ “lý”, cũng không nên hướng dư luận hiểu vấn đề theo kiểu “lý không sai” nhưng “chiếu cố”!
Chuyện chiếu cố “con ông (nọ) cháu cha (kia)” luôn gắn liền với hiện tượng “giả cận huyết”, nó chính là nguồn gốc của “huyện họ ta”, “chi bộ họ ta”…, trái ngược với đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước.
Một khi đã công khai chuyện “chiếu cố” thì có nên đặt câu hỏi, rằng “có hay không những “chiếu cố” không công khai, những “chiếu cố” diễn ra “hàng ngày ở huyện”?
Đây chính là lý do vì sao chỉ nên đồng tình với sự “chiếu cố” cháu Ngà 50%, vì 50% còn lại có cái gì đó thấy vướng vướng, thấy không ổn.
Chuyện sinh quan “giả cận huyết” chắc cũng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nhằm xóa bỏ, nhưng mà liệu có xóa bỏ được? Câu hỏi này không dành riêng cho bất kỳ bộ, ban, ngành nào kể cả ngành Y tế, bởi đây là vấn đề chung thuộc về hệ thống. Khối người cho rằng báo chí phản ánh không thật, rằng “huyện họ”, “chi bộ họ” là hoàn toàn đúng quy trình,…
Vì “giả cận huyết” là đúng quy trình nên nó mới biến từ “giả” thành “thật”, còn một sự “thật” khác là truyền thông không hề viết “giả” các bài báo, bởi vì căn cứ vào LÝ LỊCH người ta thấy ba kiểu họ nêu trên đều là “cận huyết” thật.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_suckhoe/_mobile_tintucsk/item/25374602.html
[2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/263017/bo-truong-cong-an-chi-dao-xac-minh-ve-em-duc-nga.html