Những tấm lòng cao cả - Một cuốn sách mà các thầy cô giáo nên đọc

26/07/2015 07:43
Trần Sơn
(GDVN) - “Những tấm lòng cao cả” là một cuốn sách không chỉ hay về văn chương nghệ thuật mà còn chứa đựng các nội dung rất sâu sắc về nghề dạy học.

LTS: Tác phẩm “Những tấm lòng cao cả” của Edmondo De Amicis đã đem lại một cảm xúc chung cho tất cả mọi người đọc cuốn truyện, đó là sự đồng cảm, xúc động sâu sắc dành cho những tấm lòng nhân hậu, khoan dung và những bài học quý giá về tình người thông qua hình ảnh của cô bé, cậu bé còn dưới mái trường tiểu học.

Qua những câu chuyện, bài học đó, thầy giáo Trần Sơn muốn nhắn gửi tới những người làm công tác giáo dục để làm tốt nhiệm vụ “trồng người” thì cần kết hợp hài hòa giữa dạy kiến thức và đạo đức, kỹ năng sống. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Những tấm lòng cao cả là cuốn sách của nhà văn De Amicics viết cách đây đã hơn 100 năm. 

Cuốn sách đã được dịch giả, nhà giáo Hà Mai Anh (1905-1975) dịch ra tiếng Việt từ năm 1948. Đến năm 1977, cuốn sách được GS-NGND Hoàng Thiếu Sơn (1920-2005) dịch lại và liên tục tái bản cho tới nay.

Vì nội dung cuốn sách chứa đựng rất nhiều câu chuyện giáo dục nên đã được dịch và đưa vào sách giáo khoa của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Sách giáo khoa Tiếng Việt cấp Tiểu học hiện hành có 3 bài được trích từ cuốn sách này gồm: Ai có lỗi? (Tiếng Việt 3, tập 1), Buổi học thể dục (Tiếng Việt 3, tập 2), Một vụ đắm tàu (Tiếng Việt 5, tập 2).

Toàn bộ cuốn sách là nhật kí trong một năm học của một cậu bé 11 tuổi. Đây đều là các câu chuyện cảm động về tình bạn, tình thầy trò, tình cảm gia đình, tình thương, lòng trắc ẩn trong mỗi con người.

Là một giáo viên Tiểu học, tôi rất tâm đắc khi đọc cuốn sách này. Tôi trộm nghĩ rằng, mỗi thầy cô giáo chúng ta khi đọc xong cuốn sách này chắc chắn sẽ học hỏi được những điều bổ ích về nghề nghiệp của mình.

Tấm gương những thầy giáo, cô giáo giản dị mà tâm huyết 

Trong cuốn sách, dưới con mắt của nhân vật chính, cậu bé En-ri-cô, các thầy giáo, cô giáo hiện lên thật đáng kính trọng, mặc dù mỗi người một hình hài, một cá tính  nhưng họ “Tất cả vì học sinh thân yêu” như câu khẩu hiệu ngày này của các nhà giáo chúng ta.

Một thầy Hiệu trưởng cao lớn, đầu hói, râu dài, ăn mặc rất chỉn chu nhưng lại rất hiền.

Với những học sinh mắc lỗi thầy chỉ “nắm lấy tay học trò, dịu dàng khuyến khích, giảng giải cho họ phải cư xử như thế nào” và kết quả là “thường thường thì học sinh hối hận vì lỗi lầm của mình và sẽ không mắc lại nữa” (phương pháp của thầy rất giống với nguyên tắc đánh giá củaThông tư 30!). 

Cuốn sách "Những tấm lòng cao cả" của nhà văn De Amicics (Ảnh: dongabooks.vn)
Cuốn sách "Những tấm lòng cao cả" của nhà văn De Amicics (Ảnh: dongabooks.vn)

Phương pháp giáo dục của thầy hiệu trưởng quả là giản dị mà kì diệu “đến nỗi, ra khỏi phòng của thầy, học sinh đều rơm rớm nước mắt, và hổ thẹn hơn là bị phạt”. 

Sau khi đứa mất đứa con trai, thầy Hiệu trưởng muốn nghỉ hưu nhưng thầy lại thấy đau khổ khi phải chia tay học sinh của mình nên thầy chần chừ mãi và rồi đã phải xé lá đơn xin từ chức đi và tiếp tục ở lại trường.

Một cụ giáo già đầy tâm huyết, muốn dạy học đến ngày cuối cùng của cuộc đời, nhưng năm 82 tuổi vì run tay trót đánh rơi giọt mực xuống trang vở của học sinh  nên đành phải xin về. 

Và khi phải xa học sinh, xa mái trường, cụ giáo đã cay đắng tâm sự: “Tôi hiểu rằng cuộc đời đối với tôi như vậy là hết rồi, không còn trường học nữa, không còn sức trẻ nữa, tôi cũng không sống được bao lâu nữa”.

Người thầy giáo có tên Péc-bô-ni cũng thật đáng kính trọng, thầy không có gia đình riêng, mặc dù thầy không bao giờ cười nhưng thầy lại luôn kiên nhẫn, tìm hiểu, yêu thương và chia sẻ với từng học sinh. Khi phải bắt buộc phạt một học sinh vì ngỗ ngược, phá rối thì thầy rất đau lòng.

Rồi cũng chính người thầy ấy, khi thấy kết quả thi cuối năm của học sinh mình đều tốt, thầy đã làm vui học sinh mình bằng cách giả bộ trượt chân, phải bám vào bức tường cho khỏi ngã. 

Và, cậu học trò En-ri-cô đã ghi lại trong nhật ký của mình như thế này: “Phải chăng đó là cái phút vui độc nhất của thầy? Một sự đền bù cho chín tháng yêu thương, kiên nhẫn và cả phiền muộn nữa? Để có phút vui kia thầy đã tốn bao nhiêu công sức!”. Thật cảm động biết bao tình thầy trò!

Những tấm lòng cao cả - Một cuốn sách mà các thầy cô giáo nên đọc ảnh 2

"Một thế kỷ bị sỉ nhục", hậu duệ Khổng Tử vẫn không nhớ lời ngài dạy!

(GDVN) - Chữ “Đạo” dành cho bậc chính nhân quân tử, ấy là đạo lý, đạo nghĩa, đạo đức, cũng lại dành cho kẻ tiểu nhân, đó là đạo văn, đạo tặc, đạo lịch sử, đạo đồng chí.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, GS-NGND Hoàng Thiếu Sơn cũng có những nhận xét sâu sắc về nghề giáo.

Ông viết :“Nhiều cô giáo, thầy giáo đã xem nghề mình là lẽ sống, là cuộc đời của mình. Và ở trường học cũng có những liệt sĩ hy sinh như ở chiến trường”.

Trong cuốn sách, có kể chuyện một thầy giáo bị ốm nặng, nghĩ rằng mình không qua khỏi, ông nhìn vào tấm ảnh các học trò cũ của mình, rồi nói với người học trò mới đến thăm: “Khi sắp chết, cái nhìn của thầy sẽ quay về họ”. 

Một cô giáo lớp một cũng đã mất ba ngày trước khi kết thúc chương trình chỉ vì cô bị ốm nhưng không muốn nghỉ dạy để chữa bệnh, không muốn xa học trò của mình.

Và trước khi chết, cô còn yêu cầu thầy Hiệu trưởng không cho học trò đi theo đám tang vì sợ các em khóc. Đọc đến đoạn này, bản thân người viết cũng không cầm được nước mắt dù biết rằng đây chỉ là một câu chuyện văn học.

Quả đúng như lời dịch giả Hoàng Thiếu Sơn, một GS-NGND: “Qua bút mực của trẻ con, De Amicis đã viết nên một thiên trường ca cảm động về nghề dạy học”.

Đọc Những tấm lòng cao cả các thầy giáo cô giáo chúng ta sẽ học tập những tấm gương  các thầy giáo, cô giáo trên giúp cho chúng ta thấy yêu người hơn, yêu nghề hơn và học được cách ứng xử phù hợp với các tình huống trong công tác giáo dục. 

Nội dung và phương pháp dục trong cuốn sách có nhiều điều đáng để học tập

Hiện nay chương trình giáo dục phổ thông được nhiều người nhận xét là nặng về “trí dục” và nhẹ về “đức dục” tức là tập trung nhiều vào giảng dạy, cung cấp kiến thức cho học sinh mà chưa chú trọng giáo dục học sinh các chuẩn mực đạo đức, kĩ năng sống. 

Điều đó phần nào được chứng minh qua phân phối chương trình môn Đạo đức (ở Tiểu học) và môn Giáo dục công dân (ở cấp THCS và THPT) với 1 tiết/tuần. Và nội dung giáo dục kĩ năng sống cũng chỉ được tích hợp trong các môn học khác hoặc các hoạt động ngoại khóa.

Đọc Những tấm lòng cao cả, chúng ta thấy, từ hàng trăm năm trước, tác giả De Amicis đã nhấn mạnh đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh (trong truyện là học sinh lứa tuổi Tiểu học).

Cảm động về tình thầy trò qua cuốn sách "Những tấm lòng cao cả" (Ảnh: healthplus.vn)
Cảm động về tình thầy trò qua cuốn sách "Những tấm lòng cao cả" (Ảnh: healthplus.vn)

Nhà văn đưa ra các đức tính cần phải dạy bảo cho trẻ đó là: trung thực, dũng cảm, kỉ luật, tình thương, hào hiệp, tế nhị, trách nhiệm, nghị lực, kính trọng, biết ơn, yêu quê hương, yêu đất nước, yêu quý lao động và kính trọng người lao động.

Ông cũng rất thiết tha với việc dạy trẻ ý thức bình đẳng giữa người với người, không phân biệt giai cấp, địa vị, kinh tế.

Ngoài ra ông muốn trẻ con tránh xa các tính xấu như: hèn nhát, lạm dụng lòng tốt của người khác, khoe khoang, đố kỵ, vô cảm.

Về cách dạy trẻ, nhà văn nước Ý cũng có những quan điểm rất tiến bộ gần với phương pháp giáo dục hiện đại. Đó là “bình tĩnh, không vội vàng, không nóng nảy”, “thận trọng, tế nhị”, và cần phải thông qua các sự việc các tình huống trong cuộc sống để dạy trẻ. 

Và trên hết, người làm giáo dục (thầy cô giáo, cha mẹ học sinh,...) phải tự làm gương, làm mẫu để trẻ em noi theo, quan điểm này rất giống quan điểm của Khổng Tử  ngày xưa “thân giáo hơn ngôn giáo” (dạy bằng tự làm gương hơn là dạy bằng lời nói).

Ở tác phẩm này, chức năng giáo dục của văn chương đã được De Amicis thể hiện một cách đậm nét bên cạnh các chức năng nhận thức, thẩm mĩ. Hơn ai hết, dịch giả, GS-NGND Hoàng Thiếu Sơn, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, càng hiểu sâu sắc điều này, đặc biệt với bộ môn nghiên cứu sở trường của ông là khoa học xã hội.

Chính vì vậy mà vị dịch giả, nhà giáo dục uyên bác và đáng kính này đã đúc kết: “Nghệ thuật văn chương là công cụ giáo dục tốt, vì giáo dục phải tiến hành có nghệ thuật, và giáo dục chính là một nghệ thuật”. 

Tác phẩm nào cũng có những những hạn chế tùy theo thời của nó. Tuy nhiên, tác phẩm đó vẫn có sự lay động tâm hồn con người, vẫn được lưu truyền và có những lợi ích thiết thực thì những người đời sau cũng cần nghiên cứu, tham khảo.

Những tấm lòng cao cả là một tác phẩm rất đáng được những người làm công tác giáo dục, nhất là các nhà giáo bậc học phổ thông đọc và suy ngẫm để làm tốt hơn vụ nhiệm “trồng người” của mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Tài liệu tham khảo:

1. Những tấm lòng cao cả, De Amicis (Hoàng Thiếu Sơn dịch), NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2013.

2.https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng_t%E1%BA%A5m_l%C3%B2ng_cao_c%E1%BA%A3.

Trần Sơn