Thứ ba, tâm lý xã hội
Từ một nền giáo dục theo truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Không thày đố mày làm nên”, giáo dục Việt Nam chuyển thành nền giáo dục theo cách “Đào tận gốc, trốc tận rễ” những gì bị cho là tàn dư lạc hậu của nền giáo dục cũ, ảnh hưởng của chế độ thực dân, phong kiến.
Sự ngộ nhận này - vào những năm 60 của thế kỷ trước - làm xuất hiện trào lưu đả phá quan niệm “Tiên học lễ, hậu học văn”, hầu hết các cơ sở giáo dục đều không treo tấm biển này.
Dần dà, sự phê phán chuyển trọng tâm từ triết lý giáo dục cũ sang đối tượng cụ thể là nhà giáo, một trong những biểu hiện là đoạn phim “Nhặt xương cho thày” chiếu trên đài truyền hình quốc gia.
Cho đến những năm gần đây, chính định hướng sai lầm trong đối xử với nhà giáo là nguyên nhân xuất hiện tâm lý “Chuột chạy cùng sào” trong dân chúng và trào lưu đòi loại bỏ triết lý “Tiên học lễ, hậu học văn” của một số người được cổ xúy trên các diễn đàn chính thống và mạng xã hội.
Nếu phải nhắc lại hàng nghìn, hàng vạn lần người viết vẫn phải nói, rằng bản thân ngành Giáo dục không giữ vai trò quyết định trong việc định hướng dư luận xã hội.
Suy nghĩ của dân chúng luôn phụ thuộc vào những gì họ nhìn thấy, nghe thấy trực tiếp mặc dù đôi khi tâm lý đám đông cũng góp phần lèo lái dư luận.
Tâm lý xã hội đã khiến nhiều người có năng lực không chọn ngành sư phạm. Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn |
Điều đầu tiên đập vào mắt các bậc cha mẹ và lớp trẻ là đời sống của nhà giáo.
Thời bao cấp, tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm của giảng viên đại học kém hơn nhân viên phòng thí nghiệm và công nhân xưởng thực tập những người này được xếp vào diện lao động nặng nhọc.
Tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân là nhà giáo không thể sống bằng lương nếu không thu nhập thêm bằng cách khác trong đó có cả việc “dạy thêm tự nguyện”.
Tác động tiếp theo là sự nhũng nhiễu của không ít người thực hành công vụ trong các cơ quan tuyển dụng viên chức giáo dục.
Việc thi tuyển không công bằng, chạy tiền cửa sau khiến nhiều người đành từ bỏ nguyện vọng làm nhà giáo.
Hai nguyên nhân nêu trên khiến giới trẻ không mặn mà với nghề dạy học chỉ là những nguyên nhân cơ bản, còn tồn tại vô số nguyên nhân khác, chẳng hạn sự bấp bênh của nghề giáo khi các quyết định chấm dứt hợp đồng lao động luôn treo lơ lửng trên đầu…
Việc dư luận dễ bị kích động khi có nhà giáo vi phạm đạo đức trong khi các lực lượng thi hành công vụ khác vi phạm thì lại được xem là “chuyện nhạy cảm”, thậm chí còn được giấu nhẹm.
Hậu quả của tâm lý xã hội nêu trên là các trường sư phạm chỉ tuyển chọn được thí sinh học lực trung bình hoặc khá, rất ít học sinh giỏi chọn ngành giáo dục.
Một bài viết trên báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam có đoạn: “Nhiều ý kiến cho rằng, việc thí sinh chỉ cần 3 điểm/môn là đỗ ngành sư phạm là điều không thể chấp nhận. Đây chính là thảm họa của ngành giáo dục”. [6]
Giáo dục và quy luật … "Tít mù” |
Biết là “thảm họa của ngành giáo dục” và cũng biết “thảm họa” này kéo dài nhiều thập niên vậy Nhà nước (chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã làm gì để khắc phục?
Chính sách miễn giảm học phí nhằm thu hút thí sinh vào học tại các trường Sư phạm chỉ có tác dụng vài năm và giờ đây đã trở nên lạc hậu.
Chính sách tuyển dụng, đãi ngộ nhà giáo lại không do ngành giáo dục quyết định.
Vì sao cơ quan hoạch định chính sách chưa có những biện pháp quyết liệt nhằm thay đổi tận gốc nhận thức xã hội về nghề dạy học, chưa có những chính sách làm thay đổi về cơ bản thái độ “ghét” nghề dạy học của giới trẻ?
Chỉ cần thống kê lượng thí sinh đăng ký vào học các trường thuộc khối Quân đội, Công an, Y - Dược là có câu trả lời.
Không ít học sinh phổ thông cho rằng học sư phạm không có tiền đồ, dù phải “bán cháo phổi” vẫn không đủ trang trải cuộc sống bản thân chứ chưa nói nuôi gia đình, con cái, càng không bao giờ có thể trở thành tầng lớp trung lưu trong xã hội!
Khi giới trẻ thờ ơ, quay lưng với nghề dạy học nhưng lại đòi đội ngũ nhà giáo phải là những tấm gương mẫu mực về đạo đức, xuất sắc về chuyên môn có phải là vô lý, đặc biệt khi thể chế kinh tế của đất nước vận hành theo cơ chế thị trường, khi người ta thừa biết thời này là thời “Tiền nào của nấy”.
Thứ tư, ảnh hưởng từ ý thức hệ
Nếu những ngành khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học,… không thể bị chi phối bởi quan điểm chính trị hay ý thức hệ, bởi sự duy ý chí thì về nguyên tắc các ngành khoa học xã hội như Văn học, Lịch sử, Tâm lý Giáo dục,… cũng vậy.
Cho đến trước khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai hệ tư tưởng vô sản và tư sản, giữa các nước phe xã hội chủ nghĩa với các nước tư bản chủ nghĩa không phải là không ảnh hưởng đến giáo dục Việt Nam.
Giáo dục - “bú tí” mãi bao giờ mới lớn? |
Có người ví giáo dục Việt Nam giống người cầm gậy dò đường, nhặt nhạnh bỏ vào bị những thứ tìm thấy đem về xào xáo lại.
Trước năm 1975, nhiều nhà khoa học Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô và Đông Âu, số sinh viên gửi sang đào tạo tại Trung Quốc cho đến khi cách mạng văn hóa nổ ra (năm 1966) đã rút về gần hết.
Giai đoạn này, hầu hết giáo trình giảng dạy bậc đại học là dịch từ tiếng Nga, ngoại ngữ dạy tại các đại học chủ yếu là tiếng Nga, những người tốt nghiệp tại các trường đại học Đông Âu, đặc biệt là Liên Xô được bổ nhiệm vào nhiều vị trí chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trong đó có ngành Giáo dục.
Việc vắng bóng những mô hình giáo dục tiên tiến của phương Tây tại Việt Nam thời kỳ này không phải chỉ vì đất nước bị cấm vận, ít có tiếp xúc với nền khoa học giáo dục phương tây mà vì những lý do liên quan đến cuộc đấu tranh tư tưởng giữa hai phe.
Điều này có thể thấy rất rõ qua bài thơ “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi” của nhà thơ Việt Phương:
Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ,…
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ…
Từ khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, khi nền kinh tế thị trường có định hướng được thừa nhận, khi những lớp người du học Âu – Mỹ (nhiều hơn tại Nga và Đông Âu) trở về thì giáo dục Việt Nam lại bắt đầu một cuộc thay đổi.
Sách giáo khoa phổ thông và đại học được biên soạn lại, tiếng Anh thay tiếng Nga trở thành ngoại ngữ chính ở các cấp học.
Những thay đổi mà chúng ta gọi là “Đổi mới giáo dục” dường như vẫn không làm biến mất hoàn toàn tàn dư của một thời bao cấp.
Thấp thoáng trong những cái gọi là “đổi mới giáo dục” không khó nhận ra bóng dáng và uy quyền của các ông X, Y, Z nào đó qua các mô hình “thí điểm đại trà” kéo dài hàng chục năm như VNEN hay Công nghệ giáo dục,…
Thay vì ca ngợi, dập khuôn theo nền giáo dục Xô Viết, giờ đây là tràng giang đại hải những “lời có cánh” về giáo dục Mỹ, Singapore, Nhật Bản,… dù ai cũng biết nền khoa học nước Nga - kế thừa nền khoa học của Liên bang Xô Viết - không hề tụt hậu, vẫn là một trong những nước đứng đầu thế giới về khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và chinh phục vũ trụ.
Nếu một lúc nào Mỹ và phương Tây không còn vai trò dẫn đầu, nếu một thế lực kinh tế chính trị ABC nào đó lãnh đạo thế giới, liệu có xảy ra câu chuyện lại dịch sách ABC, lại lấy tiếng ABC làm ngoại ngữ chính trong các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đại học?
Nếu coi Giáo dục là một khoa học thì điều căn bản là không để nó lệ thuộc vào ý chí chủ quan của bất cứ lực lượng nào.
Dưới bất kỳ thể chế nào, giáo dục cũng phải tiếp cận với nền văn minh nhân loại chứ không thể bị đặt trên đường ray theo cách mà một quan chức ví von là “Đoàn tàu giáo dục”.
Càng không thể xem 22 triệu thày trò chỉ là hành khách trên đoàn tàu giáo dục đó như lời nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.
(Còn nữa)