Ai đang “đánh trống, thổi còi” tại Bộ Giáo dục?

05/12/2016 08:45
Xuân Dương
(GDVN) - Việc một số quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa làm công tác quản lý vừa thêm nghề “tay trái” là viết sách tham khảo lĩnh vực mình phụ trách không phải là mới

Việc một số quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa làm công tác quản lý vừa thêm nghề “tay trái” là viết sách tham khảo lĩnh vực mình phụ trách không phải là mới.

Năm 2010, báo chí đã dành nhiều bút mực đề cập trường hợp ông Nguyễn Hải Châu “vừa là Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, chịu trách nhiệm chỉ đạo về giảng dạy và ôn tập trong các trường THPT, vừa là chủ biên của hàng chục đầu sách tham khảo”. [1]

Cũng trong năm 2010, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định “Bộ không giao cho cá nhân nào chịu trách nhiệm, cũng không có chủ trương ban hành giới hạn chương trình hay biên soạn tài liệu tham khảo”.

Tưởng chừng báo chí nói nhiều thế, với quyết tâm của lãnh đạo bộ như thế thì sự việc sẽ không tiếp diễn.

Thế nhưng, ngày 13/10/2016, Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam Vũ Văn Hùng lại gửi công văn cho các Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, dự kiến sẽ phát hành bộ sách Trắc nghiệm lớp 12 (ngày 15/11) và Hướng dẫn ôn tập kỳ thi THPT quốc gia năm 2016-2017 và đề nghị các Sở “hướng dẫn các trường THPT tại địa phương sử dụng”. 

Cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo tự ý viết tài liệu hướng dẫn kì thi THPT. Ảnh: Tienphong.vn
Cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo tự ý viết tài liệu hướng dẫn kì thi THPT. Ảnh: Tienphong.vn

Cũng trong công văn này, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam còn cho biết để giúp học sinh tiếp cận với cách thi mới, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản bộ sách Trắc nghiệm lớp 12 gồm các môn Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Sách dự kiến phát hành ngày 15/11/2016. (Tienphong.vn 30/11/2016).

Được biết Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập. 

Trước khi bàn chuyện một số cán bộ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục tham gia cùng Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn sách tham khảo, có lẽ cũng nên dành một chút thời gian nói về đơn vị này.

Thông tin trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 3/12/2016 cho thấy tại Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ngoài Chủ tịch Hội đồng quản trị Mạc Văn Thiện, Tổng Giám đốc Vũ Văn Hùng còn có tới 05 Phó tổng là các ông Ông Thừa Phú, Phan Xuân Thành, Lê Thành Anh, Lê Hoàng Hải, Hoàng Lê Bách. [2]

Khoản 4 điều 15, Nghị định 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định số lượng cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ không quá 03 người. [3]

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là Vụ Pháp chế của Bộ có biết số lượng cấp phó của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam gần gấp đôi so với quy định của Chính phủ?

Ai đang “đánh trống, thổi còi” tại Bộ Giáo dục? ảnh 2

Cán bộ Cục khảo thí tự ý viết tài liệu ôn thi quốc gia

Việc làm trái Nghị định Chính phủ tại cơ quan trực thuộc Bộ liệu có cho thấy tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hay vì đây là đơn vị hạch toán độc lập nên có quyền không tuân theo Nghị định mà Chính phủ ban hành?

Cũng có thể đây là vấn đề do “lịch sử để lại” nên ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo “chưa tiện” thay đổi?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nêu ý kiến tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết trung ương 8 và Tổng kết năm học 2012-2013 vào sáng 28/12/2013:  

“Nếu muốn có một khâu đột phá, trước hết cùng với thi cử, phải đột phá về quản lý giáo dục, mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện đầu tiên.

Bộ không thể chịu trách nhiệm hoàn toàn về giáo dục nhưng phải đổi mới đúng nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước”.

Ba năm trôi qua kể từ khi Phó Thủ tướng phát biểu, vì sao ngay tại cơ quan trực thuộc Bộ vẫn tồn tại tình trạng “lạm phát cấp phó”?

Liệu có quá khó khi phải bớt đi vài Phó Tổng giám đốc của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam?

Nhiều loại sách ôn thi THPT quốc gia tràn ngập trên thị trường. (Ảnh: hoc.vtc.vn)
Nhiều loại sách ôn thi THPT quốc gia tràn ngập trên thị trường. (Ảnh: hoc.vtc.vn)

Trở lại vấn đề công chức đương nhiệm tại các đơn vị cơ quan bộ tham gia viết sách, người viết cho rằng “viết sách” không vi phạm luật.

Lãnh đạo các đơn thị thuộc bộ phần lớn là các nhà khoa học, là thày cô giáo có quá trình công tác lâu năm trong ngành, việc tham gia viết sách là điều tốt, cần tạo điều kiện để họ cống hiến.

Vấn đề là viết sách gì và phát hành sách đó như thế nào?

Báo Tienphong.vn cho biết: hai cán bộ đang công tác tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức ra đề thi) là ông Nguyễn Duy Kha, chủ biên sách Hướng dẫn ôn tập thi kỳ thi THPT quốc gia 2015-2016 môn Ngữ văn và ông Nguyễn Khắc Minh chủ biên môn Toán.  

Ông Nguyễn Duy Kha là trưởng phòng Khảo thí, còn ông Nguyễn Khắc Minh là cán bộ cũng ở phòng Khảo thí.

Tác giả Nguyễn Khắc Minh còn tiếp tục xuất hiện trong cuốn “Thi trắc nghiệm môn Toán lớp 12” (trong bộ sách Trắc nghiệm lớp 12) xuất bản tháng 11/2016 mà Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nhắc tới. [4] 

Những ấn phẩm mà họ viết không phải là công trình nghiên cứu khoa học, cũng không nằm trong kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, đây chỉ là hoạt động viết sách bán lấy tiền tức là kinh doanh thuần túy.

Các mục c, d, đ khoản 1 điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng quy định:
Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:

c) Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết;

Ai đang “đánh trống, thổi còi” tại Bộ Giáo dục? ảnh 4

Một ngày đẹp trời, quan bỗng xuống làm dân

d) Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

đ) Sử dụng trái phép thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị vì vụ lợi

Như vậy số công chức Bộ Giáo dục & Đào tạo nêu trên đã “làm cho các tổ chức trong nước (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam) những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết” và “Kinh doanh trong lĩnh vực” hiện vẫn đang có trách nhiệm quản lý chứ không phải chỉ là “trước đây mình có trách nhiệm quản lý”.

Nếu đã như thế, không thể nói những công chức này không phạm luật, nói một cách chính xác, họ đã vi phạm điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga ngày 1/12/2016 đã phát biểu rằng “việc cán bộ của Bộ tham gia xuất bản sách nói trên dù với tư cách cá nhân cũng không phù hợp với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vì thế Bộ đã yêu cầu các cá nhân này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Bộ sẽ xem xét và có hình thức xử lý phù hợp (nếu có vi phạm)”.

Người viết xin lưu ý Thứ trưởng Bùi Văn Ga rằng (như đã nêu trên) sự “có vi phạm” ở đây đã quá rõ ràng, còn hình thức “nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm” thì như một vị lãnh đạo Quốc hội từng nói đại ý: “sợi dây kinh nghiệm rút mãi sao không hết”!

Nhân đây cũng xin nhắc lại chuyện ở một đơn vị khác thuộc cơ quan Bộ là bộ phận Thanh tra. Báo Vietnamnet.vn ngày 23/1/2014 trong bài “Công nhận bằng tiến sĩ đào tạo “chui”?” nêu câu hỏi:

Công tác thanh tra (tại Bộ Giáo dục) chưa được coi trọng đúng mức như đánh giá của TƯ hay đang bị buông lỏng, tùy tiện?"

Những cán bộ thanh tra vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong vụ việc mà bài báo đề cập đều không bị xử lý hình sự, còn chuyện họ có phải “nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm” hay không thì không thấy nhắc đến.

Sở dĩ nói rằng “những cán bộ thanh tra vi phạm nghiêm trọng pháp luật” là bởi vì sau khi có khiếu nại, chính Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã chủ trì thanh tra lại vụ việc và đưa ra kết luận phủ nhận hoàn toàn kết luận trước đó do ông Phó Chánh Thanh tra ký.

Trở lại chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gửi công văn tới các Sở Giáo dục & Đào tạo về việc phát hành bộ sách Trắc nghiệm lớp 12 và Hướng dẫn ôn tập kỳ thi THPT quốc gia năm 2016-2017.

Cứ cho rằng đây không phải là chủ trương của Bộ Giáo dục & Đào tạo, song với danh nghĩa là đơn vị thực thuộc Bộ gửi công văn đến các cơ sở chịu sự quản lý (về chuyên môn) của Bộ có phải là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” như điều 283  Bộ luật hình sự quy định?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoàn toàn có lý khi cho rằng, muốn đổi mới giáo dục, việc đầu tiên là phải đổi mới ngay tại cơ quan Bộ trong đó việc loại bỏ những người có hành vi trục lợi, vi phạm pháp luật là không thể chậm trễ. 

Dư luận mong muốn lãnh đạo Bộ sẽ không sử dụng kinh nghiệm “rút kinh nghiệm” vốn đã bị cả xã hội và các vị lãnh đạo cấp cao nhất phê phán.

Và đến bao giờ Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam mới có “không quá ba cấp phó” như quy định của Chính phủ?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20100409/vua-chi-dao-on-thi-vua-lam-sach/372626.html

[2] http://www.moet.gov.vn/gioi-thieu/co-cau-to-chuc/Pages/default.aspx?CateID=1194& Details=1

[3 http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=27641

[4] http://www.tienphong.vn/giao-duc/can-bo-cuc-khao-thi-viet-sach-nxb-ban-khap-truong-1078825.tpo

Xuân Dương