Giáo dục: “Quyền rơm, vạ đá”

07/02/2019 06:06
Xuân Dương
(GDVN) - Có “quyền” mà không có “lực”, dân gian gọi là “quyền rơm”, nếu cơ quan công quyền rơi vào tình trạng “quyền rơm” thì không thể thực thi quyền lực...

Suốt thời gian dài, giáo dục được ca ngợi bằng nhiều mỹ từ, được các cấp lãnh đạo khen ngợi, động viên song cũng nhận không ít “mưa đá” từ dư luận, trong đó phải kể đến những nhận xét không kém gay gắt từ một số đại biểu Quốc hội và cha mẹ học sinh.

Thời gian gần đây, xu hướng “ghét” hơn là “yêu” giáo dục có chiều hướng tăng cao, ghét vì chương trình nặng, ghét vì sách giáo khoa tốn tiền, ghét nhà giáo vì nạn dạy thêm, nạn phong bì ngày lễ, vì một số cư xử không phù hợp trong nhà trường, không ít trường hợp, ngôn từ sử dụng không còn là góp ý mà trở nên cay nghiệt.

Vậy ngành Giáo dục đáng bị chê trách hay cần một sự thông cảm, nói chính xác là cần một sự đánh giá công bằng, khoa học từ người dân, các phương tiện truyền thông và đặc biệt là từ những cơ quan có trách nhiệm định hướng dư luận như Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ sở phát thanh, truyền hình trung ương?

Suốt thời gian dài, giáo dục được ca ngợi bằng nhiều mỹ từ, được các cấp lãnh đạo khen ngợi, động viên song cũng nhận không ít “mưa đá” từ dư luận. Ảnh minh họa: VTV
Suốt thời gian dài, giáo dục được ca ngợi bằng nhiều mỹ từ, được các cấp lãnh đạo khen ngợi, động viên song cũng nhận không ít “mưa đá” từ dư luận. Ảnh minh họa: VTV

Người viết cho rằng câu thành ngữ “Quyền rơm, vạ đá” vận vào giáo dục không phải là không có cơ sở.

Trong tiếng Việt, từ “quyền” không đứng đơn lẻ mà thường gắn với các từ khác để tạo nên nhóm từ ghép, chẳng hạn “quyền lực, quyền hành, quyền năng,…”.

Quyền lực của bất kỳ cá nhân, hội đoàn hay thể chế chính trị phải gồm cả “thực quyền” và “thực lực”, tuy nhiên quyền lực lại luôn tiềm ẩn hai trạng thái, có “quyền” không có “lực” hoặc có “lực” không có “quyền”.

Có “quyền” mà không có “lực”, dân gian gọi là “quyền rơm”, nếu cơ quan công quyền rơi vào tình trạng “quyền rơm” thì không thể thực thi quyền lực, sớm hay muộn thực thể mang “quyền rơm” cũng trở thành công cụ bị các thế lực khác điều khiển.

Trong quản trị nhà nước, nếu trong một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó quyền của dân chúng trở thành “quyền rơm” thì ở đó tồn tại một thể chế chuyên quyền, độc đoán, lực lượng lãnh đạo có nguy cơ đi ngược lại lợi ích của dân chúng, chống lại nguyện vọng của dân chúng, trở thành rào cản sự phát triển xã hội.

Trường hợp có “lực” mà không có “quyền” sẽ dẫn tới tình trạng hoặc là “mua quyền” hoặc là “cướp quyền”.

Khái niệm “Tư bản lũng đoạn” chính là minh chứng cho những thế lực kinh tế hùng mạnh lấn át nhà nước, biến nhà nước thành công cụ phục vụ cho lợi ích của nhà tư bản hoặc chí ít cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của nhà tư bản hoạt động.

Vậy vì sao nói “quyền rơm” gắn với Giáo dục?

Thứ nhất, các định chế quản lý giáo dục

Giáo dục: “Quyền rơm, vạ đá” ảnh 2Số 13 và ngành Giáo dục năm Mậu Tuất!

Các khoản 2, 3, 4 điều 100, Luật Giáo dục 2005 quy định:

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo thẩm quyền.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương.

Như vậy bằng một đạo luật, Nhà nước chính thức chia quyền quản lý giáo dục cho ba chủ thể: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các cấp.

Điều này hoàn toàn khác so với cách thức quản lý độc quyền trong các ngành khác như  Quân đội, Công an, Hải quan, Thuế,…

Trong Giáo dục, chiếm tỷ trọng lớn nhất là bậc phổ thông được giao cho địa phương quản một cách “toàn diện, triệt để” vì theo luật, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về “đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học” - như khoản 4 điều 100 Luật Giáo dục quy định.

Giáo dục đại học gồm hai bậc học là Cao đẳng và Đại học, hiện gần toàn bộ khối cao đẳng (trừ một số trường cao đẳng sư phạm) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Phần lớn trường cao đẳng sư phạm địa phương lại do các tỉnh, thành phố quản lý.

Mảng giáo dục đại học ngoài công lập cũng không khác mấy. Theo quy định thì Hội đồng Quản trị các đại học ngoài công lập do Ủy ban nhân dân tỉnh nơi trường đặt trụ sở công nhận.  

Không những thế, mục d, khoản 1, điều 22 “Điều lệ trường đại học” ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg quy định:

Chủ tịch hội đồng quản trị đại học ngoài công lập phải trình văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính cử đại diện tham gia hội đồng quản trị; đề nghị tổ chức Đảng, đoàn thể của trường cử đại diện tham gia hội đồng quản trị”.

Cách thức quản lý nhà nước nêu trên thực chất đã coi chính quyền địa phương là “chủ quản” của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đảm nhận vai trò giám sát nội dung, chương trình chứ không quản lý nhà nước toàn diện về giáo dục với các đại học ngoài công lập.

Những điều nêu trên đã được Tiến sĩ Dương Xuân Thành, thành viên Ban Nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trình bày trong bài viết “Quan niệm sai lầm về “địa phương chủ quản” – thực trạng và kiến nghị” đăng trên  website của Hiệp hội ngày 27/4/2017. [1]

Bộ Giáo dục và Đào tạo thực sự quản lý bao nhiêu cơ sở giáo dục và bao nhiêu nhân lực giáo dục? Câu hỏi này sẽ được trả lời ở phần sau.

Thứ hai, chia để quản lý

Giáo dục: “Quyền rơm, vạ đá” ảnh 3Cuộc đấu “Khen – Chê” giáo dục Việt Nam, tỷ số đang hòa 5-5

Nguyên tắc “Chia để quản lý” trong giáo dục không giống khái niệm “Chia để trị” thời thực dân - phong kiến nhưng có sự giống nhau kỳ lạ về kết quả mang lại, nó đều làm suy yếu cơ quan quản lý và đối tượng chịu sự quản lý.

Sự phân mảnh quyền quản lý nhà nước về giáo dục tạo nên sự độc lập của chính quyền địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngoại trừ mảng nội dung, chương trình, điều này chẳng những không tạo động lực phát triển mà ngược lại còn tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích biến giáo dục hay thành nơi kinh doanh, chẳng hạn qua việc sát hạch cấp chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ cho giáo viên phổ thông, buôn bán sách giáo khoa hay tuyển dụng viên chức giáo dục,…

Địa phương giàu như Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất miễn học phí cho bậc trung học cơ sở, yêu cầu có bộ sách giáo khoa riêng của thành phố,…

Địa phương nghèo thì để học trò học trong những căn phòng rách nát không thể gọi là lớp học theo nghĩa đơn sơ nhất.

Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục ra đời đã hơn 5 năm, những cơ quan rất hoành tráng được thành lập như “Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực”, “Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo”, “Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa” và nhiều thứ khoác áo “quốc gia” khác như đề tài quốc gia về triết lý giáo dục Việt Nam,…

Có một vấn đề đúng là mang tầm quốc gia, được khẳng định là “Quốc sách hàng đầu”, được nhấn mạnh trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong Nghị quyết 29 của Trung ương là lương nhà giáo thì lại phải chờ đợi chưa biết đến bao giờ thực hiện.

Số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được tác giả Bùi Nam dẫn lại trong bài: “Lương giáo viên Việt Nam so với đồng nghiệp toàn cầu” đăng trên Giaoduc.net.vn cho thấy ở cấp tiểu học, ba quốc gia trả lương cho nhà giáo thấp nhất là Slovakia 19.000 USD/năm (khoảng 40 triệu đồng/tháng), Cộng hòa Séc 22.000 USD/năm (khoảng 46 triệu đồng/tháng) và Hungary 25.000 USD/năm (khoảng 52 triệu đồng/tháng).

Mức lương này tương đương lương một năm của giáo viên tiểu học Việt Nam.

Ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khá nhiều cơ quan, tổ chức có quyền tham gia định hướng giáo dục chẳng hạn: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực và Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo…

Giáo dục được “quan tâm” như thế hay là buộc phải cõng trên vai những “cơ chế quyền lực” to như thế, nặng như thế?

(Còn nữa)

Xuân Dương