Cuộc đấu “Khen – Chê” giáo dục Việt Nam, tỷ số đang hòa 5-5

29/12/2018 07:21
Xuân Dương
(GDVN) - Cuộc đấu Khen - Chê giáo dục Việt Nam thực ra là không có hồi kết, tỷ số hòa 5-5 chẳng qua là hy vọng của người viết...

Cuộc đấu Khen - Chê giáo dục Việt Nam thực ra là không có hồi kết, tỷ số hòa 5-5 chẳng qua là hy vọng của người viết dù biết rằng kết quả chung cuộc có thể nghiêng về phía chê chứ không phải khen. 

Nếu quả thực phía “chê” thắng cuộc thì đó cũng là “hồng phúc của dân tộc” vì “khen đúng chỉ là bạn ta, chê đúng mới là thày ta”.

Những ngày cuối năm 2018, người viết xin “bán độ” tỷ số hòa 5-5, mong nhận được bình phẩm của bạn đọc yêu quý Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Những lời khen:

1. Báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương” của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 15/3/2018 đánh giá:

7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới đang nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sự phát triển thực sự ấn tượng thuộc về hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc”. [1]

Cuộc đấu “Khen – Chê” giáo dục Việt Nam, tỷ số đang hòa 5-5 ảnh 1Đổi mới hay chấn hưng giáo dục?

2. Từ điển trực tuyến tổng hợp Glosbe.com viết:

Hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam có tiếng trên thế giới về thành tích cho ra kết quả công bằng và có chất lượng cao” (Vietnam’s basic education system is globally recognized for producing high quality, equitable learning outcomes). [2]

3. Bài viết của tác giả Andreas Schle Rich - Giám đốc giáo dục và kỹ năng OECD (Organization for Economic Co-operation and Development - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đánh giá nền giáo dục Việt Nam như sau:

Tham gia các bài kiểm tra lần đầu tiên, những đứa trẻ 15 tuổi của quốc gia này (Việt Nam- NV) đạt điểm cao về đọc, toán và khoa học hơn nhiều nước phát triển, bao gồm Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Đó là một thành tựu gây nhiều bất ngờ cho các quan chức Việt Nam cũng như đối với các nhà quan sát bên ngoài”. [3]

4. Báo Mỹ Business Insider (chuyên về doanh nghiệp, người nổi tiếng và các tin tức công nghệ thông tin) có trụ sở tại thành phố New York viết:

Việt Nam là một ngoại lệ lớn nhất của giáo dục thế giới khi điểm số của học sinh Việt tại các kỳ thi quốc tế ngang ngửa với các nước giàu có như Phần Lan, Thụy Sĩ và hơn hẳn các nước khác như Peru, Colombia…”. [4]

5. Thành tích thi quốc tế ấn tượng của học sinh Việt Nam 

Học sinh Việt Nam đã đạt được những thành tích rất cao trên sân chơi quốc tế, theo đó cả 38/38 lượt học sinh thuộc 7 đội tuyển tham dự Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt giải.

Hai đoàn Olympic Hóa học và Vật lý được chào đón nồng nhiệt khi trở về sân bay Nội Bài. Ảnh: Nguyễn Hà/ Laodong.vn
Hai đoàn Olympic Hóa học và Vật lý được chào đón nồng nhiệt khi trở về sân bay Nội Bài. Ảnh: Nguyễn Hà/ Laodong.vn

Nhận xét về học sinh Việt Nam giáo sư Paul Glewwe (Đại học Minnesota, Mỹ) cho biết:

“Khi so sánh Việt Nam với các nước, nghiên cứu của ông không chỉ lấy GDP làm tiêu chí mà còn tính đến các yếu tố như: trình độ học vấn của cha mẹ, tài sản của gia đình.

Tiêu chí nào Việt Nam cũng thấp hơn nhiều nước phát triển. Điều này càng khiến ông không thể hiểu nổi tại sao bị tác động bởi nhiều yếu tố như vậy mà điểm PISA của Việt Nam vẫn rất cao”. 

Những đánh giá trong nước:

1. Khủng hoảng niềm tin vào giáo dục

Khủng hoảng giáo dục cấp phổ thông chưa xảy ra nhưng khủng hoảng niềm tin vào giáo dục đại học là một thực tế, dù có không ít người không chịu thừa nhận. 

Cuộc tháo chạy khỏi giáo dục trong nước từ bậc đại học đang có xu hướng lan sang bậc phổ thông, những người có điều kiện đều muốn cho con mình ra nước ngoài học, trong đó phải kể đến đội ngũ lãnh đạo trong hệ thống chính trị. 

Có vị thứ trưởng một bộ còn công khai khẳng định hai con mình học ở nước ngoài không muốn về nước làm việc.

Những năm gần đây, lượng học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập tăng vọt về số lượng, theo báo cáo hàng năm của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng liên tục trong 17 năm.

Việt Nam hiện đứng thứ sáu trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Hoa Kỳ, với 24.325 sinh viên, tăng 8,4%.

Sinh viên Việt Nam đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Hoa Kỳ. 

Thông tn trên các phương tiện truyền thông cho thấy mỗi năm người Việt chi từ 3-4 tỉ USD cho con em đi du học.

“Người Việt mất niềm tin giáo dục trong nước” là nhận định được đăng trên báo Tuoitre.vn ngày 2/7/2018.

Cuộc đấu “Khen – Chê” giáo dục Việt Nam, tỷ số đang hòa 5-5 ảnh 3Giáo dục, những bất thường và … bình thường!

2. Mất niềm tin vào chỉ đạo điều hành

Năm 2018, nhiều “thử nghiệm” giáo dục đã cho kết quả buồn:

Thất bại của mô hình dạy học VNEN cho đến nay vẫn chưa có sự thừa nhận chính thức từ phía lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.  

Thử nghiệm phương pháp dạy học theo “Công nghệ giáo dục” được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá:

Thực nghiệm gì mà mấy chục năm rồi vẫn thực nghiệm. Hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm, khổ học sinh lắm”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận: “Đề án ngoại ngữ 9.400 tỷ đồng không đạt mục tiêu”. [5] 

Dự thảo “sinh viên sư phạm bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đánh giá là “làm trò cười cho xã hội”. [6]

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018. Ảnh: TTXVN
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018. Ảnh: TTXVN

3. Dối trá, gian lận trong giáo dục lên đến đỉnh điểm

Lần đầu tiên, gian lận thi cử quy mô cấp tỉnh bị phát hiện tại ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang trong kỳ thi quốc gia tốt nghiệp trung học phổ thông 2018. 

Lần đầu tiên có tới hơn 40 người bị loại sau khi truyền thông vào cuộc trong đợt xét phong giáo sư, phó giáo sư cuối năm 2017, đầu năm 2018.

Lần đầu tiên một cơ sở đào tạo trên đại học là Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bị dư luận “tặng” cho biệt danh “Lò đào tạo tiến sĩ” sau khi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hiện rất nhiều sai phạm trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại học viện này.

Lần đầu tiên, một quan chức - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận - chỉ đích danh nơi tiêu thụ bằng giả là “cơ quan nhà nước”:

"Người học giả, sử dụng bằng giả chỉ có thể "chui" vào các cơ quan nhà nước chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”. [7]

4. Bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng

Cuộc đấu “Khen – Chê” giáo dục Việt Nam, tỷ số đang hòa 5-5 ảnh 5Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại

Năm 2018 xuất hiện quá nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực học đường:

Cô giáo cho học sinh tát bạn hơn 200 cái

Học sinh dùng gậy đánh thày nhập viện

Phụ huynh xỉ nhục thày giáo vì con mất quần lót

5. Cuộc sống bấp bênh của nghề dạy học

Để nói về cuộc sống bấp bênh của nghề dạy học, chỉ cần điểm qua một số ý kiến trên các báo:

Ngày 20/9/2018, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 500 giáo viên sau nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục. [8]

Hơn 50 giáo viên tại tỉnh Phú Yên ngỡ ngàng khi bị huyện Tây Hòa chấm dứt hợp đồng lao động ngay trước thềm năm học mới.

Trong khi căn cứ vào quy định của pháp luật, việc cắt hợp đồng với những giáo viên đã có thâm niên trên 5 năm là không đúng quy định. [9]

Gần 300 giáo viên hợp đồng bị sa thải: Biết thừa, sao vẫn tuyển? [10]

Có những giáo viên “may mắn” không bị sa thải, khi về hưu được nhận lương hưu bằng đúng lương cơ bản sau khi nhà nước đã bù thêm phần chênh lệch.

Câu thốt lên của đa số giáo viên là “Không làm thêm, chỉ trông vào lương, nhà giáo sống bằng gì?”.

Tóm lại, dù mong muốn tỷ số khen chê là hòa 5-5 song thực tế không phải như vậy. 

So với trình độ thế giới, giáo dục Việt Nam vẫn còn nằm đâu đó ở khoảng giữa, chẳng hạn theo “Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017-2018, Việt Nam xếp hạng 84/137 quốc gia về chất lượng hệ thống giáo dục đại học, và 79/137 quốc gia về khả năng đổi mới.

Chỉ có hai trường đại học Việt Nam nằm trong top 1.000 trên thế giới, so với 39 trường đại học Trung Quốc, trong đó có 6 trường nằm trong top 100. [11] 

Nếu quả như vậy thì tỷ số giáo dục giữa Việt Nam và thế giới có phải là 1-2?

Để bàn thêm về các vấn đề của giáo dục, trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc, kính mời quý bạn đọc theo dõi loạt bài Giáo dục: Quyền rơm, vạ đá!

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2018/03/15/seven-out-of-10-top-school-systems-are-in-east-asia-pacific-but-more-needs-to-be-done-world-bank-says

[2]https://glosbe.com/vi/en/H%E1%BB%87%20th%E1%BB%91ng%20gi%C3%A1o%20d%E1%BB%A5c%20Vi%E1%BB%87t%20Nam

[3] https://www.bbc.com/news/business-33047924

[4] http://voh.com.vn/yoga-va-thien/giao-duc-viet-nam-la-bi-an-208040.html

[5]https://news.zing.vn/bo-truong-gd-dt-de-an-ngoai-ngu-9400-ty-khong-dat-muc-tieu-post698197.html

[6]https://vtc.vn/du-thao-sinh-vien-ban-dam-lan-thu-4-moi-bi-duoi-hoc-duoc-thong-qua-thi-nen-giao-duc-viet-nam-se-di-ve-dau-d435449.html

[7] https://vnexpress.net/giao-duc/bang-gia-chi-co-the-chui-vao-co-quan-nha-nuoc-2956309.html

[8] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vu-hon-500-giao-vien-bi-cham-dut-hop-dong-noi-buon-truoc-them-nam-hoc-moi-2018081414493736.htm

[9] https://vtvgo.vn/kho-video/phu-yen-nhieu-giao-vien-bi-cham-dut-hop-dong-lao-dong-102163.html

[10] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/gan-300-giao-vien-hop-dong-bi-sa-thai-biet-thua-sao-van-tuyen-794692.vov

[11] https://news.zing.vn/giam-doc-wb-cai-cach-dai-hoc-vn-cho-nen-kinh-te-tri-thuc-post893578.html

Xuân Dương