Chưa bao giờ thấy chủ đầu tư nào lì như vậy
Sau nhiều lần thất hứa trong việc triển khai thực hiện dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long, mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tiếp tục gửi văn bản thông báo tình hình triển khai, kế hoạch triển khai dự án này.
Văn bản nêu rõ, doanh nghiệp sẽ đền bù giải phóng mặt bằng tại xã Hoằng Thịnh trong tháng 9/2018 và tại xã Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa) trong tháng 10/2018.
Đơn vị này cũng sẽ thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại xã Hoằng Minh, đồng thời chi trả tiền đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án trước ngày 15/2/2019.
Trong quý IV/2018 và quý I/2019 bắt đầu triển khai trình thẩm định hồ sơ trích đo địa chính, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện chi trả cho các xã thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa quản lý.
Khu công nghệp FLC Hoàng Long chủ yếu vẫn là bãi đất trống. Ảnh của Xuân Quang. |
Xin được nhắc lại rằng, trước đó, FLC cũng có không ít lần có văn bản đề cập tới vấn đề (thực hiện) giải phóng mặt bằng, chi trả tiền đề bù cho người dân, triển khai thực hiện dự án theo cam kết, nhưng hầu hết những cam kết đó sau nhiều năm vẫn đang nằm trên giấy.
Lời hứa của chủ đầu tư hầu như không còn trọng lượng đặc biệt là đối với người dân khi tư liệu sản xuất của họ đang bị "treo" hết năm này qua năm khác.
Trong khi đó, lãnh đạo một số địa phương hầu như không còn tin tưởng vào những cam kết của doanh nghiệp cũng như sự thành công của dự án này sau nhiều năm chờ đợi.
“Tập đoàn FLC cam kết sẽ chi trả tiền đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án tại xã Hoằng Thịnh trong tháng 9/2018, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có động thái gì.
Cũng chưa chắc doanh nghiệp đã thực hiện đúng cam kết. Mấy lần trước họ cũng hứa với dân nhưng có thực hiện được đâu”, ông Nguyễn Đình Tuy – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa cho biết.
Nêu quan điểm về việc doanh nghiệp tiếp tục thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng tại xã Hoàng Minh để thực hiện dự án trong khi tập đoàn này đang còn nợ tiền đền bù của người dân các xã Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh, ông Tuy cương quyết:
Dân khốn khổ vì FLC Hoàng Long, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá sao chưa "nâng đỡ"? |
“Sẽ không bao giờ có chuyện kiểm kê, giải phóng mặt bằng tại xã Hoằng Minh nếu doanh nghiệp chưa chi trả hết tiền đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án tại xã Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh.
Chúng tôi đề nghị Tập đoàn FLC trả gọn những khoản tiền còn nợ trước đây cho người dân. Còn chuyện giải phóng mặt bằng tại xã Hoằng Minh sẽ tính sau”, ông Tuy thẳng thắn.
Vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa cũng nói rằng, cá nhân ông chưa bao giờ thấy doanh nghiệp nào chây ì như FLC và lãnh đạo huyện chịu rất nhiều áp lực từ việc doanh nghiệp chậm chi trả tiền đền bù cho dân.
“Chúng tôi làm vì người dân chứ không vì tư lợi, nhưng họ cứ chửi mình. Nhiều lần lãnh đạo huyện, xã phải xuống cơ sở trực tiếp vận động người dân chịu khó chờ đợi họ mới để yên đấy.
Các anh không biết đâu, chúng tôi chịu áp lực lắm! Ai chả thấy xót xa nhìn thấy đất bỏ trống như vậy. Tôi chưa bao giờ tôi gặp doanh nghiệp nào như vậy. Họ có sợ ai đâu? Chúng tôi rất mong các anh chia sẻ với chúng tôi”, ông Tuy bức xúc.
Ông Lê Hồng Quang – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoàng Hóa cho biết, sau khi huyện có thông báo ngừng sản xuất tại những diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án, người dân đã chấp hành theo chỉ đạo.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện dự án theo cam kết, nên người dân vẫn tiếp tục xuống đồng để sản xuất, đáp ứng nhu cầu lương thực hằng ngày.
“Bản thân người dân các xã bị ảnh hưởng bởi dự án rất muốn dự án thành công để con em họ có điều kiện vào làm việc tại khu công nghiệp này. Nhưng nói thật là bây giờ người dân cũng rất bức xúc”, ông Quang cho biết.
Tại xã Hoằng Long, thành phố Thanh Hóa, tình trạng cũng chẳng khá khẩm hơn.
Theo đó, sau khi công bố quy hoạch dự án, thành phố Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo tạm dừng sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án triển khai đúng tiến độ.
Nhưng sau lễ khởi công ồn ào ấy, tất cả lại rơi vào im lặng cho đến nay. Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án, thành phố Thanh Hóa lại tiếp tục ra văn bản chỉ đạo người dân tiếp tục sản xuất, canh tác.
Nếu không thực hiện theo cam kết sẽ đề nghị thu hồi dự án
Theo báo cáo mới đây của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, tiến độ thực hiện dự án ự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoằng Long đến nay rất chậm, trong đó có việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại cho người dân tại một số xã của huyện Hoằng Hóa, Thành phố Thanh Hóa.
Cụ thể, tại xã Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa) đơn vị có thẩm quyền đã phê duyệt dự toán bồi thường với tổng số tiền 24,07 tỷ đồng, diện tích là 16,65 ha, 231 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng.
Chủ đầu tư đã chi trả được 6,4 tỷ đồng (trong đó 3,4 tỷ chi trả năm 2015 và 3,0 tỷ chi trả cuối năm 2017).
Tại xã Hoằng Đồng có diện tích thu hồi đất là 36,5 ha, hiện đã tiến hành chi trả được 3,02 ha gồm 61 hộ với kinh phí chi trả là 4,755 tỷ đồng để phục vụ lễ khởi công năm 2015. Riêng tại xã Hoằng Minh chưa tiến hành kiểm kê.
Tại Thành phố Thanh Hóa, đơn vị có thẩm quyền chưa hoàn thiện các thủ tục kiểm kê và phê duyệt dự toán bồi thường. Chủ đầu tư đã chuyển 6,684 tỷ đồng cho ban giải phóng mặt bằng thành phố Thanh Hóa để chi trả cho các hộ dân bị dừng sản xuất theo quyết định số 19959/QĐ-UBND; 19960/QĐ-UBND và Quyết định số 20681/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa…
Đã đến lúc cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa cần có biện pháp cứng rắn hơn nữa đối với chủ đầu tư (tập đoàn FLC) chây ì trong việc đền bù, triển khai dự án này.
Thậm chí cơ quan có thẩm quyền nên tính toán đến việc thu hồi dự án, trả lại tư liệu sản xuất cho người dân để họ lấy kế sinh nhai, tạo môi trường lành mạnh trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thực tế, trong thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã rất cương quyết trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, hoặc chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án... Thế nhưng tại sao dự án Khu công nghiệp FLC lại là một ngoại lệ?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc xử lý doanh nghiệp chây ì trong việc triển khai, thực hiện dự án, ông Lê Tiến Dũng, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cho biết trong thời gian tới, cơ quan có trách nhiệm sẽ có biện pháp cứng rắn hơn với chủ đầu tư này.
“Lãnh đạo tỉnh cũng rất kỳ vọng về dự án này, nhưng ngược lại, doanh nghiệp đã không ít lần hứa triển khai dự án theo cam kết nhưng không thực hiện được.
Tôi không đánh giá việc chủ đầu tư có năng lực thực hiện dự án này hay không, nhưng nếu họ thấy hiệu quả đầu tư dự án không đạt được như các lĩnh vực đầu tư khác thì nên trả lại dự án cho tỉnh để địa phương kêu gọi các doanh nghiệp khác vào đầu tư.
Trong một số cuộc họp trên tỉnh tôi đã nói điều đó và rất sốt ruột với dự án này. Nhưng càng chờ càng thấy…”, ông Dũng cho biết.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, trong thời gian tới nếu chủ đầu tư vẫn chây ì không thực hiện dự án như đã cam kết, đơn vị sẽ báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền thu hồi dự án này.
Dự án Khu công nghiệp kiểu mẫu FLC Hoàng Long có quy mô 286,82 ha, bao gồm vị trí địa giới hành chính thuộc các xã: Hoằng Anh, Hoằng Long, Hoằng Quang (thành phố Thanh Hóa), Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa). Khu công nghiệp FLC Hoàng Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với chức năng là khu công nghiệp đa ngành, như viễn thông, phần mềm, lắp ráp công nghệ cao, sản xuất đồ công nghiệp tiêu dùng, may mặc, giày da… Dự án được thực hiện với quy mô 286 ha, tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, dự kiến sau hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho từ 60.000-80.000 lao động. Ngày khởi công, Khu công nghiệp FLC Hoàng Long từng được kỳ vọng là khu công nghiệp kiểu mẫu. Nhưng 3 năm sau lễ khởi công rầm rộ, cái gọi là “kiểu mẫu” chỉ là bãi đất trống. Phía trước là cổng chào lạnh lẽo, vô hồn. |