Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành giao thông vận tải (GTVT) vào ngày hôm qua (10/1), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng một lần nữa đặt ra vấn đề, phải khẩn trương có các giải pháp giải quyết ùn tắc “cả trên trời, dưới mặt đất” tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Phó Thủ tướng yêu cầu: “Ngày 15/1 báo cáo quy hoạch mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Phải làm thêm đường lăn, nhà ga, sắp xếp lại khu vực sân đỗ, đầu tư thêm các hệ thống giao thông kết nối ra bên ngoài.
Về nguồn vốn, phải xác định dùng vốn xã hội là chính, chỉ đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước với các công trình hạ tầng chính như đường lăn, sân đỗ. Các công trình nhà ga, phụ trợ dùng vốn xã hội hóa.
Mục tiêu là quý III/2017 phải đưa vào sử dụng một số hạng mục chính, hoàn thành trong năm 2018”.
Khu vực đón trả khách quốc nội tại sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào cảnh kẹt xe. ảnh: Lê Quân/Báo điện tử Zing. |
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào cuối tháng 12/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, theo dự báo đến năm 2020 ngành hàng không có 70 triệu lượt khách, nhưng trên thực tế hiện nay đã quá tải.
“Năm 2016 đã có khoảng 87 triệu khách, năm 2017 sẽ gia tăng thêm khoảng 10-15 nghìn khách. Sân bay Tân Sơn Nhất đã rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng, theo quy hoạch thì sân bay này đáp ứng được 25 triệu khách, nhưng nay đã lên tới 32 triệu khách. Vì vậy, cần phải rà soát lại tổng thể chứ không thể để quy hoạch không phù hợp”.
Cũng tại hội nghị này, Phó Thủ tướng đã cho biết, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT nhanh chóng phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hồ Chí Minh tập trung hoàn thành quy hoạch tổng thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
“Sau đó, chúng ta phải có một lộ trình thực hiện các dự án cụ thể để nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên khoảng 40-50 triệu khách. Cái này là hoàn toàn làm được.
Muốn vậy thì phải tăng thêm đường băng, tăng thêm ga hành khách, tăng cường quản lý không lưu. Việc này sử dụng vốn ngoài nhà nước rất tốt và rất hiệu quả”, Phó Thủ tướng cho biết.
Nếu hàng không chậm phát triển, nhiều người dân cả đời không được đi máy bay |
Câu chuyện quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết không phải bây giờ mới được nhắc tới.
Trong một buổi làm việc vào ngày 11/8/2016 tìm giải pháp cho sân bay Tân Sơn Nhất (do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì), ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận, sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải từ trên trời cho đến nhà ga và cả các tuyến đường bộ kết nối xung quanh.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 51 vị trí đỗ tàu bay nhưng trong một số khung giờ, rất nhiều chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất bị kéo dài thời gian lăn ra hoặc lăn vào do quá tải.
Thậm chí, nhiều chuyến bay phải bay vòng, chờ trên bầu trời từ 15-60 phút và có thời gian cao điểm lên đến 8-9 chuyến bay phải bay chờ.
“Tình trạng này dẫn đến chất lượng dịch vụ kém, hiệu quả khai thác của các hãng hàng không thấp và làm tăng khí thải ra môi trường.
Trước tình trạng này, từ ngày 15/8, Cục Hàng không Việt Nam phải quyết định giảm còn 38 – 40 chuyến đáp xuống sân bay so với khoảng 42 chuyến như trước trong khung giờ cao điểm”, ông Thanh cho biết.
Cũng vì số lượng khách tăng nhanh, trong khi hạ tầng đáp ứng không kịp nên mới đây Cục Hàng không lại đưa ra gợi ý cho các hãng hàng không đưa máy bay "ngủ đêm" ở sân bay Cần Thơ.
Tuy nhiên, ý tưởng này ngay lập tức vấp phải sự phải ứng từ các hãng hàng không và rất nhiều chuyên gia.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Trọng Tuấn - tác giả đường bay vàng cho rằng, thay vì giảm tải bằng việc chuyển máy bay đi đậu qua đêm tại các sân bay lân cận, ngành hàng không cần nhanh chóng triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Thuấn nói: “Đúng là sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, nhưng quá tải là do ngành giao thông và do điều hành quản lý. Tại sao không mở rộng sân bay vào diện tích đang được cho thuê làm nhà kho chứa hàng, vào diện tích đất sân golf, đất sân bóng đá, hay đó là vùng cấm?”.
Với tư cách một cựu phi công quân sự, ông Mai Trọng Tuấn khẳng định, nhiệm vụ giữ gìn bảo vệ an ninh quốc phòng ở thời kỳ nào cũng phải đặt lên hàng đầu.
Nhưng không thể cứ lấy danh bảo vệ an ninh quốc phòng để giữ đất rồi sử dụng vào việc không cần thiết trong khi đất phục vụ phát triển kinh tế đang thiếu.
Theo ông Tuấn, các đơn vị quân đội trong sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể di chuyển về sân bay Biên Hòa để trả lại toàn bộ diện tích đất tại Tân Sơn Nhất phục vụ mục đích nâng cấp sân bay này có thêm nhà ga, bãi đỗ tàu bay.
Còn theo phân tích của TS.Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM (HASCON), Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI: "Bằng việc chuyển đổi dự án sân Golf kết hợp với diện tích đất còn trống trong sân bay Tân Sơn Nhất có thể mở rộng nhà ga, bãi đỗ với đủ năng lực phục vụ 56 triệu hành khách/năm.
Để nâng cao năng lực vận chuyển tại sân bay Tân Sơn Nhất cần hai giai đoạn: Giai đoạn 1, muốn nâng năng lực vận chuyển hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất từ 20 triệu hành khách/năm lên 56 triệu hành khách sân bay Tân Sơn Nhất cần xây dựng thêm 3 nhà ga.
Diện tích để xây dựng 3 nhà ga mới lấy từ vùng đất sân golf rộng 157 ha và 38 ha đất trống trong khuôn viên sân bay, vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn này dưới 2 tỉ USD.
Giai đoạn 2, đến năm 2050 lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất vượt quá 56 triệu hành khách/năm, có thể nâng năng lực vận chuyển Tân Sơn Nhất lên 80 triệu hành khách/năm bằng việc di dời các đơn vị quân đội và các xí nghiệp thuê đất khỏi khu vực Tân Sơn Nhất để có thể xây thêm nhà ga và đường băng mới.
Như vậy để giải quyết tận gốc vấn đề quá tại tại sân bay Tân Sơn Nhất phải nâng cấp sân bay này lên dựa trên quỹ đất sẵn có.
Để làm được điều này phải có sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng, phải có sự quyết đoán của các cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước".