The Time of India, tờ báo uy tín bậc nhất Ấn Độ khẳng định hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy “Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc không ngừng gia tăng”. Bài báo cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: “Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ hiếu chiến của Trung Quốc đã trở thành một đặc điểm cố hữu trong chính sách đối ngoại và bành trướng của nước này”.
Vài năm trước, nhân chuyến thăm của Giám đốc Học viện quốc phòng Việt Nam sang Trung Quốc, trang bbc.co.uk/vietnamese/ bản tiếng Việt ngày 30/6/2011 đưa tin:
“Bản tin của Nhật báo Giải phóng quân (Trung Quốc) không nhắc tới vấn đề Biển Đông, nhưng dường như Tướng Mã (Mã Hiểu Thiên) đã đề cập tình hình căng thẳng sau các diễn biến tại đây trong cuộc gặp khi nhấn mạnh rằng ông hy vọng "phía Việt Nam sẽ xử lý các vấn đề tế nhị một cách thích đáng và hướng dẫn dư luận cũng như cảm tính xã hội một cách đúng đắn".
Theo cách nói của viên tướng Trung Quốc, Việt Nam phải hướng dẫn dư luận cũng như cảm tính xã hội một cách đúng đắn.
Có hai khả năng lựa chọn: hoặc là từ ngữ mà chúng ta nói, cấp độ người nói phải theo chuẩn mực của Trung Quốc, hoặc là chúng ta nói theo quyền lợi của dân tộc và công pháp quốc tế.
Phương án 1: Chúng ta nói “theo chuẩn mực của Trung Quốc"
Để hiểu chuẩn mực của Trung Quốc là gì chúng ta cần biết Trung Quốc gần đây nói năng ra sao. BBC đưa tin: “Nhật báo Hoàn Cầu, do Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản, hôm nay (11/6/2011) có bài xã luận cáo buộc Việt Nam áp dụng "chủ nghĩa dân tộc ở hình thức thấp kém nhất để tạo ra sự thù địch mới giữa hai nước".
Cần giới thiệu rằng Hoàn Cầu nhật báo là tờ báo quốc tế có uy tín tại Trung Quốc, lượng phát hành mỗi số là 1,6 triệu bản. Báo có phóng viên tại 65 nước trên thế giới. Tờ này do Nhân Dân nhật báo - cơ quan của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý, ra số đầu tiên ngày 3/1/1993.
Trang mạng Hoàn Cầu, con đẻ của nhật báo Hoàn cầu đã có hàng trăm bài viết về Việt Nam, xin trích dẫn một số bài viết cách đây năm năm.
- “Vấn đề Biển Đông, vì sao Quân Giải phóng không chọn phương thức giải quyết trên bộ?” (30/6/2009)
- “Trung quốc phải sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề Biển Đông” (3/7/2009)
- “92% dân mạng Trung Quốc tán thành dùng vũ lực giải quyết vấn đề Biển Đông” (5/7/2009)
- “Quân Giải phóng giải quyết bằng vũ lực vấn đề Biển Đông, nước Mỹ không có khả năng trực tiếp tham chiến” (16/7/2009)
- “Quan điểm của phái phản đối: vấn đề Biển Đông cần giải quyết nhanh, càng kéo dài càng chết” (5/8/2009)
- “Cuộc chiến ở Biển Đông: năm nguyên nhân lớn khiến Trung Quốc nên đánh cho Việt Nam lụn bại” (18/8/2009)
Điểm lại ngôn từ mà những người từ lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đã nói như “dạy cho Việt Nam một bài học” đến loại trung trung như các tướng lĩnh và loại “dân thường” như các bài nêu trên chúng ta đã thấy người Trung Quốc ăn nói ra sao.
Theo lời khuyên của tướng Mã, nhà nước nên “hướng dẫn dư luận nói theo chuẩn mực của Trung Quốc”, không nhất thiết phải e dè. Người Việt hàng nghìn năm nay chưa bao giờ sợ chiến đấu vì chủ quyền quốc gia, chưa bao giờ sợ bọn xâm lược bất kể chúng là thứ nhất, thứ nhì hay thứ ba trên thế giới.
Ngày xưa An Dương Vương gả công chúa Mỵ Châu cho Trọng Thủy, lại còn cho ở rể trong kinh thành. Trọng Thủy ăn cắp bí mật quân sự rồi về nước cùng bố đem quân sang đánh chiếm nước Nam khiến cho An Dương Vương phải chém chết công chúa Mỵ Châu rồi tự vẫn.
Chúng ta không quên những sự giúp đỡ về vũ khí, lương thực và một số đơn vị quân đội mà Trung Quốc đưa sang Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng chúng ta cũng không quên năm 1972 vì câu nói “Người không động đến ta thì ta không động đến người” của lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc mà Hà Nội bị bom B52 rải thảm. Các học giả phương tây khi đó đã nêu bình luận rằng: "Trung Quốc quyết tâm đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”.
Những người ngây thơ nhất cũng hiểu rằng sự hy sinh của hàng triệu con dân đất Việt, sự sa lầy của Mỹ tại Việt Nam đã dành cho Trung Quốc khoảng thời gian quý giá để xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng.
Vũ khí, lương thực, quân trang có thể so sánh với máu và sinh mạng con người không?
Nói theo cách nói của Trung Quốc thì Trung Quốc không chỉ là vô ơn mà còn bạc tình, bạc nghĩa.
Phương án 2: Hướng dẫn dư luận “theo cách của Việt Nam"
So với hàng trăm bài báo của Trung Quốc, chúng ta có rất ít bài viết về các chủ đề nhạy cảm này, cũng chưa hề có bài nào dùng ngôn từ như họ. Đã đến lúc truyền thông nhà nước cần cho nhân dân biết sự thật. Chúng ta cố gắng để không mất đi tình hữu nghị giữa hai dân tộc nhưng tại sao trong khi “92% dân mạng Trung Quốc tán thành dùng vũ lực giải quyết vấn đề Biển Đông” (Hoàn cầu 5/7/2009) thì chúng ta lại không thể nói lên ý kiến của mình?
Người lãnh đạo giỏi không phải là người chiến thắng trong các cuộc chiến tranh mà là người tránh cho đất nước khỏi các cuộc chiến tranh. Quan điểm này là sáng suốt và đúng đắn. Nhưng người lãnh đạo giỏi cũng phải biết chuẩn bị cho đất nước đương đầu với các cuộc chiến không mong muốn nếu nó xảy ra. Lịch sử đã chỉ ra rằng rất nhiều cuộc chiến tranh xảy ra do ý muốn chủ quan của một phía. Cuộc chiến tranh nhân dân chống ngoại xâm chỉ có thể thắng lợi nếu toàn dân một lòng hy sinh quyền lợi cá nhân vì độc lập tự do của dân tộc. Quyền lợi quốc gia, dân tộc phải đặt trên ý thức hệ. Xin nêu một vài ví dụ về hướng dẫn dư luận:
Nhật báo Hoàn cầu kết thúc bài báo ngày 11/6/2011 bằng câu đe dọa "Nếu Việt Nam cứ tiếp tục gây rối, tưởng rằng càng gây rối thì càng hưởng lợi, chúng tôi thành thật xin nhắc các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam là hãy đọc lại lịch sử".
Quả đúng như vậy, chúng ta cần làm theo “lời khuyên” đó. Không chỉ thế hệ hôm nay mà muôn đời con cháu mai sau cần nhớ đến những cái tên như Liễu Thăng, Thoát Hoan, Toa Đô, Ô Mã Nhi, Sầm Nghi Đống, Tôn Sĩ Nghị… Cần phải nhớ rằng năm 1956 Trung Quốc đánh chiếm đông Hoàng Sa, năm 1974 đánh chiếm tây Hoàng Sa, năm 1979 đánh biên giới phía bắc, năm 1988 đánh chiếm bãi Gạc Ma ở Trường Sa…
Lịch sử đã chỉ ra rằng: "Vận nước có lúc thịnh, lúc suy nhưng hào kiệt đời nào cũng có”.
Người Trung Quốc nêu danh Hàn Tín chịu chui qua háng người khác, Câu Tiễn chịu nếm phân kẻ thù để tìm cách khôi phục nền độc lập của quốc gia. Người Việt không hạ mình như vậy, người Việt không sợ bất kỳ kẻ thù nào. Nói theo cách nói của chị Út Tịch giặc đến nhà đàn bà “còn cái lai quần cũng đánh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1945 đã viết: "Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”
Thực dân pháp muốn cướp nước ta lần thứ hai, nhưng các triều đại Trung hoa từ Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đến nay họ muốn cướp nước ta không chỉ hai lần. Như lời dạy của bác Hồ, chúng ta đã “phải nhân nhượng” Trung Quốc trên biên giới phía bắc. Nếu chúng ta “phải nhân nhượng” lần nữa trên biển Đông thì sẽ không còn đường ra biển bởi đường lưỡi bò ôm sát toàn bộ ven biển nước ta. Lời kêu gọi của bác Hồ đến nay chỉ cần thay một vài từ lại mang tính thời sự.
Để giữ tình hòa hiếu giữa hai nước, các phương tiện thông tin của Việt Nam chưa bao giờ dùng ngôn từ như Hoàn Cầu nhật báo đã dùng. Lãnh đạo Việt Nam cũng chưa bao giờ dùng các ngôn từ tương đương với lãnh đạo Trung Quốc.
Các phương tiện truyền thông và quan chức Trung Quốc đã và đang cố tình bóp méo sự thật, cố tình làm cho dư luận thế giới hiểu lầm rằng Việt Nam chủ động tạo ra căng thẳng, rằng Việt Nam đã đưa tàu cản trở hoạt động của Trung Quốc. Mặc dù thế giới ngày nay vẫn còn cảnh cá lớn nuốt cá bé nhưng nên nhớ có những loài cá nhỏ nuốt vào là chết.
Thế giới có thể mắc lừa về lời nói của Trung Quốc nhưng nhất định không thể mắc lừa về hành động của Trung Quốc. Chúng ta hy vọng những những người bạn ở bên kia biên giới nhận thức được một điều rằng người Việt Nam “Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải giữ cho được Tự do – Độc lập”, đó là chân lý đã được chứng minh hàng ngàn năm nay.
Một số ảnh của BBC:
Trung Quốc cho đào cột mốc theo hiệp ước Pháp-Thanh 1887-1895, trong hình là cột mang dòng chữ Đại Nam Quốc Giới tại Đông Hưng, Quảng Tây. |
Được biết, một số cột cả ở Quảng Tây và Vân Nam đều được đào đem về. |
Cột mốc thuộc tỉnh Vân Nam còn ghi hai bên là ‘Trung Hoa’ và ‘An Nam’. |
Đây là cột mốc biên giới đã được người Trung Quốc đào đem về. Trên cột còn dòng chữ Đại Thanh Quốc, Khâm Châu Giới. (Hình do ban BBC Tiếng Trung cung cấp từ nguồn Tân Hoa Xã). |
Xuân Dương