16h ngày 7/5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo quốc tế về sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tại đây, thông tin ban đầu đưa ra cho thấy, phía Trung Quốc không chỉ ngang ngược vi phạm vùng biển, lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam mà còn có nhiều hành vi nguy hiểm khác.
Nhiều tàu, trong đó có cả tàu quân sự của nước này đã chủ động gây va chạm với các tầu Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại vùng biển mà giàn khoan 981 đang vi phạm.
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng cảnh sát biển Việt Nam cho biết, từ ngày 2, 3/5 cho đến hiện tại, Trung Quốc đã huy động 80 tàu các loại, trong đó có 7 tầu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa 534 (Giang Hồ 2) và tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 573 cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám và các tàu vận tải, tàu cá; hàng ngày còn hàng chục tốp máy bay hoạt động, vào sát đảo lý sơn 60 hải lý.
Khi các tàu Việt Nam ra kiểm tra, thực thi pháp luật, ngăn chặn xâm phạm trái phép của dàn khoan 981, các tàu Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay đã có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu Việt Nam, dùng vòi rồng công xuất lớn phụt vào tàu Việt Nam, làm hư hỏng tài sản, gây thương tích cho các thủy thủ.
Tiếp đó, vào lúc 8h30 ngày 4/5, tàu Hải Cảnh 44103 của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam 2012. Dù tàu của Việt Nam tăng tốc vòng tránh, nhưng vẫn bị đâm thủng một đoạn đuôi tàu (rộng khoảng 1m2), làm hư hỏng một số trang thiết bị khác.
Ngoài các tàu cảnh sát biển thì một loạt tàu khác của Trung Quốc cũng chủ động đâm va, phun nước vào hàng chục tàu kiểm ngư và các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây thương tích cho một số thủy thủ Việt Nam.
Đặc biệt, vào lúc 12h hôm nay (7/5), tàu Hải cảnh 3411 của Trung Quốc tiếp tục có hành động đâm vào tàu Cảnh sát Biển Việt Nam (CSB 8003), đồng thời sử dụng máy bay số hiệu 8321 uy hiếp tàu Việt Nam.
Các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây nên tình trạng hết sức căng thẳng trên thực địa.
Đại tá Ngô Ngọc Thu khẳng định: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã kiên trì kiềm chế trước hành động ngang ngược, hung hăng của các tàu Trung Quốc. Tới đây, lực lượng thực thi pháp luật tiếp tục đấu tranh kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Chúng tôi khẳng định đến thời điểm hiện nay Việt Nam không sử dụng các tàu quân sự vào việc xua đuổi giàn khoan 981. Chúng tôi nhận thấy, hành động ngang ngược của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật phát Việt Nam và luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên biển Đông giữa các nước Asean và Trung Quốc (DOC). Khu vực Trung Quốc xâm phạm nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Việc làm trên của Trung Quốc cũng làm ảnh hưởng đến mối quan hệ và thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam – Trung Quốc, gây mất lòng tin của hai nước và quốc tế.
Đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, đã có 80 tàu các loại của Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển Việt Nam, chủ động đâm vào tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quang. |
Trong khi đó, ông Ngô Mai Thịnh, đại diện Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 1/5, các tàu kiểm ngư đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thanh tra thủy sản trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì phát hiện giàn khoan 981 và lực lượng bảo vệ của Trung Quốc từ phía Bắc xuống hạ đặt khoan thăm dò trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong khi các tàu kiểm ngư mã số 761, 762, 763, 764, 765, 628, 629, 766, 767, 768, 769, 770 tiến hành tuyên truyền cho các tàu phía Trung Quốc về hành vi vi phạm chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Trung Quốc tiếp tục huy động lực lượng xuống hạ đặt giàn khoan thăm dò.
“Lực lượng bảo vệ của Trung Quốc đã tiếp cận, có hành động mở bạt pháo đe dọa, uy hiếp các tàu Kiểm ngư của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ. Các tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã chủ động húc, đâm va với tốc độ cao, rú còi, chiếu đèn pha, phun nước áp lực cao làm hư hỏng các tàu kiểm ngư của Việt Nam. Đặc biệt, trường hợp tàu KN 762 của Việt Nam đã 9 lần bị đâm, húc chỉ trong vòng 4 ngày; thậm chí vào ngày 2/5 tàu 762 còn bị 5 tàu Trung Quốc vây quanh, đâm húc làm vỡ mạn tàu, vỡ cửa kính, vỡ cửa sổ mạn và móp mũi tàu”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Trước sự ngang ngược của các tàu Trung Quốc, ông Ngô Mai Thịnh khẳng định: “Lực lượng kiểm ngư đã thực hiện đúng chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật. Lực lượng kiểm ngư đã phối hợp với cảnh sát biển, kiên quyết đấu tranh để giư vững chủ quyền, giữ môi trường hòa bình, ổn định trên biển, áp dụng mọi biện pháp đấu tranh buộc giàn khoan Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển Việt Nam”.