Mấy ngày gần đây, việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời cho tàu chiến, máy bay tấn công làm hư hại tàu kiểm ngư của Việt Nam khiến cho biển Đông trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế.
Trước hành động gây hấn, xâm phạm lãnh thổ từ Trung Quốc, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, tiến sỹ Vũ Cao Phan - nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, nhận định: “Việc này trước sau cũng sẽ xảy ra”.
Tiến sỹ Vũ Cao Phan (Ảnh Hoàng Hà) |
Tiến sỹ Phan cho rằng, Việt Nam có lẽ đã bị bất ngờ. Ông Phan nói: “Từ một nguồn tin không chính thức mà tôi biết, Trung Quốc đã chuẩn bị “hạm đội” - bao gồm các tàu hộ vệ, tàu tấn công nhanh, tàu hải cảnh, tàu hải giám… để phục vụ cho việc này từ cách đây hai tháng”.
Theo nhà nghiên cứu này nhận định, láng giềng Trung Quốc đã tìm đúng thời điểm cả nước Việt Nam đang tập trung cho những ngày nghỉ lễ là 30/4 - 1/5 và ngày 7/5 – chiến thắng Điện Biên Phủ để triển khai đưa giàn khoan, tàu thuyền đến vùng biển. Mục đích nhằm vào lúc chúng ta lơ là. Và Trung Quốc luôn như vậy.
Bình luận về ứng xử của Việt Nam sau khi xảy ra sự việc, tiến sỹ Phan cho rằng Việt Nam đã hành động đúng đắn, tuy nhiên có phần hơi chậm.
Tiến sỹ Phan nói: “Đã từ lâu Trung Quốc luôn tuyên bố, khẳng định với quốc tế Hoàng Sa và Trường Sa là của họ. Trung Quốc cũng thường xuyên từ chối đàm phán với ta về chủ quyền biển đảo”.
“Quần đảo Hoàng Sa trước Việt Nam đang đóng quân, Trung Quốc nhảy vào đánh chiếm và tuyên bố Hoàng Sa là của họ. Như vậy, Hoàng Sa là nơi đang có sự tranh chấp giữa hai bên. Theo quan điểm trung lập, đã là vùng tranh chấp thì phải đàm phán. Tôi cho rằng Việt Nam cần phải cương quyết đòi quyền thương lượng, đàm phán về Hoàng Sa được công khai ra quốc tế” – ông Phan bình luận.
Một điểm nữa mà nhà nghiên cứu muốn nhấn mạnh, đó là việc Trung Quốc đưa giàn khoan, “hạm đội” vào vùng biển Việt Nam mục đích chính là để khẳng định lãnh thổ của mình trên biển Đông, chứ không phải vì dầu mỏ.
“Trung Quốc là đất nước chưa quá cần đến dầu mỏ. Bản chất của sự việc này là chính trị. Quan hệ Việt - Trung không yên tĩnh đã từ mấy chục năm nay rồi và nó là một dòng gần như liên tục, trước khi xuất hiện vấn đề biển đảo những năm gần đây” – tiến sỹ Phan nêu quan điểm.
Về ứng xử của Việt Nam trong thời gian tới, nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam bằng mọi giá phải ngăn chặn hành động vô lí này của Trung Quốc trên biển Đông.
Trước băn khoăn của phóng viên về việc liệu mâu thuẫn trên có được giải quyết bằng vũ lực? Theo ý kiến của tiến sỹ Phan, không nhiều người nghĩ đến khả năng có một cuộc chiến tranh Trung - Việt vào lúc này.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước tấn công tàu Việt Nam |
Về phía cá nhân, ông Phan tin rằng “lùm xùm” trên sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Thứ nhất là vì Chính phủ hai nước luôn luôn cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp về biển Đông không phải bằng vũ lực mà thông qua con đường ngoại giao, đàm phán thương lượng.
Thứ hai, cả hai nước đều đang ra sức phát triển kinh tế sau nhiều năm bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và chiến tranh ở Việt Nam; và công cuộc xây dựng phát triển kinh tế này đang đạt được những kết quả khả quan, chắc là không bên nào muốn để chiến tranh một lần nữa kéo lùi sự phát triển của đất nước mình.
Thứ ba, bối cảnh của một thế giới hiện đại, dư luận quốc tế đã trưởng thành sẽ mạnh mẽ góp sức ngăn ngừa một khả năng như vậy.
Thứ tư, và điều này cũng rất quan trọng, là nếu Chính phủ hai nước có nóng đầu một chút thì lý trí và tình cảm của nhân dân cả hai bên sẽ giúp cho họ tỉnh táo hơn. Ông Phan tin rằng mọi việc sẽ được giải quyết theo hướng tích cực.
Trong cuộc họp báo quốc tế chiều ngày 7/5 do Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển cho biết, Trung Quốc đã đưa đến hiện trường 80 tàu các loại tham gia bảo vệ, phục vụ hoạt động giàn khoan 981, trong đó có 7 tàu quân sự đã nắm và ghi rõ số hiệu 2 tàu, tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tấn công nhanh 733 cùng các tàu hải giám, hải cảnh, ngư chính, tàu cá, tàu phục vụ khác.
Tàu Trung Quốc manh động đâm thủng tàu của Việt Nam (Video: Ngọc Quang) |
Hành động của Trung Quốc trên thực địa, khi các tàu của Việt Nam ra tiến hành kiểm tra, ngăn chặn hoạt động trái phép của giàn khoan, tàu Trung Quốc với sự hỗ trợ của máy bay đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng vòi rồng công suất lớn nhắm thẳng vào tàu Việt Nam, khiến tàu bị hư hỏng thiết bị, gây thương tích cho các kiểm ngư viên.
Tiến sỹ Vũ Cao Phan là học giả Việt Nam duy nhất được mời tham dự trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong, Trung Quốc) về sự kiện biển Đông. Chương trình mà ông ông Phan tham gia là "Nhất Hổ nhất tịch đàm", đây là một đại talk show liên tuyến toàn cầu mỗi tháng một kỳ, truyền phát đến hơn 150 quốc gia do người dẫn chương trình nổi tiếng Hồ Nhất Hổ chủ trì, phát vào tối thứ bảy và phát lại vào chiều chủ nhật.