Lúng túng khi Bộ Luật Dân sự 2015 chuẩn bị có hiệu lực

27/12/2016 11:19
Ngọc Quang
(GDVN) - Những vấn đề liên quan tới thỏa thuận lãi suất, thế chấp bằng tài sản của người thứ ba... đang thu hút sự quan tâm của giới kinh doanh.

Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề quan trọng của Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017) là nhằm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác của quan hệ pháp luật dân sự, đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật dân sự.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, tất cả các quan hệ dân sự chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự mà không có quy định cụ thể xử lý mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành.

Do đó, trong thực tế, đã phát sinh vướng mắc về việc áp dụng pháp luật khi các quy định của Bộ luật Dân sự 2005 khác với quy định của các luật chuyên ngành.

Thỏa thuận lãi suất là hoạt động mang tính thị trường. ảnh: Thời báo Kinh tế.
Thỏa thuận lãi suất là hoạt động mang tính thị trường. ảnh: Thời báo Kinh tế.

Để khắc phục bất cập trên, Bộ luật Dân sự 2015 đã có những điều chỉnh đáng ghi nhận khi quy định cụ thể nguyên tắc áp dụng Bộ luật Dân sự tại Điều 4.

Theo đó, trong trường hợp có sự khác nhau giữa Bộ luật Dân sự 2015 và luật khác thì các quy định của luật khác sẽ được ưu tiên áp dụng, trừ trường hợp các quy định của luật khác vi phạm nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015.

Tại Hội thảo về một số quy định về lãi suất và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Bộ luật Dân sự 2015 đối với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 23/12 vừa qua, TS.Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho rằng, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong "trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". “Luật khác” ở đây được hiểu là pháp luật chuyên ngành.

Lúng túng khi Bộ Luật Dân sự 2015 chuẩn bị có hiệu lực ảnh 2

Ông Trần Du Lịch: “Đã cởi thì không nên trói lại”

Theo quy định tại Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và khoản 2, 3 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất.

Chỉ trong điều kiện đặc biệt cần có sự can thiệp của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa Tổ chức tín dụng và khách hàng, cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng giữa Tổ chức tín dụng với khách hàng.

Như vậy, Bộ luật Dân sự đã loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các Tổ chức tín dụng, lúc đó pháp luật về tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép các bên trong quan hệ tín dụng là Tổ chức tín dụng và khách hàng được tự thoả thuận.

Đề xuất các giải pháp xử lý các vướng mắc trong quy định về lãi suất, TS.Bùi Quang Tín nêu ý kiến, pháp luật chuyên ngành cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất này.

Theo đó, cơ quan lập pháp nên bỏ đi cụm từ “theo quy định của pháp luật” tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 nhằm phù hợp hơn với các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng Luật các Tổ chức tín dụng 2010 cần sửa đổi theo hướng không quy chiếu ngược trở lại với Bộ luật Dân sự nhằm tránh xảy ra tình trạng lòng vòng, không rõ ràng trong các quy định của pháp luật.

Bộ luật Dân sự 2015 mặc dù mới được Quốc hội thông qua và sắp sửa có hiệu lực nhưng trong tương lai vẫn cần tiếp tục sửa đổi nội dung liên quan vấn đề lãi suất trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận.

Tuy nhiên, trước mắt các cơ quan chức năng như ủy ban Thường Vụ Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước... cần có các văn bản giải thích luật, cũng như ban hành các thông tư hướng dẫn để Tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có căn cứ thực hiện theo.

Ngọc Quang