Hiện nay, trong dự thảo Bộ luật dân sự (BLDS) sửa đổi (điều 467) đặt vấn đề về lãi suất như sau:
Phương án 1: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Phương án 2: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Sau nhiều lần thảo luận, cho ý kiến về các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội như sau:
Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản(quy định hiện hành là 150%); đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, nên quy định một mức lãi suất cố định trong BLDS với tỷ lệ % tính theo năm của khoản tiền vay cho ổn định.
Ý kiến khác, đề nghị nên nghiên cứu sử dụng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ hoặc lãi suất của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn để tham chiếu.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, nếu cho rằng không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu trong quan hệ dân sự với lý do đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, thì lãi suất tái cấp vốn cũng có chức năng tương tự như quy định tại Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nếu chọn mức lãi suất cho vay tiêu dùng của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn, hay lãi suất trái phiếu Chính phủ... cũng là những mức lãi suất không phổ biến và khó tiếp cận với phần lớn người dân như lãi suất cơ bản.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị nên quy định một mức lãi suất cố định trong BLDS, tuy nhiên phương án này không bảo đảm tính linh hoạt khi điều kiện kinh tế - xã hội có biến động.
Trong hai phương án nêu trên, cũng có ý kiến đề nghị đối với phương án 1 cần giao cho cơ quan có thẩm quyền sửa đổi mức lãi suất này khi cần thiết; đối với phương án 2 phải thống nhất áp dụng chung mà không loại trừ trường hợp luật khác có quy định khác.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh cho biết, ông tán thành quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không nên quy định cứng trần lãi suất với các tổ chức tín dụng mà nên để cho luật chuyên ngành điều chỉnh. Nếu quy định cứng sẽ gây ra hệ lụy không tốt cho cả các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân.
Ông Lịch nói: “Tôi ủng hộ quan điểm không nên áp dụng quy định trần lãi suất với các tổ chức tín dụng, bởi vì các tổ chức tín dụng được điều chỉnh bằng Luật các tổ chức tín dụng và điều chỉnh bằng công cụ Ngân hàng nhà nước rồi, bây giờ làm luật dân sự lại chi phối sẽ rất dễ gây chồng chéo”.
TS.Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội đoàn TP.Hồ Chí Minh nhận định, đã cởi trói cho các tổ chức tín dụng thì không nên trói lại. Ảnh: Ngọc Quang. |
Ông Trần Du Lịch chỉ rõ, vì Bộ Luật dân sự 2005 quy định, trần lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cơ bản gây ra khó khăn cho hoạt động của các ngân hàng thương mại, nên ở Quốc hội nhiệm kỳ trước đã phải ra nghị quyết để “cởi trói” tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hoạt động trong cơ chế thị trường.
“Chúng ta đã cởi trói cho các ngân hàng thì không nên trói lại. Sao lại đặt ra con số 20% hay 200%? Tôi nghĩ không nên như vậy. Chúng ta chỉ cần một biện pháp kỹ thuật đơn giản là nếu lạm phát lên tới 20% thì ngân hàng sẽ phải cho vay ở mức cao hơn.
Còn nếu mục đích quy định là để chống cho vay nặng lãi thì nhất thiết phải áp dụng bằng quan hệ dân sự”, ông Lịch nhìn nhận.
Chống tín dụng đen, nhưng không thể khống chế trần lãi suất cho ngân hàng |
Cũng theo TS. Trần Du Lịch, dự thảo Luật dân sự không nên quy định “lãi suất cơ bản”, mà nên thay thế bằng lãi suất tái cấp vốn hoặc lãi suất liên ngân hàng.
“Con số bao nhiêu là hợp lý thì nên để Ngân hàng Nhà nước quyết định, chúng ta không nên áp đặt con số 20% như phương án 1”, ông Lịch nhận định.
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13, khi bàn về vấn đề này, TS.Trần Du Lịch cũng đã từng thẳng thắn rằng, chống cho vay nặng lãi thì phải quy định vào luật hình sự chứ không nên quy định trần lãi suất để trói buộc các ngân hàng.
“Tội cho vay nặng lãi, tức là hành vi ép buộc người dân trong một tình thế nào đó thì xảy ra rất nhiều trong thực tế đời sống. Người ta cho vay ngày, cho vay đêm… chúng ta có áp dụng được luật được đâu. Do vậy, nếu cứ một mực quy định như vậy thì chỉ có hệ thống ngân hàng là chết mà chưa chắc chúng ta đã dẹp được nạn “tín dụng đen”.
Cần phải hiểu rằng, các ngân hàng làm sao có thể cho vay nặng lãi. Tất cả mọi hoạt động của ngân hàng đều phải minh bạch, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.Vậy thì tại sao chúng ta lại ra một điều luật trái với quy luật thị trường, để rồi trói buộc hệ thống ngân hàng? Mục tiêu mà chúng ta hướng tới là trị nhóm cho vay nặng lãi trong dân chúng, vậy thì nên tìm cách nào đó để giải quyết trong luật hình sự chứ không nên áp trần lãi suất trong BLDS”, ông Lịch nêu quan điểm.
Ông Trần Du Lịch khẳng định, việc đưa các tổ chức ra khỏi nhóm đối tượng bị điều chỉnh trong điều 467 của BLDS (sửa đổi) là hoàn toàn đúng đắn, bởi tự do lãi suất là xu hướng phát triển chung của toàn thế giới và Việt Nam đã hội nhập thì phải đi theo xu hướng ấy.