Minh bạch thời gian thu phí cao tốc mới chống được nhóm lợi ích

15/02/2019 07:00
Tùng Dương
(GDVN) - Sẽ tổng kiểm tra công tác thu phí tại các dự án của VEC quản lý và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng Nai (ký hiệu toàn tuyến là CT.01).

Dự án đường cao tốc được khởi công xây dựng vào ngày 3 tháng 10 năm 2009 với quy mô 4 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km.

Chủ đầu tư là Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với tổng vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 xây dựng bốn làn xe trên toàn tuyến với vốn đầu tư là 9.890 tỷ đồng từ nguồn vay ODA

Dự án được sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)

Kể từ khi đưa vào sử dụng 20 km đầu tiên năm 2013, đường này sẽ thu phí thấp nhất là 2.000 đồng trên mỗi km.

Cầu Long Thành trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: TTXVN.
Cầu Long Thành trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: TTXVN.

Vụ cướp hơn 2 tỷ đồng ở cao tốc Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) ngày 7/2/2019 khiến lãnh đạo Công ty Cổ phần dịch vụ Kỹ thuật đường Cao tốc Việt Nam (VECE) lo lắng vì số tiền thực tế thu được qua trạm hàng ngày bị lộ ra.

Số tiền bị cướp đã rõ ràng, nhưng dư luận đang muốn làm rõ số tiền này thu được từ 1 ca hay 1 ngày, 3 ngày như chủ đầu tư đang giải thích?

Thông báo ban đầu thì số tiền mất chỉ khoảng 300 triệu đồng, khi công an vào cuộc đối chiếu sổ sách thì con số đó là gần 3 tỷ đồng.

Nếu số tiền đó thu được của 1 ca thì đúng là con số rất lớn, nhất là vào ngày nghỉ tết. Cho nên dư luận có lý khi đặt ra nghi vấn vào ngày thường số lượng xe lưu thông lớn thì hẳn số tiền thu được sẽ lớn hơn rất nhiều?

Dư luận đang quan tâm về số tiền thực thu hàng ngày trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: TTXVN.
Dư luận đang quan tâm về số tiền thực thu hàng ngày trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: TTXVN.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, trước nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội về chuyện BOT, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - ông Nguyễn Văn Thể nói: “Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải về thu phí BOT là bảo vệ lợi ích người dân”. 

Đại hiểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) đặt câu hỏi: Tôi hỏi Bộ trưởng, như vậy thì đã vì lợi ích của dân chưa, nhất là 17 dự án BOT này hầu hết là chỉ định thầu.

Về các dự án BOT, phương án xử lý là dựa theo lợi ích người dân, tôi thấy chưa thể yên tâm. Vấn đề lớn đang nằm ở 17 dự án BOT đặt sai vị trí.

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận sự thật là hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư.

Thời gian thu phí ở cao tốc Long Thành - Dầu Giây là bao nhiêu năm?. Ảnh: TTXVN.
Thời gian thu phí ở cao tốc Long Thành - Dầu Giây là bao nhiêu năm?. Ảnh: TTXVN.

Vậy nên dư luận có lý khi đặt ra nghi vấn: Có hay không lợi ích nhóm khi được chỉ định thầu làm dự án BOT?

Và đó cũng lý do mà các doanh nghiệp lại mê làm BOT đến như vậy. Trong khi chủ đầu tư BOT nào cũng kêu khó khăn, cũng đòi thêm thời gian thu phí.

Ví dụ:

Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 3 đoạn km 75 - km 100, Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì - Dự án cầu Hạc Trì.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang - Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1, Cai Lậy - Tiền Giang.

Minh bạch thời gian thu phí cao tốc mới chống được nhóm lợi ích ảnh 4

Có những chủ đầu tư BOT giao thông gian dối, muốn thu phí cao

Công ty cổ phần BOT Thái Nguyên - Chợ Mới với Dự án Đầu tư tuyến đường mới Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn.

Công ty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa...

BOT Tân Đệ - Nam Định phải rời vị trí đã đặt. 

BOT Tiền Giang làm đường này nhưng thu phí ở đường khác?

Nhiều chủ đầu tư nhìn thấy lợi ích từ BOT nên bằng mọi giá xin dự án, trong khi năng lực yếu kém.

Vì sao người dân một số nơi lại dấy lên việc phản đối trạm thu phí của BOT?

Dư luận cho rằng, xảy ra tình trạng trạm thu phí đặt sai vị trí, trách nhiệm đầu tiên thuộc Bộ Giao thông vận tải?

Cần đẩy nhanh việc thu phí tự động không dừng để minh bạch tài chính và thời gian thu phí. Ảnh: TTXVN.
Cần đẩy nhanh việc thu phí tự động không dừng để minh bạch tài chính và thời gian thu phí. Ảnh: TTXVN.

Theo chuyên gia về kinh tế giao thông Nguyễn Huy Cường: “Trong các phương pháp đánh giá về kinh tế thì phương pháp trực quan thủ công, tốn thời gian, nhân lực nhưng kết quả thường sát thực nhất”.

Ông Cường đã có cuộc khảo sát sơ bộ bằng phương pháp trực quan là dùng máy quay Video trong một phút 2 giây ở cao tốc Long Thành - Dầu Giây hôm 19/8/2018.

Và đây cũng là 1 trong 25 lần khảo sát trong ba ngày khác nhau trên vài đoạn cao tốc và BOT ở Nam Bộ.

Con số được ghi hình trong một phút ở nhiều thời điểm khác nhau, nhiều địa điểm khác nhau, hình ảnh được ghi  cho thấy có từ 25 xe đến 44 xe mỗi phút.

Lấy một con số cơ sở để tính là 25 xe một chiều, 50 xe ở hai chiều (thấp hơn trong video 30%). Xe nhỏ giá phí là 40 nghìn đồng, xe có mức phí cao nhất 380 nghìn đồng.

Ông Cường cho biết: Tạm ước tính trong một phút thu 8,5 triệu đồng, như vậy chỉ trong 5 năm BOT thu được 20.000 tỷ đồng.

Theo các dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực, thì cấp độ tăng động của kinh tế miền Nam kéo theo tăng lượng phương tiện ô tô, tăng lượt xe chạy trên cao tốc là điều không phải bàn cãi.

Như vậy có thể chỉ hai năm nữa con số xe trên đây sẽ lạc hậu, do đó khả năng thu được 20.000 tỷ trong ba hay bốn năm là rất dễ.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: TTXVN.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: TTXVN.

Thực tế giai đoạn một, con đường dài hơn 50 km chỉ làm hết 10.000 tỷ đồng, nghĩa là chỉ bằng nửa số tiền thu được vừa tính trên trong bốn hoặc năm năm.

Bài toán thu hồi vốn của cao tốc có thể chỉ ba năm. Vậy con số chính xác về thời gian thu phí ở cao tốc Long Thành - Dầu Giây là bao nhiêu năm 10 - 20 hay 30 năm?

Phải công bố thời hạn rõ ràng hay đây là con số bí mật của nhóm lợi ích?

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi đến Quốc hội trước phiên chất vấn cho thấy, cơ quan này đã huy động được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng hơn 209.000 tỷ đồng trong thời gia qua.

Riêng lĩnh vực đường bộ có 68 dự án với tổng mức đầu tư gần 208.000 tỷ đồng.

Đến nay 58 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác với tổng mức đầu tư hơn 166.000 tỷ đồng.

Có 17 trạm BOT những bất cập về vị trí cần có xử lý, Bộ Giao thông đang tập trung xử lý. 

Dư luận hoài nghi không phải là không có cơ sở, trước đó ngày 26/12/2018, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) tiến hành bắt 5 người thuộc Công ty Cổ phần Yên Khánh.

Nhóm người này có hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách tại trạm thu phí cao tốc Trung Lương

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷđồng cũng do liên danh:

Tuấn Lộc – Yên Khánh - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng BMT - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thắng Lợi - Công ty cổ phần Hoàng An - Công ty cổ phần Đầu tư Cầu đường CII làm chủ đầu tư.

Vấn đề được đặt ra hiện nay là cần ngay một cuộc tổng thanh tra các trạm thu phí cao tốc và các dự án BOT trên toàn quốc khi mà dư luận còn đang bán tín bán nghi về mức thu phí và thời gian thu.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện khẳng định sẽ có kế hoạch kiểm tra công tác thu phí của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

Để làm rõ những nghi vấn này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng cần phải có sự vào cuỗch của cơ quan công an.

Sau khi có kết quả của cơ quan công an, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có kế hoạch kiểm tra công tác thu phí tại dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn hai ôtô biển số biển kiểm soát 51A-55... và 51G-77... tại trạm thu phí cao tốc Long Thành - Dầu Giây, ông Nguyễn Văn Nhi (Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam, VEC) cho biết:

"Trong nhiều năm qua chúng tôi từng ra quyết định từ chối phục vụ hàng nghìn xe trên cao tốc do: không tuân thủ quy định của chủ đầu tư, vi phạm giao thông, tài xế bắt khách dọc đường, những trường hợp gây rối... Trong đó, nhiều phương tiện bị từ chối vô thời hạn".

Ngày 12/2, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết: VEC ra quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn với các phương tiện là vượt quá thẩm quyền và trái luật.

Chủ đầu tư cao tốc chỉ được quyền ngăn chặn, chế tài với xe quá tải. Còn với xe khách, ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nếu vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước như công an, Bộ Giao thông Vận tải.

"Tổng Cục đường Bộ đã yêu cầu VEC báo cáo sự việc, nếu đơn vị này ra quyết định từ chối phục vụ sẽ yêu cầu rút lại văn bản trái luật", ông Huyện nói.

Chiều ngày 13/2, VEC E xác nhận đã chấp hành chỉ đạo, thu hồi văn bản. 

Tùng Dương