Khoảng 7 giờ sáng ngày 7/2/2019 (mồng 3 Tết), hai kẻ từng là nhân viên bảo vệ phân làn tại các trạm thu phí cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dùng dao, súng, bịt mặt xông vào trạm đánh nhân viên và cướp đi hơn 2 tỷ đồng, đây là số tiền lưu giữ trong két sắt, vì là thời điểm giao ca nên két mở để kiểm đếm.
Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam thông tin về hai tên cướp như sau: Nguyễn Vũ Hoài Nam (Sinh năm 1990), quê tỉnh Nam Định là cháu họ của ông Nguyễn Viết Tân - Giám đốc VEC E (Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam - VEC E), Trần Tuấn Anh (Sinh năm 1993) quê ở Tiền Giang có bố đang làm bảo vệ tại đơn vị này. [1]
Vụ cướp tại trạm thu phí Dầu Giây khiến người ta nhớ lại những chuyện gắn với địa danh Dầu Giây từ nhiều năm trước.
Trạm thu phí Dầu Giây. Ảnh: VOV |
Năm 2003 tại đây từng “nổi tiếng” với vụ cảnh sát giao thông trạm Dầu Giây trấn lột cánh lái xe khiến Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai phải ra quyết định cách chức trạm trưởng (đại úy) Võ Đình Thường, cho ra khỏi lực lượng cảnh sát giao thông, 10 cán bộ, chiến sĩ dưới quyền ông Thường bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo.
Năm 2013, Thiếu tá Trần Ngọc Sơn, Trạm phó Trạm cảnh sát giao thông Dầu Giây bị cấp dưới là Đại úy Ngô Văn Vinh bắn chết ngay tại trạm vì mâu thuẫn cá nhân.
Với “lịch sử hoành tráng” như vậy, lẽ ra địa bàn này cần được củng cố về an ninh trật tự, đặc biệt là những địa điểm tồn trữ lượng tiền mặt lớn như trạm thu phí Dầu Giây thế nhưng bọn cướp đã không bị bất kỳ cản trở nào khi thực hiện hành vi phạm tội.
Hai tên cướp sử dụng vũ khí nóng hành hung nhân viên, cướp tài sản tại cơ quan là hành vi đặc biệt nguy hiểm cần phải nghiêm trị.
Người dân hoan nghênh lực lượng Bộ Công an phối hợp với công an tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng phá án, bắt được bọn tội phạm ngay trong ngày Tết, chiến công này của lực lượng công an cần được khen thưởng, động viên kịp thời cả về tinh thần lẫn vật chất bởi các chiến sĩ, sĩ quan công an đã thực hiện đúng phương châm “Vì dân phục vụ”.
Vì sự bình yên của nhân dân trong những ngày tết mà tạm gác lại niềm vui đoàn tụ gia đình.
Tuy nhiên sau vụ cướp này, có những điều cần được bàn luận.
Được biết ngày 08/02/2015 Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam đã chính thức làm lễ thông xe toàn tuyến cao tốc thành phố Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Chiều dài toàn tuyến là 55,7 km, tổng vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 toàn tuyến có 4 làn xe, với số vốn đầu tư là 9.890 tỷ đồng, ngân sách lấy từ nguồn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Đã có quá nhiều chuyện về đoạn đường cao tốc dài hơn 50 km này kể từ khi thông xe đến nay, đặc biệt là tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc dài hàng cây số mà không xả trạm thu phí. [2]
Theo Nghị định 46/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, nếu đơn vị thu phí để số lượng ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 100 xe hoặc chiều dài ùn tắc từ 750 mét trở lên thì sẽ bị phạt, mức phạt thấp nhất là 7 triệu đồng, cao nhất là 70 triệu đồng.
Phải chăng đây là tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư nên việc xả trạm sẽ thất thu ngân sách?
Cũng cần biết rằng những đoạn đường cao tốc theo hình thức BOT đều dự kiến thời gian hoàn vốn, sau thời gian đó doanh nghiệp phải chấm dứt thu phí.
Vậy những cung đường do nhà nước đầu tư có thời hạn thu phí hay cứ thu mãi?
Liệu có gì đó chưa minh bạch, chưa công bằng giữa nhà nước và tư nhân trong việc đầu tư xây dựng đường cao tốc? Tư nhân thu phí có thời hạn còn nhà nước thì vô hạn?
Trả lời báo Tuoitre.vn ông Nguyễn Viết Tân - Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam cho biết:
“Một ngày bình thường, công ty thu toàn tuyến (hơn 54km) dao động khoảng 3,3 đến 3,4 tỉ đồng, dịp tết nguyên đán năm ngoái (2018) thì mỗi ngày bình quân thu khoảng 5 đến 6 tỉ đồng”. [3]
Số tiền mà ông Tân nói là tiền mặt do lái xe trả trực tiếp hay bao gồm cả tiền trả qua hệ thống thu phí tự động?
Được biết trên tuyến cao tốc thành phố Thành phố Hồ Chí Minh – Dầu Giây từ ngày 21/08/2017 đã triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) bằng cách sử dụng công nghệ thẻ thông minh IC-card kết hợp thiết bị thu phí chuyên dùng OBU gắn trên xe.
Sáng 5/7/2017, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khi đó là ông Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp về tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã phê bình Vụ Đối tác công tư và các cơ quan liên quan của Bộ trong việc chậm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng “Phải hoàn thành việc ký Hợp đồng dịch vụ tất cả các trạm trước 30/4/2017”.
Sau khi ông Trương Quang Nghĩa chuyển về làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, hình như người kế nhiệm là Bộ trưởng Nguyên Văn Thể chưa có thời gian xem xét lại vấn đề này.
Bằng chứng là một năm rưỡi qua, tuyến cao tốc thành phố Thành phố Hồ Chí Minh - Dầu Giây vẫn tiến hành thu tiền mặt từ lái xe!
Đầu năm 2018, tại Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg và Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết đến cuối năm 2018, hơn 2,8 triệu ô-tô trên cả nước bắt buộc phải dán thẻ thu phí tự động (Etag), nếu không sẽ bị xử phạt. [4]
Vậy cho đến nay Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện phạt bao nhiêu xe vì chưa dán thẻ thu phí tự động?
Qua mấy mốc thời gian đã nêu trên, có thể thấy hứa nhưng không thực hiện vẫn là căn bệnh cố hữu của khá nhiều lãnh đạo bộ, ngành trong đó có lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, tiếc rằng chưa thấy ai bị Thủ tướng phê bình hay kỷ luật.
Vì sao việc thu phí tự động không dừng chậm tiến độ?
Vì các doanh nghiệp không muốn minh bạch thu nhập, ví dụ điển hình là hàng loạt nhân viên và lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh đã bị khởi tố vì dùng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Tương tự các bên tham gia đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nghi ngờ có gian lận thu phí, cụ thể ông Đinh Ngọc Đàn, Phó tổng giám đốc Cienco1 (một bên liên danh) cho biết, ngay từ tháng 1/2016 Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã liên tục bác bỏ đề xuất của Cienco1 về việc cung cấp báo cáo tình hình thu phí với mức thu cụ thể theo từng ngày đến việc được thành lập tổ kiểm tra độc lập để cùng tham gia quản lý việc thu phí,… [5]
Lợi ích đem lại cho các doanh nghiệp BOT giao thông cũng không khác lợi ích thu được trên các tuyến đường do nhà nước đầu tư và phải chăng vì thế ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng không muốn thực hiện thu phí tự động?
Hệ lụy không chỉ làm giảm tốc độ giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng nhân viên tại các trạm thu phí như vụ cướp vừa xảy ra.
Tạm căn cứ vào số liệu mà ông Nguyễn Viết Tân công bố (chắc chắn không thể ít hơn được nữa), tiền phí thu được mỗi năm vào khoảng 1.250 tỷ đồng, sau khoảng 16 năm là thu hồi toàn bộ vốn (20.630 tỷ đồng) nếu lưu lượng xe cộ vẫn giữ như hiện nay.
Nếu lưu lượng xe cộ tăng lên thì thời gian hoàn vốn chắc chắn sẽ không đến 16 năm.
Vậy Nhà nước dự kiến thu phí đến bao giờ hoặc bao giờ thì sẽ giảm phí để tránh tình trạng tiền xăng rẻ hơn tiền phí giao thông trên cùng một đoạn đường?
Chưa kể, sau vụ cướp, đang dấy lên một luồng dư luận rằng số tiền thực thu được lớn hơn nhiều số tiền mà các đơn vị thu phí đang khai báo. Điều này, là rất nghiêm trọng và phải được điều tra, làm rõ, không chỉ với trạm Dầu Giây, mà với tất cả các tuyến BOT cả nước.
Câu hỏi này có lẽ chỉ có Bộ Giao thông Vận tải là có thể trả lời.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vov.vn/phap-luat/ke-cuop-22-ty-o-tram-thu-phi-co-nguoi-than-lam-tai-vec-e-873522.vov
[2] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/vi-sao-cao-toc-tphcm-dau-giay-un-tac-hang-cay-so-nhung-khong-xa-tram-phi-1267320.tpo
[3] https://tuoitre.vn/vu-cuop-2-2-ti-cao-toc-tp-hcm-long-thanh-dau-giay-thu-hon-3-ti-ngay-20190208160944636.htm
[4] http://nhandan.com.vn/xahoi/item/35810002-het-nam-2019-toan-bo-cac-tram-bot-se-thu-phi-tu-dong.html
[5] https://vnexpress.net/kinh-doanh/chu-dau-tu-bot-cao-toc-phap-van-cau-gie-bi-to-gian-lan-thu-phi-3398059.html