Cơ quan nào sẽ ngăn chặn nếu không phải Bộ Xây dựng?
Tình trạng khai thác cát lậu đã và đang để lại những hậu quả rất nặng nề như gây sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự…
Nguyên nhân tình trạng này được cho do thiếu sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền và thậm chí có dấu hiệu bảo kê của một số cá nhân đã gây ra những lãng phí về tài nguyên thiên nhiên, thất thoát nguồn thu thuế cho ngân sách.
Nhiều trường hợp vi phạm khai thác cát đã bị xử lý (hình ảnh Công ty cổ phần Khoáng sản Đông Dương AVA “hồn nhiên” khai thác cát ngay cạnh bãi bồi ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh Lê Minh. |
Trước tình hình trên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn.
Đồng thời Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại các địa phương (trước mắt, chủ trì, phối hợp với các địa phương mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc” đến ngày 1/6/2017).
Có thể nói sau chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tình trạng khai thác cát lậu đã giảm, góp phần tránh được tác động xấu đến môi trường từ khai thác cát gây ra.
Tuy nhiên, khi hoạt động khai thác cát siết chặt cũng là lúc có hiện tượng lợi dụng đẩy giá cát tăng bất thường; phổ biến tăng từ 20 - 30%, cá biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, có thời điểm giá cát tăng tới 70%.
Chia sẻ với phóng viên, anh Minh Huy - lái xe tải chuyên đổ cát cho các đại lý vật liệu xây dựng tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, giá cát xây dựng mới tăng trong khoảng 20 ngày gần đây.
Theo anh Huy, cách đây khoảng 1 tháng giá cát đen phục vụ xây, trát chỉ ở mức 80.000 – 90.000 đồng/m3 thì nay tăng lên 120.000 - 130.000 đồng/m3.
Trong khi cát vàng loại 1 đổ bê tông trước có giá 300.000 – 310.000 đồng m3 nay tăng lên hơn 400.000 đồng/ m3.
"Đây là khung giá đổ cho các đại lý, phục vụ công trình lớn số lượng nhiều. Còn giá cát đến chân các công trình xây dựng dân dụng chắc chắn còn cao hơn.
Trong số vất liệu xây dựng thì chỉ có cát là tăng giá còn giá đá và sỏi vẫn giữ như thời điểm trước đây”, anh Huy cho biết.
Giá cát xây dựng tăng đặt ra câu hỏi về việc đầu cơ, làm giá (ảnh minh họa một bãi tập kết cát) - ảnh: H.Lực |
Trước hiện tượng giá cát xây dựng tăng cao bất thường, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội khẳng định, giá cát tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản.
Ông Điệp chỉ rõ với việc giá cát có nơi tăng lên 50% – 60% như hiện nay sẽ kéo chi phí xây dựng tăng lên. Từ đó ảnh hưởng đến giá bán các sản phẩm bất động sản trên thị trường.
Theo ông Điệp, các dự án bất động lớn bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt các dự án đang triển khai bởi khi kí kết thực hiện dự án giá cát ở mức thấp, nhưng nay giá cát đẩy lên muốn dự án về kịp tiến độ phải tăng mức đầu tư, và như vậy giá bán căn hộ cũng tăng theo.
Theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, hiện tượng giá cát tăng sau khi siết chặt việc khai thác cát cho thấy nhu cầu của thị trường về cát xây dựng rất lớn.
Việc siết quản lý khai thác cát, chống khai thác cát lậu là đúng nhưng không thể làm theo “phong trào”, không giải quyết tận gốc được vấn đề.
Cụ thể, việc chống khai thác cát lậu nhưng chúng ta với chỉ làm bề nổi tức ngăn chặn khai thác cát trên sông mà không làm từ các bãi tập kết.
Ngay tại Hà Nội dọc bờ sông Hồng có nhiều bãi tập kết cát trong đó tỉ lệ sử dụng nguồn cát chính thống hay cát lậu bao nhiêu khó xác định.
Tương tự giá cát từ bãi tập kết đến chân công trình chưa quản lý được dễ dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm giá. Siết khai thác cát lậu trên sông nhưng không siết nguồn cát tại các điểm tập kết đồng nghĩa việc cát lậu vẫn có chỗ tiêu thụ.
“Với lực lượng mỏng chúng ta không thể đủ lực lượng túc trực để ngăn chặn khai thác cát lậu mà cần kiểm soát được bằng chính sách. Với giá cát cao hiện nay vì hám lợi người ta bất chấp khai thác trộm bằng nhiều cách.
Chúng ta cần hoàn chỉnh ngay về thể chế và cơ chế chính sách để đảm bảo khai thác cát nhưng không ảnh hưởng đến môi trường, không có chính sách bài bản rõ ràng thì đây chỉ là cách làm “bắt cóc – bỏ đĩa” rồi đâu sẽ vào đó”, ông Điệp cho biết.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - ảnh nguồn Báo Tài nguyên môi trường. |
Cùng chung quan điểm, theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cơ cấu giá thành vật liệu cát trong dự án xây dựng so với tổng mức đầu tư không lớn nhưng lại là vật liệu không thể thiếu.
“Cát chỉ chiếm khoảng 5 đến 10% kết cấu trong các loại vật liệu xây dựng như bê tông, xây và trát tường xây dựng… nhưng khi giá tăng chóng mặt như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến mức đầu tư dự án, gây khó khăn cho nhà thầu và chủ đầu tư”, ông Đực cho biết.
Tạm dừng cấp phép dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn Chống "cát tặc" đang bị gian thương lợi dụng kiếm tiền tỷ |
Ông Đực cho rằng, nguồn cung cát xây dựng bị ảnh hưởng khi siết chặt khai thác cát nhưng không phải ảnh hưởng ngay lập tức khiến giá cát đẩy lên mạnh như thời gian vừa qua.
Do đó rất có thể đây là chiêu làm giá nhằm gây sức ép lên thị trường.
Trước hiện tượng giá cát tăng đột biến vừa qua, chiều ngày 13/4/2017 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) – Đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng các chủ trương, chính sách, định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên khá bất ngờ, trước câu hỏi của phóng viên về việc giá cát tăng Vụ Vật liệu xây dựng đã và sẽ làm gì để điều tiết nhằm đảm bảo ổn định thị trường, ông Phạm Văn Bắc – Vụ phó Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng đơn vị này chỉ quản lý về mặt kỹ thuật.
“Vấn đề đó (giá cát tăng – Phóng viên) chưa ai giao Vụ Vật liệu xây dựng cả, lãnh đạo bộ cũng chưa giao, các thông tin báo chí cần thì phải gửi văn bản đến văn phòng Bộ Xây dựng. Nếu có liên quan đến Vụ Vật liệu xây dựng thì Văn phòng Bộ Xây dựng sẽ chuyển đến.
Nhưng giá cả các thứ không liên quan đến bọn anh, bọn anh chỉ liên quan đến kỹ thuật”, ông Bắc cho biết.
Cần tìm nguồn thay thế
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đức Long – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, cát tự nhiên phục vụ xây dựng hiện nay không đủ đáp ứng tốc độ đô thị hóa và xây dựng.
Báo Xây dựng dẫn một báo cáo đánh giá của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nguồn cát chính chủ yếu tập trung ở các dự án được cấp phép cho các doanh nghiệp được cấp phép khai thác hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch chỉ đáp ứng được khoảng 60 đến 65% nhu cầu và cung cấp cho các thành phố, đô thị lớn.
Như vậy, có thể thấy được mỗi năm có khoảng từ 35 đến 40 triệu m3 cát được sử dụng vào các công trình xây dựng, công trình giao thông thuộc diện không rõ nguồn gốc hay gọi cách khác là "cát tặc".
Theo Phó Giáo sư Long, việc khai thác cát quá mức gây ra tình trạng sói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp đất liền; làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến các công trình ven sông, ven đê, tác động xấu đến môi trường.
“Do đó việc nghiêm cấm nạo vét sông nhằm khai thác cát cũng như việc siết chặt khai thác cát là điều cần thiết.
Tuy nhiên việc này sẽ ảnh hưởng đến lượng cát cung cấp cho thị trường vì vậy cần tìm nguồn thay thế”, ông Long cho biết.
Theo Phó Giáo sư Long, ở các nước hiện nay ít sử dụng cát tự nhiên mà chủ yếu là cát chế tạo từ đá ra.
Bằng công nghệ hiện đại sẽ nghiền các loại đá, tiến hành sàng lọc và phối trộn đảm bảo thay thế cát tự nhiên.
“Ngay công trình thủy điện Sơn La với khoảng hơn 6 triệu khối bê tông các loại chủ yếu sử dụng cát sản xuất nhân tạo nghiền từ các loại đá.
Với tốc độ phát triển đô thị hóa hiện nay chúng ta phải tìm nguồn cát sản xuất từ đá thay cát tự nhiên”, Phó Giáo sư Long đề xuất.