Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu phát triển đồng bộ các phương thức vận tải, trong đó tập trung phát triển vận tải thủy nội địa, các tuyến vận tải thủy ven biển; đẩy mạnh vận tải đa phương thức.
Bộ Giao thông vận tải cần tập trung phát huy truyền thống "đi trước mở đường", tính sáng tạo của ngành để có các giải pháp phát triển giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tiếp tục tập trung thực hiện Chiến lược phát triển giao thông vận tải, Nghị quyết số 13-NQ/TW.
Đồng thời huy động chủ yếu nguồn lực từ xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.
Nhà nước tạo cơ chế, chính sách và một phần vốn để hỗ trợ (dựa trên quan điểm "vốn mồi") tăng tính khả thi của dự án để khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả các công trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông);
Sắp xếp thứ tự ưu tiên để đầu tư có hiệu quả; mọi cấp, mọi ngành tìm kiếm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, kể cả nguồn thu từ cổ phần hóa, cho thuê, chuyển nhượng hạ tầng...;
Tập trung nghiên cứu đầu tư các công trình hưởng lợi cho nhiều người, như các tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển và các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển giao thông vận tải trong tất cả các lĩnh vực như điều hành bay, thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo phương thức điện tử tự động không dừng, thi công cầu lớn, hầm.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển giao thông vận tải, phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong liên kết vùng, trước hết là với các nước láng giềng như Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc và các quốc gia có tuyến giao lưu hàng hải.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nâng cao công tác quản lý, bảo đảm chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí. ảnh minh họa trên Báo Giao thông. |
Bảo đảm chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chú trọng công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đi liền với chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong tất cả các lĩnh vực: hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải.
Đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, có cơ chế đầu tư phù hợp như hỗ trợ xi măng và huy động nhân công từ nhân dân...; phát triển giao thông đường thủy nội địa, tạo điều kiện phát triển logistics.
Nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong quyết định chủ trương đầu tư phát triển giao thông vận tải; rà soát, tháo gỡ các rào cản trong thể chế; bãi bỏ, sửa đổi các chính sách làm cản trở phát triển, nhất là chính sách về đầu tư PPP để thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ động, chủ trì xây dựng cơ chế đặc thù trong phát triển giao thông vận tải, bao gồm cả cơ chế đầu tư PPP và các cơ chế, chính sách khác.
Các cơ chế dựa trên tinh thần đổi mới, đa dạng; vai trò chủ trì cần chủ động trong phối hợp với các bộ, ngành liên quan; tập trung huy động mọi nguồn lực, chú trọng nguồn ODA để phục vụ phát triển giao thông vận tải.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Công an khẩn trương xử lý, tháo gỡ các bất cập trong phân bổ kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương liên quan giải quyết triệt để tình trạng khai thác cát trái phép trên các dòng sông, xử lý đường ngang dân sinh và phân luồng các tuyến xe khách.