Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi tiết lộ chuyện hậu trường bộ ảnh “nghìn like”

02/07/2016 08:46
Nguyên Thảo
(GDVN) - Ít ai biết, đằng sau bộ ảnh lung linh ấy là câu chuyện hậu trường thực sự “dậy sóng” ở biển khơi và nhà thùng nước mắm của chàng “phó nháy” trẻ tuổi...

Mới chia sẻ cách đây ít lâu, bộ ảnh Tỉ mẩn giọt nước mắm Việt từ đảo ngọc Phú Quốc của nhiếp ảnh gia tài hoa Tâm Bùi đã thu hút hàng ngàn lượt “like”và nhận nhiều khen ngợi từ cư dân mạng. Ít ai biết, đằng sau bộ ảnh lung linh ấy là câu chuyện hậu trường thực sự “dậy sóng” ở biển khơi và nhà thùng nước mắm của chàng “phó nháy” trẻ tuổi...

- Chào nhiếp ảnh gia Tâm Bùi! So với các bộ ảnh “Gà trống”, “Gà mái”, “Những kẻ mộng mơ”, bộ ảnh mới nhất của anh về nghề làm nước mắm tại Phú Quốc có vẻ đi theo đề tài ít “gai góc” hơn. Ý tưởng về bộ ảnh này đã đến với anh như thế nào?

Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi: Quả thật 3 bộ ảnh trước đi theo những đề tài “khó nhằn” vì nó nhạy cảm, nếu tiếp cận không khéo sẽ thành ra thô thiển, thậm chí phản tác dụng. Còn chủ đề lần này tuy có vẻ êm đềm hơn nhưng thực sự “dậy sóng” theo đúng nghĩa đen (cười)

Ý tưởng thực hiện bộ ảnh này đến với Tâm và ekip rất ngẫu hứng. Trong lúc đang “săn” ảnh ở cảng biển Phú Quốc thì Tâm tình cờ gặp được anh Bùi Huy Nhích, một chuyên gia làm nước mắm dày dạn kinh nghiệm tại đây.

Lâu nay đối với Tâm, nghề làm nước mắm là một chủ đề khá “cổ truyền” và không nghĩ sẽ có ngày mình thực hiện một bộ ảnh về nó. Nhưng qua những câu chuyện nghề của anh Nhích, Tâm mới thấy hóa ra nghề làm nước mắm tại Phú Quốc lại có những vẻ đẹp tinh tế, công phu và khơi gợi cảm xúc đến vậy. Những khung hình tưởng tượng cứ lần lượt hiện ra trong đầu.

Và ý tưởng bộ ảnh “Tỉ mẩn giọt nước mắm Việt từ đảo ngọc Phú Quốc” bắt đầu từ đó.

- So với việc thực hiện các bộ ảnh trước, anh và ekip có gặp nhiều khó khăn để hoàn thành bộ ảnh này không?

Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi: Mỗi bộ ảnh đều có những cái khó riêng. Những lần trước, Tâm tốn ít nhất 1 tháng để chuẩn bị, phải làm quen với nhân vật và cho họ thời gian thẩm thấu ý tưởng bộ ảnh.

Còn với bộ ảnh lần này, cái khó là thời gian thực hiện khá gấp, phải di chuyển nhiều vì khi Tâm gặp anh Nhích cũng là lúc bên anh đang chuẩn bị cho một mẻ nước mắm mới, thế là phải tranh thủ chụp liền vào hôm sau.

Thêm nữa, câu chuyện trong bộ ảnh cũng hoàn toàn là người thật, việc thật nên Tâm phải hòa mình, cùng ăn uống, sinh hoạt với các ngư dân và phải nhanh nhẹn để không bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp.

Nhưng khó nhất phải kể đến lúc Tâm theo thuyền đánh cá ra khơi từ nửa đêm. Vốn “bẩm sinh” bị say sóng, nên lúc đầu chỉ mới tưởng tượng đến cảnh phải lênh đênh trên biển liên tục mười mấy giờ đồng hồ, nói thiệt là Tâm hơi… hoảng. Vậy mà đến lúc cầm máy sáng tác, Tâm chỉ chăm chú chụp thôi.

Mãi đến khi về đất liền mới nằm vật vờ mất 1 ngày trời. Mọi người đùa bảo do lúc chụp Tâm say mê nên quên cả… say sóng rồi.

Tâm Bùi “lênh đênh” trên thuyền đánh cá mười mấy tiếng đồng hồ để có bộ ảnh đẹp.
Tâm Bùi “lênh đênh” trên thuyền đánh cá mười mấy tiếng đồng hồ để có bộ ảnh đẹp.
Và “nằm vùng” cả ngày trong nhà thùng nước mắm để “bắt” được những khoảnh khắc đắt giá.
Và “nằm vùng” cả ngày trong nhà thùng nước mắm để “bắt” được những khoảnh khắc đắt giá.

- Ngoài một bộ hình chân thực, đầy sức lay động về một nghề lâu đời trứ danh tại xứ đảo, anh có thu hoạch được gì thêm không?

Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi: Rất nhiều là đằng khác! Suốt những ngày chụp, Tâm được tiếp xúc và “thấm” cái tình người chân chất, đôn hậu của những anh ngư dân và những chuyên gia làm nước mắm.

Tâm cũng cảm thấy thật biết ơn khi các bạn đọc trên Facebook chia sẻ rằng Tâm vừa “chuyển thể” bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận thành hình ảnh, cho các bạn một chiếc vé “quay về tuổi thơ” thật mộc mạc, hồn nhiên.

Mà quả thật là trước khi quyết định thực hiện bộ ảnh, những câu thơ này cứ văng vẳng trong đầu Tâm, nó như là một “chất liệu ký ức” để mình có một cái nhìn trong veo hơn về mọi vật. 

Và với Tâm, đây thật sự là một dịp rất đặc biệt khi được “tận mục sở thị” quy trình chế biến nước mắm vô cùng độc đáo, công phu tại Phú Quốc. 

- Cụ thể thì sự độc đáo của quy trình chế biến nước mắm Phú Quốc như thế nào?

Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi: Hồi giờ Tâm chỉ biết nước mắm Phú Quốc làm từ cá cơm, ai dè bản thân cá cơm cũng được phân thành rất nhiều loại. Trong đó có 3 loại cá cơm Sọc Tiêu, Cơm Đỏ và Cơm Than là cho ra chất lượng mắm thơm ngon nhất.

Mà cá đánh bắt xong phải ướp muối ngay trên thuyền để giữ độ tươi rồi mới được đưa về nhà thùng ủ chượp ròng rã suốt gần 1 năm trời.

Kỳ công ở chỗ thùng ủ chượp cá phải được làm từ gỗ đặc trưng của rừng nguyên sinh Phú Quốc thì mới cho ra vị ngon và màu sắc đúng chuẩn. Bởi vậy nên những người làm nước mắm họ quý chiếc thùng như một tài sản gia truyền vậy.  

Nguồn cá cơm tươi, muối tinh, thùng gỗ ủ chượp cùng sự tỉ mẩn của các nghệ nhân là những yếu tố làm nên sắc – hương – vị hoàn hảo cho nước mắm Phú Quốc.
Nguồn cá cơm tươi, muối tinh, thùng gỗ ủ chượp cùng sự tỉ mẩn của các nghệ nhân là những yếu tố làm nên sắc – hương – vị hoàn hảo cho nước mắm Phú Quốc.

Tâm cảm thấy may mắn khi được chính anh Nhích hướng dẫn tỉ mỉ tất cả các công đoạn chế biến tại nhà thùng nước mắm Nam Ngư, một trong những nhà thùng lớn nhất Phú Quốc. Anh còn cho Tâm nếm thử vị nước mắm đã đạt độ “chín”.

Những giọt mắm màu nâu vàng sóng sánh đầy quyến rũ khi nếm thử thì ngọt thơm… Rất khó quên!

Anh Bùi Huy Nhích – chuyên gia làm mắm đang kiểm tra chất lượng nước mắm trong nhà thùng Nam Ngư.
Anh Bùi Huy Nhích – chuyên gia làm mắm đang kiểm tra chất lượng nước mắm trong nhà thùng Nam Ngư.

- Anh mong chờ người đọc sẽ đón nhận bộ ảnh này như thế nào?

Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi: Câu chuyện lần này xuất phát từ những điều rất bình dị mà ý nghĩa, nên Tâm mong mọi người sẽ cảm nhận những điều quen thuộc theo một cách mới. Hy vọng mọi người sẽ thêm tự hào về loại nước chấm xứng danh đỉnh cao của ẩm thực Việt, sẽ hiểu và trân trọng hơn món quà từ thiên nhiên cũng như tâm huyết của những chuyên gia làm nước mắm vẫn hằng ngày chăm chút tỉ mỉ cho bữa cơm của người Việt thêm đậm đà.
Cảm ơn những chia sẻ của Tâm Bùi!

Cùng ngắm nhìn những khung hình mộc mạc của bộ ảnh “Tỉ mẩn giọt nước mắm Việt từ đảo ngọc Phú Quốc” Tại đây.

Nguyên Thảo