Thể chế hóa nhiệm vụ sản xuất kết hợp với quốc phòng
Sáng 24/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (đoàn Bình Dương) - Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương đồng tình thể chế hóa quy định quân đội thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế.
Ông Khánh phân tích: “Về mặt chính trị, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng qua các kỳ họp đều nêu rõ kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng – an ninh và ngược lại.
Về mặt pháp lý, Hiến pháp quy định lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ cùng toàn dân xây dựng đất nước, kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế và kinh tế với quốc phòng – an ninh. Vì thế Luật Quốc phòng cần thể chế hoá quy định này”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Khánh (ảnh quochoi.vn). |
Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Khánh: “Ngay từ ngày đầu thành lập, nhiệm vụ quân đội đã được xác định quân đội ta là đội quân cách mạng, đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất.
Chức năng cơ bản đó được khẳng định và phát huy trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành hơn 70 năm qua.
Những năm gần quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt, tham gia tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, tạo điều kiện ổn định cho hàng vạn hộ dân định cư lâu dài, hình thành thế bố trí chiến lược trên địa bàn trọng yếu về quốc phòng – an ninh.
Các doanh nghiệp quốc phòng đã không ngừng đổi mới, phát triển, hội nhập nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, chấp hành nghiêm pháp luật.
Nhiều doanh nghiệp quân đội năng động sáng tạo chiếm lĩnh thị trường và đầu tư ra nước ngoài, giữ vị trí xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân".
Tướng Thước: "Quân đội không làm kinh tế là sự đột phá về tư duy" |
Ngoài ra, vị đại biểu đoàn Bình Dương phân tích, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội sẽ góp phần thực hiện được 4 mục tiêu là gia tăng sức mạnh quân đội và sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tận dụng tiềm lực tiềm năng của đất nước về mọi mặt, từng bước nâng cao vị thế quốc tế của nước ta…
Ông Khánh nói thêm: “Bộ Quốc phòng đang tổ chức sắp xếp các doanh nghiệp theo hướng các doanh nghiệp quân đội không làm kinh tế đơn thuần, mà làm kinh tế quốc phòng, khoa học công nghệ để phục vụ phát triển tiềm lực quốc phòng, góp phần gia tăng sức mạnh quân đội và tiềm lực quốc gia".
Phải tách bạch giữa kinh tế với quốc phòng
Cùng quan điểm này, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), Phó chính ủy Quân khu 7 cũng cho rằng quận đội làm kinh tế là một trong những nhân tố chính trị.
Việc bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ quyết định, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng.
Theo tướng Hoàng, quân đội làm kinh tế mục đích đầu tiên là gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đoàn Hà Nội (ảnh quochoi.vn). |
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí đoàn Hà Nội cho rằng: “Quân đội xây dựng và tổ chức các hoạt động làm kinh tế vì đây là quan điểm của Đảng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế tiến tới xây dựng nền công nghiệp quốc phòng.
Hiến pháp mới đều đề cập quốc phòng với kinh tế, bộ đội luôn chủ động sản xuất lương thực thực phẩm, nhiều doanh nghiệp quân đội đã đổi mới sáng tạo nộp ngân sách nhiều”.
Theo đại biểu Trí, về thực hiện kinh tế và quốc phòng có mối quan hệ chặt chẽ và có tính biện chứng "thực túc binh cường".
Bộ đội ta lúc nào cũng chủ động sản xuất lương thực thực phẩm, hiện nay quân đội đã có những đơn vị tập đoàn làm kinh tế rất thành công.
Nhiều doanh nghiệp quân đội đã hoạt động đúng quy định của pháp luật, đổi mới, sáng tạo và có được doanh thu lớn nộp ngân sách nhà nước nhiều.
Từ năm 2012 quân đội qua sản xuất kinh doanh đã nộp ngân sách khoảng 16.500 tỷ đồng, năm 2015 là 43.237 tỷ đồng, năm nay dự kiến khoảng 47.000 tỷ đồng.
Quân đội đã phát huy được vai trò nòng cốt trong xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, quân đội đã có mặt tại những vùng khó khăn, vùng biên cương, hải đảo để vừa làm kinh tế vừa giúp xóa đói, giảm nghèo, gìn giữ những vùng phên dậu của Tổ quốc.
Những kết quả đó, những điều đó không thể đong đếm được bằng tiền. Quân đội đã trở thành người bảo vệ, người mang lại công ăn việc làm, người xây dựng nếp sống mới, quân đội đã trở thành chỗ dựa về mặt tinh thần cho đồng bào, cho nhân dân.
Như vậy, quân đội làm kinh tế là để mạnh thêm cho quân đội, an ninh tốt hơn cho xã hội và gia tăng thêm sự vững chắc của quốc phòng”.
Tất cả những lý do trên, đại biểu Trí bày tỏ: “Tôi đồng ý kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng.
Tuy nhiên, trong kết hợp này xin đề nghị quân đội cần rạch ròi những nội dung, những phạm vi, những hoạt động để phục vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc với những nội dung, phạm vi, hoạt động làm kinh tế đơn thuần. Không sử dụng đất đai sai mục đích.
Vừa qua xã hội xôn xao vụ làm sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng rất hoan nghênh quân đội đã kịp thời có ý kiến và giải quyết việc này”.