Trả lời báo chí mới đây, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Quân đội chỉ làm kinh tế ở những lĩnh vực cần thiết, đúng chức năng nhiệm vụ, đúng chủ trương lãnh đạo của Đảng và phải thực hiện đúng pháp luật, không có ngoại lệ”.
Tướng Vịnh cũng khẳng định, Bộ Quốc phòng kiên quyết không để cho một số đơn vị, cá nhân lợi dụng danh nghĩa quân đội để làm những việc phi pháp, trục lợi cá nhân, không đúng với chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, kiên quyết không để lợi dụng danh nghĩa quân đội để trục lợi cá nhân.../ ảnh nguồn VnEconomy. |
Đúng với kinh tế thị trường
Thời Báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, nếu chỉ nói rằng “quân đội làm kinh tế” không thôi thì không phản ánh bản chất của việc quân đội tham gia làm kinh tế.
Quân đội tham gia làm kinh tế, trước hết phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, đồng thời đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
“Ngay từ khi mới thành lập quân đội, Bác Hồ đã dạy rằng quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Mỗi thời kỳ có mô hình khác nhau, có mức độ khác nhau, quân đội tham gia lao động sản xuất theo điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước”, Tướng Vịnh nói.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, quân đội làm nhiệm vụ kinh tế trong môi trường kinh tế thị trường, nên không thể đóng cửa, không thể tách rời việc lao động sản xuất quân sự với những đặc điểm của nền kinh tế thị trường - thế mới sinh ra doanh nghiệp quân đội, công ty quân đội.
Tuy nhiên, nếu không được quản lý tốt, kiểm tra thường xuyên chặt chẽ, công tác cán bộ không được chú ý thì rất dễ sinh ra tiêu cực, tham nhũng.
Vấn đề này ở đâu cũng có, quân đội cũng phải cảnh giác, đề phòng và thực hiện tốt công tác quản lý giám sát trong lĩnh vực này. Không doanh nghiệp nào được làm những việc mà luật pháp không cho phép, ở đây không có ngoại lệ.
“Quân đội chúng ta trước đây có gần 200 doanh nghiệp, vừa qua đã rút xuống còn hơn 80 và trong đề án mà quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ còn 17 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào thực sự cần thiết, thực sự làm ăn đứng đắn, thực sự tuân thủ luật pháp thì mới được tồn tại”, Tướng Vịnh cho biết.
Trước quyết tâm của Bộ Quốc phòng nhằm giảm số lượng doanh nghiệp quân đội tham gia làm kinh tế, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Bộ Quốc phòng chỉ đạo giảm số lượng doanh nghiệp quân đội, không tham gia làm kinh tế là chủ trương rất đúng đắn.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Bộ Quốc phòng chỉ đạo giảm số lượng doanh nghiệp quân đội, không tham gia làm kinh tế là chủ trương rất đúng đắn - ảnh nhân vật cung cấp. |
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, có thể trong giai đoạn trước đây khi đất nước bước ra từ nền kinh tế bao cấp, nền kinh tế chỉ huy. Thời điểm đó quân đội tham gia làm kinh tế, phát triển kinh tế đất nước là cần thiết, vai trò của doanh nghiệp quân đội rất lớn.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp quân đội tham gia làm kinh tế kéo dài đến ngày nay là không nên. Đặc biệt hiện nay khi doanh nghiệp quân đội tham gia hầu hết lĩnh vực kinh tế chính từ bất động sản, xây dựng, tài chính ngân hàng….
“Những đóng góp của doanh nghiệp quân đội với phát triển kinh tế - xã hội đất nước là rất lớn. Nhưng hiện nay đây lại là vấn đề không thích hợp nhất là trong một nền kinh tế thị trường”, ông Hiếu khẳng định.
Cũng theo Tiến sĩ Hiếu, Bộ Quốc phòng là một trong những bộ đặc thù riêng với nhiệm vụ chính là huấn luyện, xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ để sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tổ quốc.
Tướng Thước: "Quân đội không làm kinh tế là sự đột phá về tư duy" |
Với nhiệm vụ đó, quân đội được nhiều lợi thế về đất đai, về nguồn lực. Những lợi thế này nếu chuyển sang làm kinh tế, cụ thể doanh nghiệp của quốc phòng dùng nguồn lực này làm lợi thế cạnh tranh thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong một nền kinh tế thị trường.
“Một nền kinh tế thị trường cần có sự cạnh tranh và cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường, dù là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng ở đó nền kinh tế vẫn phải được vận hành theo nguyên tắc sự cạnh tranh và cung - cầu.
Do đó nếu doanh nghiệp quân đội sử dụng nguồn lực được ưu tiên dành riêng cho Bộ Quốc phòng để cạnh tranh với thành phần kinh tế khác sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân và đi ngược với kinh tế thị trường.
Vì vậy việc Bộ Quốc phòng rút lui không làm kinh tế là việc rất thích hợp. Thích hợp trên nguyên tắc kinh tế thị trường, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh.
Khi không làm kinh tế, Bộ Quốc phòng sẽ tập trung mọi nguồn lực vào mục tiêu chính bảo vệ an ninh quốc phòng”, Tiến sĩ Hiếu chỉ rõ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, không chỉ Bộ Quốc phòng mà Chính phủ nên cơ cấu lại các ngành kinh tế, tập trung quản lý những lĩnh vực ngành nghề mà không thể cho tư nhân hóa, còn lại nên cổ phần hóa triệt để.
Tiến sĩ Hiếu cũng cho biết, việc cho quân đội làm kinh tế hiện nay chỉ còn ở một số nước đang phát triển. Trong khi ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường thực thụ như Tây Âu, Mỹ thì quân đội hầu như không tham gia hình thức kinh doanh nào trừ việc sản xuất, trang bị vũ khí, quân trang cho quân đội; còn các lĩnh vực kinh tế khác không được phép tham gia.
Chỉ làm kinh tế đặc thù
Cũng liên quan đến câu chuyện quân đội có làm kinh tế hay không, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, nếu chỉ làm kinh tế đơn thuần để phục vụ kinh doanh thì không nên. Vì chức năng chính của quân đội là bảo vệ tổ quốc, phòng thủ đất nước.
“Tuy nhiên bên cạnh đó, quân đội vẫn phải làm kinh tế. Làm kinh tế để phục vụ cho mục đích quốc phòng, phục vụ cho khu vực mà bản thân doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân không làm. Ví dụ như thực hiện dự án kinh tế ở các vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo”, ông Long cho biết.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, khi nói đến vấn đề quân đội có nên làm kinh tế hay không phải phân biệt loại kinh tế nào? Không phải quân đội không làm kinh tế hoàn toàn - ảnh nguồn: vtc |
Phân tích rõ hơn, Phó Giáo sư Ngô Trí Long cho hay, nếu để quân đội làm kinh tế đơn thuần rồi bán đất, xây sân golf, làm biệt thự hay những khu đô thị, khu du lịch là không nên.
“Tập trung vào lĩnh vực kinh tế là sai chức năng và sẽ sao lãng nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Mặt khác, doanh nghiệp quân đội làm vì động cơ lợi nhuận có thể bất chấp mọi cái, tìm mọi thủ đoạn, mánh khóe chiêu trò để kiếm lợi nhuận, từ đó có thể xâm hại tài sản nhà nước, tài sản công. Ví dụ câu chuyện đất sân bay Tân Sơn Nhất được chuyển sang xây sân golf, xây biệt thự được báo chí nói đến vừa qua”, Phó Giáo sư Long cho biết.
Ở chiều ngược lại Phó Giáo sư Ngô Trí Long cũng cho rằng, khi nói đến vấn đề quân đội có nên làm kinh tế hay không phải phân biệt loại kinh tế nào? Không phải quân đội không làm kinh tế hoàn toàn.
“Nếu quân đội chỉ luyện tập, huấn luyện chiến đấu thôi thì chưa đúng. Quan điểm rất rõ tuyệt đối không làm kinh tế, nhưng không không làm ở lĩnh vực nào.
Nếu hoạt động kinh tế phục vụ công ích, phục vụ an ninh quốc phòng biên giới, hải đảo không đối tượng nào làm tốt hơn doanh nghiệp quân đội, do đó quân đội phải làm.
Còn hoạt động kinh doanh thông thường nhắm đến lợi nhuận thì không nên. Nhất là vừa qua có hiện tượng nhiều khu đất trước kia do quân đội quản lý nhưng nay biến thành của riêng. Dùng cái đó phục vụ kinh doanh kiếm lời là không nên”, Phó Giáo sư Long nói.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Quốc phòng lên tiếng về việc quân đội không tham gia làm kinh tế. Trước đó, tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sáng 23/6, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ Quốc phòng đang xem xét một chủ trương đặc biệt, đó là các đơn vị quân đội sẽ chấm dứt làm kinh tế.
“Bộ Quốc phòng cũng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không tham gia làm kinh tế mà tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân”, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết.
Về số doanh nghiệp quân đội hiện nay, theo Thứ trưởng Lê Chiêm sẽ tổ chức cổ phần hóa, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp dự án sắp đầu tư.