Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ông Trần Đình Nhã – Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội nói: “Trước hết phải điều tra xác minh những thông tin báo chí đã nêu như các bè cá nuôi của người Trung Quốc này chỉ cách quân cảng Cam Ranh 300 mét và từ những bè cá này có thể “quan sát” khá rõ quân Cam Ranh. Nếu địa phương để xảy ra sai phạm thì chính quyền, lực lượng chức năng tại đây phải chịu trách nhiệm”.
Bè cá của người Trung Quốc tại vịnh Cam Ranh. Ảnh: Nguyễn Nam Anh/VNE |
Ông Trần Đình Nhã cũng khẳng định phải có điều tra cụ thể trước lo ngại, việc nuôi trồng thủy sản trên có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. “Việc đầu tiên phải làm là xác định rõ địa điểm chính xác của những khu lồng bè, ranh giới bảo vệ cảng, tình hình cư trú của người nước ngoài. Nếu người nước ngoài đã lập gia đình tại Việt Nam thì bản chất của mối quan hệ đó thế nào…” – ông Nhã nói.
“Hiện Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội chưa có kế hoạch giám sát về việc này nhưng chúng tôi sẽ họp bàn với nhau. Với tư cách là thành viên của ủy ban, tôi sẽ đề nghị xem xét lại toàn bộ việc đầu tư ở khu vực biên giới, biển đảo…”.
Ông Trần Đình Nhã – Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội: "Hiện Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội chưa có kế hoạch giám sát về việc này nhưng chúng tôi sẽ họp bàn với nhau". |
Trả lời về vấn đề trách nhiệm của các cơ quan liên quan nếu phản ánh của báo chí là chính xác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hộ nhấn mạnh: “Chủ tịch UBND Khánh Hòa và chủ tịch các địa phương nếu để xảy ra tình trạng này là người quản lý toàn diện địa bàn có trách nhiệm trả lời rõ ràng để người dân yên tâm sau những thông tin vừa qua”.
Theo ông Trần Đình Nhã, trước hết, phải điều tra xác minh những thông tin mà báo chí đã nêu như các nhà bè nuôi cá chỉ cách quân cảng Cam Ranh có 300m và từ những bè cá của người Trung Quốc này có thể “quan sát” khá rõ quân cảng Cam Ranh hay không… “Khi để xảy việc người nước ngoài vào làm ăn, sản xuất tại các khu vực “nhạy cảm” trước hết thuộc về trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, từ chính quyền; Bộ đội biên phòng và Công an (quản lý cư trú và khu vực biên giới). Luật Cư trú đã quy định rất rõ về khu vực biên giới và địa bàn ven biển là khu vực biên giới. Hiện Việt Nam có đủ chế tài để xử lý người vi phạm và cũng như cơ quan và chính quyền địa phương để lọt lưới”.
Trước đó, một số thông tin được đăng tải cho biết, qua công tác kiểm tra môi trường các lồng bè thu mua nuôi cá ở vịnh Cam Ranh, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa phát hiện có một cơ sở do người Trung Quốc quản lý.
Bè cá của người Trung Quốc cách cảng Cam Ranh (phường Cam Linh, TP Cam Ranh) vài trăm mét về phía đông bắc, trên bè có 3 căn nhà lợp tôn, với gần 100 lồng nuôi. Phía sau lưng bè là Quân cảng Cam Ranh của Vùng 4 Hải quân. Từ bè có thể nhìn thấy các tàu lớn nhỏ ra vào cảng rất rõ.
Theo người dân địa phương, quản lý bè của người Trung Quốc là A Giót, ngoài ra còn nhiều người làm như A Ngán, A Keng, A Cang, A Xìu… Việc thu mua và nuôi trồng thủy sản của những người Trung Quốc này đã có từ rất lâu, họ có thể nói tiếng Việt, có người còn lấy vợ ở đây.
Sáng 4/6, UBND thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) đã triệu tập các cấp, phòng ban chức năng họp, bàn cách xử lý và làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc người Trung Quốc thu mua, nuôi cá lồng bè gần cảng Cam Ranh.
Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh thừa nhận "quản lý nhà nước địa phương đối với hoạt động người Trung Quốc nuôi cá lồng bè lỏng lẻo, một số ban ngành chưa nhận thức đầy đủ vấn đề, còn chủ quan".
Chính quyền TP Cam Ranh đề nghị Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng mỗi người đối với 5 người Trung Quốc hoạt động trái phép tại vịnh Cam Ranh. Những người này có thị thực nhập cảnh Việt Nam nhưng đã hết hạn. Ngoài ra, TP đề nghị phạt 3,5 triệu đồng một người đối với 2 người Trung Quốc hoạt động không phép, không có thị thực nhập cảnh.
Minh Anh (ghi)