Thiếu cán bộ có tâm là bước cản nền kinh tế

18/06/2016 13:23
Mai Anh
(GDVN) - Đó nhận định của TS. Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn Quốc hội TP.HCM trước những vấn đề hiện đại hóa thể chế giúp doanh nghiệp phát triển.

Chương trình Tọa đàm “Khát vọng Việt Nam 2035” do Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây đã nêu lên một loạt những bất cập đang cản trở kinh tế đất nước. 

Tại đây, các chuyên gia kinh tế hàng đầu, đại biểu Quốc hội đều có chung nhận định: Kinh tế Việt Nam chậm phát triển do bộ máy quản lý hành chính hiện nay.

TS. Trần Du Lịch Phó trưởng Đoàn Quốc hội TP.HCM / ảnh Ngọc Quang - Giaoduc.net.vn
TS. Trần Du Lịch Phó trưởng Đoàn Quốc hội TP.HCM / ảnh Ngọc Quang - Giaoduc.net.vn

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương chia sẻ, trong khi cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp lên tiếng vì cách làm việc theo kiểu “hành là chính”, công chức vẫn nói: “Tôi làm thế là đúng”. Nói như vậy để thấy một bộ phận cán bộ công chức chưa nhận thức được tầm quan trọng vấn đề phục vụ doanh nghiệp người dân.

Đòi hỏi yêu cầu hiện đại hóa thể chế, TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Để chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp thì thể chế rất quan trọng, thể chế nào doanh nghiệp đó, nhưng doanh nghiệp cũng là động lực để thay đổi thể chế. Thể chế góp phần giải phóng doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp góp phần thay đổi thể chế.

Đồng quan điểm nhận định yêu cầu hiện đại hóa thể chế, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Không thể nói hiện đại hóa thể chế chung chung mà phải chỉ rõ tồn tại ở đâu, khác phục thế nào”.

Thiếu cán bộ có tâm là bước cản nền kinh tế ảnh 2

Phải loại bỏ cán bộ "cố tình không hiểu luật" để doanh nghiệp tư nhân phát triển

(GDVN) - Theo VCCI muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển, trước hết phải loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ “cố tình” không hiểu quy định, có hành vi nhũng nhiễu.

Theo đó, TS. Trần Du Lịch đánh giá: Hiện nay liên quan đến vấn đề môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, chúng ta có hành lang pháp lý với đầy đủ các luật, bộ luật. Những bộ luật khá tiến bộ, hiện đại và đã tiếp cận được với hội nhập theo thông lệ quốc tế. 

“Khi nói vấn đề hiện đại hóa thể chế, giúp doanh nghiệp thủ tục hành chính nhiều người lấy lý do chúng ta nhiều quy định, nhiều bộ luật chồng chéo. Cách hiểu này không đúng. Lấy ví dụ ở Mỹ, luật pháp của họ còn phức tạp hơn nhưng tại sao doanh nghiệp không kêu, tại sao bộ máy vận hành trơn tru?”, TS. Trần Du Lịch đặt vấn đề.

Từ đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng vấn đề tồn tại cũng như cần hiện đại hóa là bộ máy hành chính. Yêu cầu cải cách bộ máy hành chính với bộ máy chồng chéo như hiện nay trách nhiệm không rõ ràng, không xử lý dẫn đến sai nhưng không ai phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh cải cách bộ máy, bất cập nhất hiện nay trong bộ máy hành chính là trình độ lực lượng cán bộ công chức không đồng đều, nhiều cán bộ chưa đáp ứng trình độ yêu cầu làm việc chưa có tâm trong công việc.

“Luật pháp Mỹ phức tạp như vậy nhưng không ai kêu bởi bộ máy con người có tâm và trách nhiệm với công việc. Ta cứ nói hậu kiểm và quên mất tiền kiểm. Tiền kiểm chính là việc cán bộ công chức cơ quản lý hành chính phải hưởng dẫn chi tiết, quy trình thủ tục doanh nghiệp chứ không phải bỏ mặc doanh nghiệp hiểu sao làm vậy để rồi sai lại bắt doanh nghiệp làm lại hay để làm rồi. 

Cứ như vậy doanh nghiệp sao còn thời gian sản xuất. Nếu tiền kiểm làm tốt, hậu kiểm sẽ tốt và khi đó nếu doanh nghiệp làm sai có xử phạt doanh nghiệp cũng tâm phục khẩu phục”, TS. Trần Du Lịch cho biết. 

Muốn nâng cao năng lực trách nhiệm cán bộ công chức, theo TS. Trần Du Lịch cần tính toán tinh giảm bộ máy, nâng cao trình độ cán bộ và phải nâng mức lương cũng như chế độ đãi ngộ để chống nhũng nhiễu.

Cùng với đó, TS. Trần Du Lịch cũng cho hay, nền tài chính quốc gia phải tiếp tục cải cách, giảm chi tiêu công chống lạm phát. 

Mai Anh