Vốn đầu tư FDI cao kỷ lục 10 năm qua
Thông tin được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến ngày 20/12/2017 có 2.591 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Việt Nam.
Tính chung trong 12 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ đô la Mỹ, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, tổng vốn đăng ký là 21,27 tỷ đô la Mỹ (tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2016) với số vốn giải ngân đạt mức kỷ lục khi đạt 17,5 tỷ đô la Mỹ.
Cùng đó, 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8,41 tỷ đô la Mỹ (tăng 49,2%) và 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,19 tỷ đô la Mỹ (tăng 45,1%).
Như vậy lượng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua, từ 20 tỷ đô la Mỹ năm 2014 lên mức gần 36 tỷ năm 2017.
Hiện các doanh nghiệp FDI đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với 44 tỷ đô la Mỹ, tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...
Năm 2017 số vốn FDI vào Việt Nam cao mức kỷ lục trong 10 năm qua lên đến gần 36 tỷ đô la Mỹ. Ảnh: VTV |
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài với 15,87 tỷ đô la Mỹ, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2017. Tiếp sau đó là lĩnh vực phân phối điện với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ đô la Mỹ, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 15,87 tỷ đô la Mỹ, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 12 tháng năm 2017.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ đô la Mỹ, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Đáng chú ý, trong dó có một số dự án lớn mới được cấp phép trong tháng 12/2017. Trong đó, có 3 dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện theo hình thức BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ đô la Mỹ do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá.
Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ đô la Mỹ do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa. Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ đô la Mỹ do nhà đầu tư Singapore đầu tư.
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư – Tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: “Từ con số trên có thể nói năm 2017 tiếp tục là năm thành công thu hút nguồn vốn FDI. Đó là tín hiệu rất lạc quan đối với nền kinh tế Việt Nam.
Dự đoán năm 2018 và các năm tiếp theo, các doanh nghiệp FDI sẽ còn tiếp tục mở rộng quy mô hơn nữa. Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Thống kê trên cũng chỉ ra quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế- xã hội của khu vực kinh tế FDI ngày càng cao”.
Giáo sư Nguyễn Mại dự đoán, trong những năm tiếp theo nguồn vốn FDI vào Việt Nam còn tăng mạnh. Ảnh: Báo Nhân dân |
Giáo sư Nguyễn Mại cũng phân tích: “Vốn đăng ký FDI năm 2017 đáng chú ý là việc mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp (M&A) chiếm đến gần 6 tỷ đô la Mỹ.
M&A là hiện tượng tăng dần từ năm 2013 đến nay. Hiện tượng này gắn với tiềm lực của doanh nghiệp trong nước.
Như M&A gần đây nhất là thương vụ Sabeco, đây là thương vụ thành công mang về gần 5 tỷ đô la Mỹ cho Nhà nước.
Có người nói không nên để doanh nghiệp Thái thâu tóm Sabeco, nhưng nên hiểu rằng, hiện Việt Nam đã mở cửa hội nhập, nên không có lý do gì chúng ta không cho các doanh nghiệp lớn các nước trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia... vào Việt Nam.
Và ngược lại các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hoàn toàn có thể tiến ra nước ngoài”.
Những rào cản, thủ tục, chi phí không cần thiết cần sớm xóa bỏ |
Nhìn vào lĩnh vực thu hút FDI năm 2017, Giáo sư Nguyễn Mại chỉ ra: “Tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20 tỷ đô la Mỹ, nhưng các dự án BOT nhiệt điệt lên đến hơn 7 tỷ đô la Mỹ (tương đương 30%).
Đây rõ ràng là câu chuyện đáng bàn, bởi phát triển nhiệt điện sẽ khó đảm bảo tăng trưởng xanh gắn với yêu cầu giảm khí nhà kính.
Bởi vậy, đầu tư FDI vào lĩnh vực BOT nhiệt điện cần cân nhắc, chứ không nên khuyến kích.
Thay vào đó, chúng ta nên khuyến khích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển điện sạch như là điện gió, điện mặt trời, tương lai là điện thủy triều.
Trong một năm mà cấp 3 dự án BOT nhiệt điệt thì cần phải xem xét nghiêm túc việc này. Hơn nữa, năm vừa qua nước ta phải nhập khẩu lượng lớn than, như vậy nếu cứ tiếp tục các dự án nhiệt điện sẽ phải nhập khẩu lượng lớn than nữa”.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Mại, điểm lưu ý nữa, trừ một số dự án từ 500 triệu đến 1 tỷ đô la Mỹ, hàng ngàn dự án FDI còn lại chỉ hơn 10 tỷ đô la Mỹ, chia đều ra sẽ thấy số dự án nhỏ quá nhiều.
Nếu dự án FDI nhỏ mà công nghệ, dịch vụ hiện đại, hay dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn luật thì có thể chấp nhận. Còn những dự án nhỏ như trong lĩnh vực công nghiệp thì nên để các doanh nghiệp Việt Nam làm.
“Doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này hoàn toàn có thể làm được chứ không nên mời các nhà đầu tư nước ngoài. Các địa phương cũng không nên vì thành tích, để nâng số vốn FDI cho địa phương mà bỏ qua cơ hội cho doanh nghiệp nội”, Giáo sư Nguyễn Mại nói.
Giáo sư Nguyễn Mại nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra là làm sao trong thời gian tới Việt Nam thu hút các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu. Nhiều năm qua, đứng đầu trong danh sách FDI vào Việt Nam vẫn là các nước quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Việc thu hút FDI cần chuyển từ thế bị động sang chủ động. Nhà nước cũng như các địa phương cần chủ động thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên thay vì chờ đợi nhà đầu tư đến Việt Nam.
Nhưng như thế không có nghĩa Việt Nam chấp nhận các dự án FDI thâm dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng, số vốn FDI vào Việt Nam năm 2017 cho thấy nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: VEPR |
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: “Rõ ràng qua số vốn FDI vào Việt Nam năm 2017 cho thấy cơ hội, điều kiện đầu tư vào Việt Nam đang rất rộng mở và tiến triển tốt.
Với tổng số vốn đăng ký, cấp mới, tăng thêm lên đến gần 36 tỷ đô la Mỹ, số vốn giải ngân trên 17 tỷ đô la Mỹ là con số rất cao trong 10 năm qua.
Điều này cho thấy môi tường kinh doanh Việt Nam đã được cải thiện rất rõ, Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng xếp hạng Việt Nam tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh.
Đây là kết quả nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế hành chính làm sao để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”.
Trước lo ngại vốn FDI vào càng nhiều, kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cũng chỉ ra: “Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 cho thấy hơn 70% là từ khối doanh nghiệp FDI, còn lại là doanh nghiệp trong nước.
Điều này cho thấy khối doanh nghiệp FDI đang lấn lướt doanh nghiệp trong nước. Muốn tăng trưởng bền vững, chúng ta cần dựa nhiều hơn vào nội lực, phát triển nền sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào khu vực FDI.
Bởi vậy, cần Chính phủ, các bộ ngành làm sao thúc đẩy được sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước”.